Sẽ Có Sàn Đấu Giá Thủy Sản Việt Nam Tại Bỉ

Ý tưởng được Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam và Đại Sứ quán Vương quốc Bỉ cùng đưa ra.
Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công thương) cho biết, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa có buổi làm việc với Đại sứ Bỉ tại Việt Nam Bruno Angelet về nội dung xây dựng Trung tâm phân phối và sàn đấu giá hàng thủy sản Việt Nam tại cảng Zeebrugge, Bỉ.
Theo ông Bruno Angelet, để góp phần ổn định và thúc đẩy xuất khẩu cá tra vào thị trường EU, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam đã cùng Đại Sứ quán Vương quốc Bỉ đưa ra ý tưởng Việt Nam và Bỉ hợp tác xây dựng một trung tâm phân phối và sàn đấu giá thủy sản tại châu Âu, tại cảng Zeebrugge, Bỉ.
Cảng Zeebrugge là cảng biển nước sâu lớn, hiện đại và nằm ở vị trí chiến lược của châu Âu, được coi là nơi lý tưởng để trở thành trung tâm phân phối cá tra.
Nếu ý tưởng này thành hiện thực, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam sẽ giảm đáng kể chi phí vận chuyển nhờ việc gom hàng để chuyển từng chuyến khối lượng lớn. Ngoài ra, họ cũng có cơ hội bán hàng trực tiếp với khối lượng ổn định cho các chuỗi siêu thị, các nhà bán lẻ lớn thay vì phải qua trung gian như hiện nay.
Ở một khía cạnh khác, việc thành lập trung tâm phân phối và sàn đấu giá cũng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp phải minh bạch và đồng bộ hơn về giá cả, chất lượng, từ đó hạn chế tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết Bộ Công Thương rất hoan nghênh ý tưởng này. Tuy nhiên để hiện thực hóa đề án này cần có lộ trình cụ thể, chi tiết, cùng với sự tham gia của các cơ quan chức năng và doanh nghiệp hai bên.
Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng như các đơn vị liên quan phối hợp với phía Bỉ nghiên cứu đề án.
Trước mắt, Cục Xúc tiến thương mại sẽ phối hợp với Đại sứ quán Bỉ tại Hà Nội tổ chức Hội thảo giới thiệu đề án này và Bộ Công Thương dự kiến sẽ thành lập nhóm nghiên cứu tính khả thi của đề án.
Related news

Để tận dụng mặt nước các hồ chứa nhỏ phát triển kinh tế, đa dạng hóa các đối tượng nuôi thủy sản nước ngọt, phát triển nuôi cá nước ngọt theo hướng bền vững, năm 2014, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quảng Nam phối hợp với Trạm Khuyến nông – Khuyến lâm huyện Đại Lộc triển khai mô hình nuôi cá lăng nha bằng lồng trên hồ Trà Cân, xã Đại Hiệp.

Cuối năm 2013, trên địa bàn thành phố Hòa Bình chỉ còn 78 lồng cá, trong đó trên 50% là bỏ không nhưng đến tháng 9/2014, toàn thành phố có 137 lồng cá (tăng 76%) và hiện có trên 70% số lồng đang nuôi cá. Phương pháp nuôi thả phù hợp, an ninh trật tự đảm bảo, đầu ra ổn định, cho hiệu quả kinh tế cao chính là lí do khiến cho nghề nuôi cá lồng trên địa bàn thành phố Hòa Bình đang dần “sống lại”.

Tại Hợp tác xã đóng tàu Song Thủy, phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang, chiếc tàu cá KH 03132 của ngư dân Nguyễn Thanh Hải đang được các công nhân bọc composite.

Cá rô phi đã được đưa vào nuôi theo hướng thâm canh từ năm 2003 trở lại đây, tuy nhiên đến năm 2013 lần đầu tiên sản phẩm cá rô phi của Công ty XNK thuỷ sản tỉnh Thanh Hoá xuất khẩu ra thị trường nước ngoài với sản lượng hơn 400 tấn, năm 2014 dự kiến xuất khẩu khoảng trên 2.000 tấn cá rô phi.

Năm 2003, gia đình ông Mấu Văn Gớ chuyển từ làng cũ dưới lòng hồ Sông Trâu về sinh sống tại khu tái định cư thôn Ma Trai. Khởi nghiệp từ 5 con dê bách thảo, ông Gớ biết tận dụng điều kiện tự nhiên sẵn có, hằng ngày chăn thả gia súc dưới những cánh rừng neem.