Ngư Dân Mỹ Á Vào Vụ Ruốc
Chỉ mới đầu mùa, nhưng những chiếc thuyền cập bến đều chất nặng đầy ruốc tạo nên một không khí tấp nập, phấn khởi cho ngư dân vùng biển Mỹ Á, xã Phổ Quang (Đức Phổ).
Mùa ruốc bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 3 âm lịch. Khi những con ruốc theo con sóng ngoài khơi trôi vào bờ, cũng là lúc bà con ngư dân vùng biển bắt đầu một mùa ruốc. Người khiến ruốc vào bờ, người cân ruốc, người phơi ruốc tạo nên không khí đông vui tấp nập tại vùng biển Mỹ Á trong những ngày qua. Theo các ngư dân, địa điểm đánh bắt là vùng bãi ngang cách bờ 100m, kéo dài 2km.
Mỗi ngày, vào 5 giờ sáng vùng biển Mỹ Á đã có rất đông người đứng chờ những chiếc thuyền khai thác ruốc cập bến để thu mua ruốc. Thuyền của ngư dân Từ Văn Hải cập bến đầu tiên, hàng chục người vây quanh để mua ruốc. Một ngày, thuyền anh Hải đi được 4 chuyến, thu về hơn 500kg ruốc tươi.
Trừ mọi chi phí, mỗi lần đi anh chia cho 7 bạn thuyền, mỗi người được 700 nghìn đồng. “Những ngày qua ruốc nhiều vô kể. Trung bình một ngày thu về 12 triệu đồng, cá biệt vừa rồi có chuyến trúng đậm đến gần 30 triệu đồng”, ngư dân Từ Văn Hải, phấn khởi kể.
Điều làm ngư dân vùng biển Mỹ Á phấn khởi là ruốc năm nay không những được mùa mà còn trúng giá. Hiện nay, giá ruốc tươi là 40 nghìn/kg. Bà Nguyễn Thị Hương ở thôn Hải Tân, xã Phổ Quang, đang bưng giỏ ruốc tươi rói trên thuyền vừa mới cập bến, không giấu được niềm vui: “Hôm nay tôi mua được 50kg ruốc. Một ít tôi đem phơi, số còn lại thì đem ra chợ bán. Nếu nắng tốt thì phơi chừng 3 – 4 tiếng đồng hồ là khô. Mong rằng thời tiết thuận lợi để mùa ruốc kéo dài, chúng tôi có cái Tết đầy đủ hơn”.
Hiện tại, ở vùng biển Mỹ Á có hàng chục chiếc thuyền công suất loại vừa tham gia đánh bắt gần bờ, mỗi ngày thu về hàng chục triệu đồng.
Nguồn bài viết: http://baoquangngai.vn/channel/2025/201412/ngu-dan-my-a-vao-vu-ruoc-2356541/
Related news
Với nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi, Quảng Ninh là tỉnh có tiềm năng rất lớn về nuôi trồng thuỷ sản trên cả 3 loại hình nước mặn, nước lợ và nước ngọt; không những thế, số loài thuỷ sản thích nghi tốt với môi trường ở Quảng Ninh cũng rất phong phú, đa dạng. Thế nhưng, thật đáng tiếc là đến nay, nguồn giống thuỷ sản sản xuất tại chỗ của tỉnh mới chỉ đáp ứng được 19,8% so với nhu cầu thực tế...
Chịu lãi suất cao khi vay “nóng” để lo chi phí chuyến biển khiến hiệu quả khai thác của ngư dân chưa cao. Theo chính sách mới, Nhà nước cho vay 70% chi phí chuyến biển sẽ tạo điều kiện cho ngư dân yên tâm bám biển.
Mới đây, tại xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn, Bình Định), Hội Cựu chiến binh (CCB) xã đã triển khai một mô hình nuôi trồng hải sản mới, đó là nuôi ghẹ xanh thương phẩm trên biển. Mô hình nhằm mục đích tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống cho hội viên CCB ở địa phương.
Vào mùa này của khoảng 4 - 5 năm trước, trên tỉnh lộ ĐT 615, qua địa phận huyện Tiên Phước, cảnh mua bán chuyên chở cau tươi hối hả ngược xuôi. Đây là thời điểm mà gần như vườn nhà nào ở các xã Tiên Cẩm, Tiên Lãnh (Tiên Phước) đều trồng cau.
Trên 10 năm gắn bó với cây sầu riêng, ông Đặng Văn Lai ở ấp 3, xã Long Trung, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) đã ổn định cuộc sống thông qua việc xử lý sầu riêng nghịch vụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao.