Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Vươn lên từ nghề chăn nuôi heo

Vươn lên từ nghề chăn nuôi heo
Publish date: Tuesday. September 1st, 2015

Ra riêng với 2 công ruộng trồng lúa của cha mẹ cho vào năm 1990, cuộc sống gia đình mới Nguyễn Nghĩa Dũng (ấp Nam, xã Dưỡng Điềm, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) rất khó khăn. Với bản tính ham mê chăn nuôi nhưng lại không có vốn, vợ chồng anh Dũng đã phải xin và được cha mẹ đồng ý cho bán đồ cưới để mua một con heo nái về nuôi.

Cũng từ đây, vợ chồng anh bắt đầu làm thêm nghề nấu rượu để vừa bán rượu kiếm lời, vừa lấy hèm nuôi heo giúp giảm chi phí thức ăn. Chính cách làm đó đã giúp cho anh Dũng có điều kiện phát triển đàn heo của gia đình mình.

Năm 1990, nối nghề thú y của cha, anh tham gia học lớp sơ cấp thú y để vừa có thể tự chăm sóc, điều trị bệnh cho đàn heo của gia đình, vừa có thể trị bệnh cho heo của bà con trong xóm, ấp. Lúc đó, mỗi ngày anh vừa đi trị bệnh cho heo, vừa mang rượu đi bỏ mối, còn vợ ở nhà nấu rượu, chăm sóc đàn heo.

Nhận thấy kiến thức về thú y của bản thân còn hạn chế, năm 1998 anh quyết định theo học lớp Trung cấp thú y để nâng kiến thức về chăm sóc và điều trị bệnh cho vật nuôi nói chung và con heo nói riêng. Sau khi học xong lớp này, anh Dũng về mở quầy bán thuốc thú y. Cũng từ đây anh bắt đầu nghĩ đến việc phát triển đàn heo, tăng thu nhập cho gia đình.

Dù vậy, mãi đến năm 2001 anh cũng chỉ mới nâng đàn heo của gia đình lên 5 con, rồi đến năm 2003 là 10 con. Lúc đầu, nguồn vốn còn hạn chế, anh chỉ tập trung nuôi heo nái và bán heo con kiếm lời. Sau đó, anh bắt đầu “lấn sân” dần qua lĩnh vực nuôi heo thịt. Đến nay, số lượng heo thường xuyên trong chuồng của anh từ 30 - 50 con heo thịt và 10 heo nái, mỗi năm xuất chuồng từ 150 - 250 con heo thịt.

Bên cạnh chăn nuôi heo, anh còn mở rộng kinh doanh thuốc thú y và làm đại lý bán thức ăn gia súc (đại lý cấp 1). Từ các hoạt động thú y, kinh doanh thức ăn đã giúp giảm đáng kể chi phí chăm sóc, phòng, điều trị bệnh cho heo, qua đó giúp đàn heo giống phát triển tốt; đồng thời giảm chi phí thức ăn do mua thức ăn với giá gốc…

Khi được hỏi trong chăn nuôi, anh quan tâm nhất điều gì? Anh bày tỏ: “Điều tôi quan tâm nhất là giữ gìn vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng và tiêm phòng định kỳ các loại bệnh, nhất là dịch tả, tai xanh, lở mồm long móng, viêm phổi....”.

Chính từ việc tuân thủ nghiêm ngặt công tác vệ sinh, phòng trừ bệnh mà thời gian qua đàn heo của gia đình anh không gặp rủi ro. Cũng nhờ đó, những năm qua, lợi nhuận từ chăn nuôi luôn liên tục tăng qua từng năm. Nếu năm 2009, lợi nhuận từ chăn nuôi đạt khoảng 40 triệu đồng thì đến năm 2014 lên đến 450 triệu đồng. Đó là chưa tính nguồn thu từ các hoạt động kinh doanh thuốc thú y, bán thức ăn gia súc.

Không dừng lại ở đó, nhận thấy yêu cầu về tư vấn kiến thức chăn nuôi, phòng trừ bệnh trên heo của khách hàng ngày càng cao đòi hỏi người bán thuốc phải có kiến thức nhất định để tư vấn. Thế là năm 2012, anh tham gia học lớp cao đẳng về thú y ở Trường cao đẳng Nông nghiệp Nam bộ (năm 2014, anh được cấp bằng Cử nhân Dịch vụ Thú y). Sở dĩ anh tham gia học lớp này, ngoài việc đáp ứng nhu cầu tư vấn tốt hơn về kỹ thuật chăn nuôi, thú y cho người nuôi, anh còn muốn lấy mình làm tấm gương về sự học cho các con noi theo.

Không chỉ vậy, trong chăn nuôi, anh còn tích cực tham gia, hưởng ứng, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào chăn nuôi để tăng tính bền vững. Cụ thể, năm 2013, anh tham gia tích cực mô hình trình diễn chăn nuôi heo thịt trên đệm lót sinh học (sử dụng men Barasa kết hợp với trấu và mùn cưa) do Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai. Kết quả, giải pháp công nghệ trên đã giúp giảm bớt chi phí chăm sóc, tiết kiệm điện, nước và nhất là không gây mùi hôi thối xung quanh.

Anh Dũng còn được tiếng khen tích cực tham gia các hoạt động xã hội, đóng góp vào xây dựng nông thôn mới, các công trình giao thông nông thôn, hỗ trợ Quỹ Vì người nghèo, hỗ trợ xây dựng nhà tình thương, trợ cấp học sinh nghèo hiếu học…

“Hàng năm, tôi ủng hộ từ 10 - 30 triệu đồng cho các hoạt động từ thiện. Bên cạnh đó, gia đình còn tạo điều kiện, hỗ trợ, giúp đỡ cho nhiều gia đình khó khăn về sản xuất và nhà ở bằng hình thức đầu tư con giống, thức ăn và kỹ thuật đến khi heo xuất bán mới thu hồi vốn lại mà không tính lãi suất” - anh Dũng cho biết.

Từ cách làm trên, những năm qua, gia đình anh đã giúp cho nhiều hộ vượt khó vươn lên khắm khá. Với nỗ lực và kết quả mang lại trong sản xuất, kinh doanh thời gian qua, năm 2014 anh được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.


Related news

Cấy lúa hiệu ứng hàng biên Cấy lúa hiệu ứng hàng biên

Ông Đoàn Hữu Thanh, PGĐ Trung tâm KN-KN Hải Phòng cho biết, mô hình cấy lúa theo hiệu ứng hàng biên tại Hải Phòng bắt đầu ở huyện Vĩnh Bảo từ vụ mùa năm 2012 với 2 ha trình diễn.

Saturday. November 28th, 2015
Bệnh thán thư hại xoài Bệnh thán thư hại xoài

Xoài là cây trồng cho giá trị kinh tế cao, tùy thuộc vào khả năng đầu tư kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại.

Saturday. November 28th, 2015
Nhiều ngư dân vay vốn đóng tàu mới Nhiều ngư dân vay vốn đóng tàu mới

thực hiện Nghị định (NĐ) 67/2014/NĐ-CP ngày 7.7.2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, đến nay đã có nhiều ngư dân ký hợp đồng vay vốn với các ngân hàng thương mại (NHTM) đóng tàu mới.

Saturday. November 28th, 2015
Chủ động trong điều kiện thiếu nước tưới Chủ động trong điều kiện thiếu nước tưới

Theo kế hoạch, vụ Đông Xuân (ĐX) 2015-2016 huyện Hoài Ân sẽ gieo sạ 4.320 ha lúa, 1.795 ha cây trồng cạn các loại và thực hiện chuyển đổi cây trồng 400 ha.

Saturday. November 28th, 2015
Phú Lạc phát triển chăn nuôi bò Phú Lạc phát triển chăn nuôi bò

Xã Bình Thành (huyện Tây Sơn) có thế mạnh về chăn nuôi bò, nhất là ở thôn Phú Lạc. Những năm gần đây, nông dân Phú Lạc đã tập trung phát triển chăn nuôi bò, từng bước tăng về số lượng và chất lượng, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Saturday. November 28th, 2015