Tín Dụng Đầu Tư Cây Cà Phê Nhiều Nông Dân Đắk Mil Được Tiếp Cận Vốn
Mới đây, nhiều hộ nông dân trên địa bàn Đắk Mil đã được tiếp cận gói tín dụng hỗ trợ đầu tư cây cà phê do Phòng Giao dịch Ngân hàng Đầu tư và Phát triển huyện Đắk Mil triển khai. Với lãi suất ưu đãi, thủ tục giải quyết nhanh, gọn, hầu hết khách hàng được vay vốn đều khá hài lòng với gói tín dụng này.
Gia đình anh Hồ Sỹ Đại, ở thôn 2, xã Đắk N’drót là một trong nhiều khách hàng tiếp cận được nguồn vốn từ gói tín dụng này. Theo anh Đại thì chỉ sau một ngày gửi hồ sơ, cán bộ ngân hàng đã trực tiếp xuống tận địa bàn thẩm định rồi cho giải ngân nguồn vốn ngay.
Hiện tại, gia đình anh mới chỉ rút 350 trong tổng số 500 triệu đồng được vay để tập trung mua phân bón, cũng như mở mới thêm một số diện tích cà phê nữa. Số tiền 150 triệu đồng còn lại, gia đình dành đến vụ thu hoạch cà phê sẽ rút ra để phục vụ việc thuê nhân công, phơi, sấy....
Anh Đại vui vẻ cho biết: “So với trước đây, thủ tục, thời hạn cho vay, cũng như lãi suất vay đã có lợi cho người dân rất nhiều. Đặc biệt, trong thời điểm này, việc tiếp cận được nguồn vốn là thuận lợi lớn, vừa giúp gia đình bớt đi nỗi lo tài chính, cũng như có điều kiện đầu tư cho vườn cà phê để mang lại năng suất, chất lượng tốt hơn”.
Tương tự, gia đình ông Lê Hữu Hoàn, ở thôn Thanh Lâm, xã Đức Mạnh cũng vừa tiếp cận được hơn 300 triệu đồng từ gói tín dụng này để đầu tư vào vườn cà phê.
Ông Hoàn chia sẻ: “Với 4 ha cà phê, chi phí đầu tư mỗi năm rất lớn, vì thế, ngoài năng lực tài chính của gia đình, tôi bắt buộc phải vay thêm vốn từ ngân hàng thương mại. Điều đáng mừng, việc tiếp cận vốn từ ngân hàng hiện nay dễ dàng hơn những năm trước rất nhiều nên đã giúp người dân phần nào giảm áp lực, yên tâm vào đầu tư sản xuất”.
Anh Trần Đình Của, cán bộ tín dụng Phòng Giao dịch Ngân hàng Đầu tư và Phát triển huyện Đắk Mil cho biết: “Sau khi nhận được hồ sơ của khách hàng, đội ngũ cán bộ tín dụng của ngân hàng sẽ liên hệ và trực tiếp xuống thẩm định hồ sơ ngay.
Để cho vay đúng đối tượng, nguồn vốn, cũng như hạn chế rủi ro, việc phối hợp với chính quyền xã, thôn để xác định nguồn gốc, cũng như năng lực của từng gia đình luôn được ngân hàng chú trọng. Những hồ sơ chưa hoàn chỉnh, cán bộ tín dụng phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện nhanh chóng hoàn thành hồ sơ, nhằm giúp người dân có thể thuận tiện trong việc tiếp cận nguồn vốn”.
Ông Phạm Quốc Việt, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Đầu tư và Phát triển huyện Đắk Mil cho biết: “Hiện tại, gói tín dụng hỗ trợ đầu tư cho cây cà phê đã, đang thu hút rất nhiều khách hàng vay vốn. Sau hơn 2 tháng triển khai, đến nay, đơn vị đã cho hơn 300 khách hàng vay vốn, với dư nợ hơn 13 tỷ đồng.
Bước đầu, ngân hàng triển khai thí điểm ở 3 xã Đức Minh, Đức Mạnh, Đắk N’drót và từng bước triển khai rộng rãi trên địa bàn. Đây là một gói tín dụng với lãi suất chỉ ở mức 8%/năm, thời hạn cho vay cũng rất hợp lý nên bước đầu lại hiệu quả khá cao”.
Cũng theo ông Việt thì ngay từ khi triển khai gói tín dụng, đơn vị đã phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn, các công ty đầu tư vào mô hình sản xuất cà phê … để giới thiệu chi tiết đến khách hàng. Thời gian xét hồ sơ, thẩm định dự án cũng được phòng giao dịch tối giản nên chỉ sau hai ngày (kể từ khi gửi hồ sơ) là khách hàng có thể nhận được vốn.
Phòng Giao dịch chỉ đạo cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn xuống trực tiếp kiểm tra hiệu quả sử dụng nguồn vốn của từng gia đình để nâng cao hiệu quả vốn vay. Ngoài gói tín dụng này, hiện đơn vị đang đề nghị Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển tỉnh cung ứng vốn để triển khai gói hỗ trợ phục vụ tái canh cây cà phê, nhằm giúp nông dân trên địa bàn huyện được tiếp cận nguồn vốn.
Related news
Ông Võ Văn Đông trồng rất nhiều loại cây trái đặc sản, đáng kể nhất vẫn là 15 công với 1.000 cây mít Thái này, mỗi năm ông Đông thu lãi nửa tỷ đồng.
Từ đôi bàn tay trắng nhưng nhờ cần cù, chịu khó trong lao động sản xuất mà giờ đây anh Võ Văn Che đã vươn lên thành tỷ phú trên đất rừng U Minh hạ
Mô hình nuôi chồn hương và sản xuất cà phê chồn của anh Cừ đã đem lại thu nhập gần cho gia đình với trên 500 triệu đồng mỗi năm.
Anh Trần Đông Nam trở thành tỷ phú với mô hình nuôi tôm kết hợp với kinh doanh dịch vụ thuốc và thức ăn nuôi trồng thủy sản
Ông Bảy “chơi ngon” lắm, đắp bờ bao bề ngang 3m cho trên 60 công khoai lang tím Nhật. Bình quân mỗi năm gia đình ông Bảy Chòi lời từ 1, 2 đến 1,5 tỷ đồng.