5h sáng mai, Đà Nẵng bán cá sạch tại các chợ
Trước tình trạng cá của ngư dân Đà Nẵng đánh bắt được không có đầu ra, mặc dù trong dịp nghỉ lễ nhưng sáng 1.5, UBND thành phố Đà Nẵng đã tổ chức họp các Sở, ban ngành tìm hướng xử lý, hỗ trợ ngư dân. Cuộc họp do Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Đặng Việt Dũng chủ trì.
Ngư dân Đà Nẵng đang gặp khó vì cá về không biết bán cho ai. (Trong ảnh: Tàu thuyền ngư dân về bán cá tại Âu thuyền Thọ Quang - Ảnh: Nam Cường)
Báo cáo tại cuộc họp, ông Huỳnh Văn Phương - Trưởng ban quản lý Âu Thuyền Thọ Quang cho biết, trước đây, khi chưa có thông tin cá chết, hàng ngày có 1600 lượt xe thu mua cá chở đến các chợ lẻ. Những ngày có thông tin cá chết thì chỉ có 100-150 chiếc xe đến mua, còn bắt đầu từ ngày 27.4, khi có cá chết tại Đà Nẵng thì không có người mua. Hiện sản lượng tồn dư tại cảng cá là hơn 10 tấn.
Tương tự, Chi cục Thuỷ Sản cho biết, tổng số tàu khai thác, đánh bắt hải sản xa bờ tại Đà Nẵng hiện có 396 chiếc, số còn trên biển là 250 chiếc. Trung bình sản lượng cá, hải sản các tàu về trung bình dao động từ 3-7 tấn tuỳ mùa vụ.
Đánh giá tình hình ông Nguyễn Phú Ban - Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, từ khi thông tin cá ở Đà Nẵng chết, lượng tiêu thụ giảm đột ngột. Các tàu đánh bắt về thì đa số doanh nghiệp vẫn mua, nhưng mua giảm giá. Khó khăn hiện nay là “ách cá” tại các chợ. Bây giờ chúng ta cần xác định được cá đánh bắt ở vùng an toàn và thông tin rộng rãi cho người dân yên tâm. Trên cảng cá Thọ Quang hiện có gần 3.000 người hoạt động buôn bán, đánh bắt ảnh hưởng nghiêm trọng trước thông tin cá chết.
Kênh khó nhất hiện nay là cá hiện không về được các chợ, tiểu thương nghỉ bán, người dân tẩy chay. “Chúng ta cần làm thế nào để đưa cá về các chợ. Đề nghị các quận, huyện rà sát hết lại các chợ. Số lượng hàng ngày bao nhiêu, giảm bao nhiêu. Các sở, ban ngành liên tục thông tin, quan trắc vùng biển và công bố để người dân quan tâm. Đồng thời kiểm soát chặt nguồn cá từ các nơi tràn vào Đà Nẵng”, ông Ban đề xuất phương án.
“Về các tàu cá đánh bắt, Sở sẽ đánh giá lại và hướng dẫn tàu đánh bắt tại vùng an toàn”, ông Ban nói thêm.
Ông Nguyễn Đình Phúc- Phó Giám đốc Sở Công thương cho rằng bàn cách xử lý nguồn cung, nhưng nguồn cầu cũng không kém quan trọng. “Chúng ta cần tuyên truyền đến người dân, hiện các chợ Đà Nẵng từ đầu tuần lượng cá bán đã giảm rất nhiều”, ông Phúc nói. Ông Phúc kiến nghị, cần làm việc tới tiểu thương, tiểu thương nào tiếp tục bán thì ta sẽ hỗ trợ. Đồng thời có một đầu mối cá rõ ràng, cho thấy cá về thành phố đã được kiểm tra từ đầu đến cuối, đảm bảo an toàn.
Thành phố làm đầu mối bán cá sạch
Đà Nẵng họp tìm hướng tháo gỡ khó khăn đầu ra cho cá. Ảnh: Kim Oanh
Trước thực trạng trên, tại cuộc hợp, Sở NN&PTNT cùng các quận, huyện trên địa bàn Đà Nẵng đã đề nghị thành lập một điểm bán cá sạch tại các chợ trên địa Đà Nẵng. Cá do thành phố bán sẽ được kiểm soát chặt từ vùng đánh bắt an toàn thông qua đầu mối là Chi cục Thuỷ Sản – thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn.
Ông Lê Anh, Chủ tịch UBND quận Hải Châu đề nghị, trước hết cần có bằng chứng cá sạch ở đâu để người dân an tâm. Đồng thời cần hỗ trợ ngư dân, họ không đi đánh bắt thì cần có thu nhập sinh sống. Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng đề nghị các sở, ban ngành, quận, huyện bắt tay vào thực hiện ngay sau cuộc họp.
Ông Dũng giao Sở NN&PTNT kiểm tra chặt chẽ các nguồn cung cấp cá, các tàu về, đến tại Đà Nẵng. Đối với những tàu, thuyền chuẩn bị rời bến, khẩn trương hoàn chỉnh quy trình, xác định toạ độ, xác định trữ lượng ngày trở về, đồng thời phối hợp với Bộ đội biên phòng xác định lượng tàu rời bến. Từ đó có hướng hỗ trợ ngư dân. Đồng thời nhanh chóng làm việc ngay với công ty thu mua, hỗ trợ thu mua cá của ngư dân tồn đọng tại cảng, tránh để tình trạng ép giá gây âu lo cho ngư dân.
Về hướng tiêu thụ cá, ông Dũng chỉ đạo, mỗi địa phương, chọn mỗi chợ một điểm bán cá sạch. Nguồn cá do Chi cục thuỷ sản làm đầu mối thông qua một doanh nghiệp thu mua hải sản tập trung thu mua cá đánh bắt của ngư dân khi tàu trở về.
“Đúng 5 giờ sáng mai tại các chợ trên địa bàn phải có điểm bán cá sạch cho người dân. Đồng thời công bố rộng rãi giá cả, chất lượng cá, tên người bán, thời gian bán, cho người dân biết được vị trí”, ông Dũng chỉ đạo.
Ông Dũng cũng đề nghị Chi cục Quản lý thị trường, Ban quản lý chợ tăng cường công tác kiểm soát chặt nguồn hải sản, cũng như nguồn thực phẩm đến Đà Nẵng, phải có nguồn gốc rõ ràng, không có nguồn gốc, dứt khoát không cho vào chợ và xử phạt nghiêm.
“Thành phố sẽ thành lập Bộ chỉ huy tiền phương tại cảng cá Thọ Quang và giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Sở Công thương, Sở Tài nguyên môi trường, Sở Tài chính…làm đầu mối. Nếu có trục trặc thu mua, thiếu nguồn cung, trục trặc thừa cá sẽ do Bộ chỉ huy triển khai, xử lý. Tại các quận huyện cũng sẽ tổ chức một bộ phận quản lý để kịp thời hỗ trợ”, ông Dũng nói.
Có thể bạn quan tâm
Trung tâm Quan trắc Môi trường và Thủy sản Nam Bộ (Viện Nghiên cứu Thủy sản II, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa có kết luận chính thức về nguyên nhân gây ra hiện tượng hàu chết hàng loạt ở xã Thừa Đức và Thới Thuận (Bình Đại, Bến Tre) gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Giá trị thấp, nguồn nguyên liệu không ổn định, đối tác nhập khẩu “lúc có lúc không”... nên 4 trong số 5 địa phương triển khai đề án thí điểm khai thác, thu mua, chế biến và xuất khẩu (XK) cá nóc đã đề xuất Bộ NNPTNT cho dừng việc thí điểm.
Từ vài hộ nuôi ba ba, đến nay toàn xã Khai Thái (Phú Xuyên, Hà Nội) có khoảng 50 hộ nuôi ba ba, trong đó hơn 30 hộ nuôi với quy mô lớn. Nhờ gắn bó với nghề, “hiểu” được tập tính của ba ba mà nhiều hộ dân nơi đây đã có thu nhập cao.