Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

50.000 tỷ đồng phát triển nông nghiệp: Vốn đã có, còn khó thủ tục

50.000 tỷ đồng phát triển nông nghiệp: Vốn đã có, còn khó thủ tục
Tác giả: Thuận Hải-Thiên Ngân
Ngày đăng: 21/12/2016

Thông tin Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ý chủ trương có gói tín dụng 50.000 – 60.000 tỷ đồng, phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, được các doanh nghiệp rất chờ đón. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến nhận định, để thực thi chính sách này, cần rất nhiều hướng dẫn cụ thể.

Trong ảnh: Cán bộ Hội Nông dân huyện Thủ Thừa (Long An) hướng dẫn hội viên tại xã Nhị Thành vay vốn để đầu tư, sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Lê Hữu Thọ

Cần bình đẳng nông nghiệp như... công nghiệp

Ông Đỗ Hà Nam - Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Intimex (TP.HCM) phân tích, doanh nghiệp (DN) nông nghiệp rất cần vốn đề xoay vòng sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, việc tiếp cận vốn ưu đãi từ các chương trình hỗ trợ lãi vay cho DN nông nghiệp hiện rất khó khăn. Do đó, rất cần Chính phủ có những gói tín dụng lớn, điều kiện cho vay đơn giản, dễ dàng để những DN nông nghiệp như Intimex có thể tiếp cận được.

Theo ông Trần Ba Dương, thu hoạch, vận chuyển và xử lý sau thu hoạch đang là khâu chịu thất thoát lớn và kéo chất lượng nông sản Việt Nam xuống cấp rất nhiều. Do đó, ông Dương đề nghị hợp tác xây dựng tổ hợp công nghiệp sau thu hoạch, chế biến lúa gạo.

Ông Nam cũng cho rằng, nông nghiệp Việt Nam muốn phát triển hơn nữa và để việc cho vay vốn đạt hiệu quả thì nông nghiệp phải được đối xử như các ngành công nghiệp khác. Ngoài ra, phải đặt mục tiêu cụ thể cho các DN muốn đầu tư vào nông nghiệp. Ví dụ, các cá nhân, đơn vị muốn làm nông nghiệp phải tạo ra giá trị sản phẩm tối thiểu đạt 50 triệu đồng/ha thì mới được cấp phép đầu tư.

Là lãnh đạo DN vận tải nổi tiếng, ông Trần Bá Dương – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Ôtô Trường Hải (THACO) chia sẻ khát vọng về đầu tư vào nông nghiệp của DN này. Ông Dương nhận định, nông nghiệp Việt Nam hiện tại không thể tiếp tục phát triển nếu không áp dụng mô hình công nghiệp trong nông nghiệp. Hơn nữa, khó khăn của nông nghiệp nước ta hiện nay là không có các ngành khác “kiếm ra tiền” để bù lỗ cho nông nghiệp. Do đó, rất cần những đơn vị có vốn, có khả năng tổ chức, quản trị tốt… để dấn thân vào nông nghiệp. Từ đó, tạo ra mô hình chuẩn trong sản xuất nông nghiệp.

Theo nhận định, sản xuất lúa gạo tại các tỉnh miền Nam hiện đã khá bài bản. Ngược lại, các tỉnh miền Bắc còn chưa có được những mô hình hiệu quả cao. Vì vậy, ông Dương dự định phối hợp với Tập đoàn Lộc Trời chọn một tỉnh ở miền Bắc để xây dựng mô hình cánh đồng lúa chuẩn. THACO và Lộc Trời sẽ xây dựng nhà máy phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cung cấp giống cho nông dân và bao tiêu sản phẩm. Đặc biệt, THACO sẽ đầu tư mạnh khâu xử lý, chế biến sau thu hoạch.

Trong khi đó, ông Võ Quan Huy – Giám đốc Công ty Huy Long An (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) cho rằng, cái khó nhất của nông dân hiện nay là không được sử dụng nông sản và các tài sản khác như nhà xưởng, trang trại… để thế chấp vay vốn. Do đó, khoảng vốn vay mà DN nông nghiệp có được rất nhỏ so với nhu cầu cần đầu tư. Ông Huy đề xuất, nếu có gói tín dụng 50.000 tỷ vốn vay ưu đãi dành cho nông nghiệp, Ngân hàng Nhà nước phải “mở rộng vòng tay” để DN có thể tiếp cận vốn dễ dàng hơn, với hạn mức tín dụng cao hơn hiện nay.

Lãi suất cho vay nông nghiệp chỉ còn 0-1,5%

Tại hội nghị về “Xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam” cuối tuần vừa qua ở TP. HCM do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, hiện đã có gói hỗ trợ cho nông nghiệp 50.000 tỷ đồng, bắt đầu triển khai thực hiện từ 1.11 vừa qua. Đối tượng cho vay trong gói này là cá thể, hộ gia đình, các hợp tác xã hay DN trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn… với lãi suất từ 0-1,5%. Tiêu chí tiếp cận đối với gói tín dụng này là đơn vị làm nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, hướng tới mục tiêu sản xuất, chế biến thực phẩm sạch...

Công nhân Nông trường VinEco tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc) đang phân loại rau mầm. Ảnh: Tư liệu

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng giao Ngân hàng Nông nghiệp Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) triển khai cho vay thí điểm cách đây 3 năm đối với những DN có ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Hiện đã có 28 DN với 31 dự án được lựa chọn tham gia, trải đều trên 22 tỉnh, thành.

Phát biểu tại Diễn đàn Nông dân Việt Nam 2016 do T.Ư Hội Nông dân Việt Nam phối hợp Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương tổ chức mới đây, ông Tiết Văn Thành - Tổng Giám đốc Agribank cho biết, với gần 30 năm gắn bó, đồng hành cùng “tam nông”, Agribank luôn ưu tiên dành nguồn vốn lớn để triển khai có hiệu quả nhiều chương trình tín dụng trọng điểm, các chương trình tín dụng chính sách phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn.

Lãi suất cho vay nông nghiệp giảm còn 6,5-8%/năm

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tổng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn toàn quốc đến hết tháng 9.2016 đạt trên 925.000 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cuối năm 2015 và tăng 13,43% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm tỷ trọng 18% dư nợ cho vay nền kinh tế (tương ứng với đóng góp của ngành nông nghiệp trong GDP), với hàng triệu khách hàng được tiếp cận. Lãi suất cho vay cũng đã giảm mạnh, từ trên 20%/năm vào năm 2011 xuống còn 12%/năm vào năm 2013 và hiện lãi suất cho vay đối với khu vực này phổ biến ở mức 6,5-8%/năm. 

Ông Thành cho biết Agribank đang triển khai 7 chính sách tín dụng và 1 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tuy là ngân hàng thương mại phải cạnh tranh huy động vốn theo cơ chế thị trường, nhưng nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là đối tượng được ưu tiên lãi suất cho vay thấp hơn các đối tượng khác từ 1-2%.

Cũng theo ông Thành, với quyết tâm thực hiện chủ trương của Chính phủ về gắn kết tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, Agribank sẽ dành tối thiểu 50.000 tỷ đồng triển khai chương trình tín dụng ưu đãi phục vụ nông nghiệp sạch. Đối tượng của chương trình là các DN, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chủ trang trại tham gia các khâu trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn, với mong muốn khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, cung cấp nông sản thực phẩm chất lượng cao, an toàn cho người tiêu dùng.

Trong khi đó, theo đại diện của Ngân hàng TMCP Bắc Á, tính đặc thù của các dự án nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là cần nhiều vốn, quy mô lớn, thời gian thực hiện kéo dài nên thời gian thu hồi vốn lâu, vòng quay vốn chậm, lợi nhuận không cao và có nhiều rủi ro. Nếu không có cơ chế hỗ trợ đặc biệt nhằm tháo gỡ những khó khăn về vốn, rất ít DN và nhà đầu tư có điều kiện đầu tư được, cho dù họ muốn và mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Do vậy, theo đại diện của ngân hàng này, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ về vốn linh hoạt hơn để khơi thông nguồn vốn và tăng khả năng tiếp cận tín dụng của DN. Các ngân hàng cần quán triệt tinh thần và thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước theo tinh thần Quyết định 1555 và kế hoạch cho vay thí điểm các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để tạo ra bước đột phá có sức lan tỏa trong cuộc cách mạng sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam.

Cũng theo đại diện Ngân hàng Bắc Á, các ngân hàng cần chủ động xây dựng kế hoạch phát triển tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp lớn hơn, có thể nâng tổng dư nợ bình quân trong lĩnh vực nông nghiệp lên trên 30% trong thời gian tới thay vì 18 - 20% như hiện nay. Đồng thời, đẩy mạnh việc liên kết giữa các ngân hàng thương mại để cho vay hợp vốn đối với các dự án lớn trong phát triển nông nghiệp nông thôn, đặc biệt đối với các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.


Có thể bạn quan tâm

Bình Phước bắt tay doanh nghiệp làm nông nghiệp công nghệ cao Bình Phước bắt tay doanh nghiệp làm nông nghiệp công nghệ cao

Mặc dù Bình Phước có lợi thế quỹ đất sạch lớn và nguồn nguyên liệu dồi dào; là cửa ngõ kết nối Tây Nguyên với TP.HCM và các tỉnh Campuchia

21/12/2016
Vượt qua tật nguyền, vững chí làm giàu với rau, hoa Vượt qua tật nguyền, vững chí làm giàu với rau, hoa

Tuy là người khuyết tật, nhưng anh Lê Công Hoan - hội viên Hội Nông dân - lại đang tạo việc làm cho nhiều lao động lành lặn bằng mô hình trồng hoa của gia đình.

21/12/2016
Nông sản Việt chinh phục nước Nhật Nông sản Việt chinh phục nước Nhật

Cánh cửa xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam qua thị trường Nhật Bản ngày càng mở rộng, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, nông dân đẩy mạnh sản xuất

21/12/2016