1001 cách làm ăn trồng rau ngót
Tôi đến thăm một đồn biên phòng, 2 bên vệ đường dẫn vào đơn vị được trồng kín rau ngót. Đồn trưởng vui vẻ giới thiệu: Đây là loại rau xanh chủ lực của đồn...
Tôi nhớ có lần lên Hương Sơn (Hòa Bình), thấy có nhà trồng cả một quả đồi toàn rau ngót. Trông xa, tưởng họ trồng chè, tới nơi mới biết đấy là rau ngót. Ông chủ cho biết, rau ngót bán rất chạy mà chăm sóc lại dễ, ít sâu bệnh. Hàng ngày ông chỉ để khoảng 2 tiếng lo bơm nước, tưới cây; mỗi tuần bón thêm phân 1 lần. Trồng tới 4 năm mới phải thay cây…
Rau ngót đâu có lạ với bà con ta, ở đâu cũng có thể trồng rau ngót. Đặc biệt, nó chịu được cớm nên ta có thể trồng rau ngót ngay cả dưới các tán cây. Nhiều nhà vườn kết hợp trồng cây ăn quả với rau ngót. Đa số bà con thường trồng nó quanh các giếng nước, quanh bờ ao, dọc theo bờ rào, theo các lối đi… chủ yếu là để tận dụng đất. Điều đó cũng chứng tỏ, rau ngót rất dễ trồng và dễ sống. Tuy nhiên, nếu bố trí trồng ra vườn, ra ruộng và đảm bảo chăm sóc tốt thì đó là một loại rau cho ta thu nhập khá.
Có nơi, bà con còn gọi cây rau ngót là cây bồ ngót. Nó là cây cho ta lá để nấu canh, canh rau ngót rất ngon. Bình thường, ta chỉ cho thêm một ít bột ngọt vào là đã được bát canh hoàn hảo. Trong rau ngót có nhiều chất dinh dưỡng quý, nhất là chất đạm với các amino axit quan trọng mà cơ thể chúng ta rất cần. Ngoài ra, nó còn chứa nhiều chất khoáng và vitamin.
Mùa này là mùa trồng rau ngót. Nhà nào chưa trồng thì nên tính việc trồng thêm rau ngót, nó không kén đất, chỗ nào cũng trồng được. Tuy nhiên, nhưng nơi đất có nhiều mùn và hơi nặng thì cây mọc tốt hơn. Ta trồng rau ngót bằng thân, chọn những đoạn thân ở cây khỏe mạnh, không bị sâu bệnh và chặt thành từng đoạn 20-25cm. Cắm các đoạn thân đó vào các rãnh đã chuẩn bị sẵn - rộng 20-25cm và sâu 10-15cm. Mỗi rãnh nên cách nhau khoảng 40-50cm để có lối đi vào khi hái lá. Nó là cây ăn lá nên cần nhiều đạm và lân, lượng kali có thể ít hơn.
Sau khi cắm cành, ta phải giữ ẩm cho đất. Khoảng 10-15 ngày sau là hom sẽ mọc rễ và nảy chồi. Khi cây được 40-50cm thì bắt đầu thu hoạch, ta cắt cách gốc 10-15cm. Cây sẽ lại đâm chồi tiếp, lúc này cần bón thêm nước tiểu pha loãng hoặc dung dịch urê 1%. Ta phải luôn tưới ẩm cho đất nhưng cũng cần xới xáo để cho đất được thông thoáng. Cứ 20-25 ngày là ta lại được thu. Ruộng rau ngót có thể giữ được vài năm. Khi nào thấy cây già và cằn cỗi thì mới phải thay bằng cách trồng lại.
Nếu không trồng để kinh doanh thì mọi nhà cũng nên trồng một ít rau ngót để làm rau ăn hàng ngày.
Rau ngót còn được dùng làm thuốc để chữa sót nhau, tưa lưỡi ở trẻ em, chữa ho, viêm phổi, ban sởi, sốt cao, bí tiểu, tiêu độc... Vì vậy, nó là cây rất nên trồng trong gia đình.
Có thể bạn quan tâm
Nhờ kỹ thuật trồng cây dễ dàng và chứa nhiều chất dinh dưỡng, cây rau ngót được trồng ở nhiều nơi và quanh năm. Bà con có thể tận dụng thùng, chậu trong nhà để tiết kiệm diện tích sân, vườn.
Cây rau ngót còn được gọi là cây bù ngót hay bồ ngót. Đây là loại cây có nhiều công dụng trong cuộc sống, đặc biệt có lợi cho sức khoẻ của con người. Khi dùng làm thuốc thường chọn những cây sống hai năm trở lên.
Rau ngót là loại rau có thân gỗ, mọc thẳng đứng, phân nhiều cành, phiến lá hình bầu dục, màu xanh đậm, lá rau ngót là một loại rau rất ngon, giòn, mát, lành tính, nhiều chất bổ, đặc biệt là nhiều Vitamin A, C.