1.000 tấn rau quả trồng bằng công nghệ cao ở Thanh Hóa
Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn có 30ha đất canh tác, mỗi năm thu hoạch tới nghìn tấn rau quả.
30ha rau quả sạch ở trung tâm (khu 6, thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến trên thế giới. Quy trình sản xuất khép kín từ nhân giống đến thu hoạch, đảm bảo năng suất và chất lượng rau quả trước khi đến tay người tiêu dùng. Dưa kim cô nương, kim hoàng hậu, dưa chuột đơn tính, cải, ớt ngọt, cà chua, bí xanh... ở nơi đây hiện cung ứng rộng khắp hệ thống siêu thị Co.opmart, Metro tại Thanh Hóa và Hà Nội.
Hàng trăm loài hoa, rau màu, cây ăn quả được trung tâm nhân giống bằng nuôi cấy mô. Ảnh: Bizmedia
Quy trình sản xuất khép kín từ chọn giống đến thu hoạch
Để rau quả chất lượng, cây giống cần được tuyển chọn kỹ càng. Nhà lưới sau khi xử lý mầm bệnh sẽ đóng cửa khoảng một tuần, rồi mới ươm cây trên giá thể xơ dừa. Nông dân còn đặt các hạt khoáng trên bề mặt giá thể để giúp con giống hấp thu chất dinh dưỡng và nước tốt hơn; đồng thời tạo độ thoáng khí cho cây phát triển.
Khác với phương thức canh tác truyền thống, trung tâm tưới tiêu nước sạch bằng cách điều khiển từ xa hệ thống máy móc tự động nhập ở Israel. Phân bón ngoại nhập đảm bảo đầy đủ các tiêu chí về chất lượng, độ an toàn, tan hoàn toàn trong nước, không chứa kim loại nặng và thân thiện với môi trường. Phân được đưa vào hệ thống đường ống dẫn tưới nhỏ giọt, cung cấp trực tiếp chất dinh dưỡng cho cây.
Toàn bộ quy trình trồng, chăm sóc cho tới thu hoạch đều được chuyên gia, cán bộ kỹ thuật của đơn vị chuyển giao giống giám sát. Do trồng trong nhà lưới theo quy trình khép kín, nên hầu như rau quả không bị sâu bệnh, không cần sử dụng đến thuốc hóa học.
Đối với các loại rau ăn lá, phát triển tới chiều cao hoặc kích cỡ đủ tiêu chuẩn mới được thu hoạch. Còn đối với cà chua, dưa vàng..., người trồng phải tỉa bớt hoa, chỉ để lại lượng quả thích hợp trên cây nhằm tăng chất lượng và mẫu mã.
Nhà kính trồng dưa kim cô nương tại Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn. Ảnh: Bizmedia
Ngoài rau sạch, trung tâm còn phát triển các loại hoa cảnh (lan hồ điệp, hoa ly, hoa cúc), cây giống công nghệ cao (cam không hạt, mía đường)... Mô hình trồng rau an toàn công nghệ cao Lam Sơn đang góp phần khơi gợi cách thức làm nông nghiệp an toàn tại địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Đầu tháng 7 vừa qua, đoàn cán bộ nông nghiệp TP.HCM đã có chuyến học tập kinh nghiệm phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Nhật Bản.
Chương trình giám sát thủy sản NK (SIMP) được thiết lạo dành cho một số sản phẩm thủy sản nhất định, các yêu cầu về việc báo cáo và lưu trữ hồ sơ cần thiết
Lấy sức khỏe của con người làm yếu tố hàng đầu trong việc thực hiện công nghệ sinh thái, mô hình “ruộng lúa bờ hoa” mang lại hiệu quả thiết thực