Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Sản Xuất Nông Nghiệp Ở Hạ Hòa Chuyển Biến Mới Từ Chủ Trương Đúng

Sản Xuất Nông Nghiệp Ở Hạ Hòa Chuyển Biến Mới Từ Chủ Trương Đúng
Publish date: Thursday. September 25th, 2014

Với một huyện miền núi như Hạ Hòa, việc phát triển sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do điều kiện cơ sở hạ tầng thiếu, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, người nông dân vẫn giữ thói quen canh tác cũ cho nên chưa tạo được vùng sản xuất  nông nghiệp tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa… 

Làm thế nào để nâng cao hiệu quả sản xuất, khai thác tiềm năng phát triển nông nghiệp là vấn đề huyện Hạ Hòa tập trung giải quyết trong những năm qua và đạt được những kết quả bước đầu...

Do bước đầu khai thác có hiệu quả tiềm năng thủy sản, đến nay diện tích thủy sản thâm canh của huyện Hạ Hòa đạt 450/500ha, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.- Nuôi trồng thủy sản ở xã Minh Côi (huyện Hạ Hòa).

Nghị quyết số 05 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Hạ Hòa về nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp là chủ trương đúng, làm thay đổi nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và bà con nông dân về yêu cầu phát triển kinh tế nông nghiệp.

Chủ trương đó được cụ thể hóa bằng các kế hoạch  phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Sau 3 năm thực hiện, kinh tế nông nghiệp của huyện đã phát triển theo hướng tích cực, góp phần xóa đói giảm nghèo. Cơ cấu ngành nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế chung của huyện đến năm 2014 ước còn 40%.

Giá trị sản phẩm ngành trồng trọt bình quân ước đạt 73 triệu đồng/ha/năm. Trong đó diện tích cấy lúa ổn định khoảng 7.300ha; diện tích chè đạt 2.500ha; cây lâm nghiệp đảm bảo duy trì diện tích rừng sản xuất đạt trên 12.000ha, năng suất rừng trồng bình quân đạt 80m3 1 ha một chu kỳ. Thủy sản được đẩy mạnh mở rộng với diện tích thâm canh đạt 450/500ha. Chương trình công nghiệp cận đô thị có những bước chuyển biến tích cực, quy mô và diện tích đạt 150ha.

Đồng chí Lữ Mạnh Thắng- Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hạ Hòa cho biết: Ngay sau khi có chủ trương và  kế hoạch của huyện về nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, phòng đã nỗ lực tập trung tham mưu những giải pháp nhằm khai thác thế mạnh phát triển nông nghiệp của địa phương.

Nhờ những cách làm hay, phù hợp với thực tiễn của từng địa phương, nên đã mang lại những kết quả bước đầu đáng kể. Hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới từng bước được hình thành, xác định và quy hoạch được vùng sản xuất tập trung.

Từ đó tạo điều kiện đầu tư phát triển theo hướng chuyên canh, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Quá trình áp dụng các tiến bộ KHKT, đưa giống mới cũng như cơ giới hóa vào sản xuất đã giải phóng đáng kể sức lao động, giảm chi phí đầu tư và nâng cao thu nhập cho người lao động.

Đến nay huyện Hạ Hòa xây dựng, quy hoạch: Vùng sản xuất chuyên canh cây lương thực tập trung tại các xã ven sông Thao; vùng sản xuất rau màu gắn với chương trình phát triển nông nghiệp cận đô thị tại các xã: Hiền Lương, Liên Phương, Hậu Bổng, Văn Lang, Minh Hạc, Vĩnh Chân, Mai Tùng và thị trấn Hạ Hòa; vùng sản xuất chè và cây nguyên liệu giấy tập trung ở vùng đất giữa, đồi núi có diện tích đất trồng cây công nghiệp và đất lâm nghiệp; vùng sản xuất thủy sản tập trung tại các xã có diện tích mặt nước lớn, nhiều đầm chiêm trũng kết hợp chăn nuôi gia súc gia cầm.

Song song với công tác quy hoạch, huyện lựa chọn các chương trình kinh tế nông nghiệp trọng điểm phù hợp với giai đoạn và tình hình thực tế nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả nông nghiệp đó là: Chương trình lương thực và rau màu; phát triển cây chè; phát triển lâm nghiệp; chăn nuôi thủy sản.

Đồng thời chỉ đạo ngành nông nghiệp tuyên truyền bà con nông dân thay đổi tập quán canh tác cũ, hướng dẫn áp dụng KHKT vào sản xuất. Trong trồng trọt đã áp dụng biện pháp thâm canh lúa cải tiến (SRI) gieo bằng giàn sạ,  bón phân theo quy trình khép kín, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp được triển khai rộng rãi. Nhờ đó, năng suất lúa của huyện bình quân đạt 54 tạ/ha. Ngoài ra, huyện thực hiện phát triển vùng rau an toàn theo hướng sản xuất hàng hóa.

Các giống rau được thị trường ưa chuộng như: Bí xanh, bí đỏ, ớt, cà chua… đã được gieo trồng và phát triển mạnh ở các xã: Văn Lang, Liên Phương, Hậu Bổng, với tổng diện tích rau màu đạt trên 1.000ha.

Đồng chí Đào Văn Tước - Chủ tịch UBND xã Văn Lang cho biết: “Nằm trong quy hoạch vùng sản xuất rau màu gắn với chương trình phát triển nông nghiệp cận đô thị của huyện, những năm qua xã đã tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả.

Đến nay, tổng diện tích rau màu của xã là 110ha trồng các loại bí xanh, bí đỏ và cà chua, với giá trị sản xuất bí xanh và cà chua đạt khoảng 170 triệu đồng/ha/năm.

Để hỗ trợ bà con phát triển sản xuất - kinh doanh, cùng với tích cực phổ biến quy trình canh tác, chăm sóc, đầu tư thâm canh, xã còn phối hợp hướng dẫn bà con kỹ thuật bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa và được thị trường chấp nhận, tạo điều kiện nâng cao thu nhập cho người trồng rau”.

Việc nâng cao chất lượng và hiệu quả của nông nghiệp Hạ Hòa còn được thể hiện từ những chuyển biến trong chương trình phát triển cây chè - một trong những cây mũi nhọn có thị trường tiêu thụ ổn định và giá trị kinh tế cao. Các chính sách hỗ trợ trồng chè được triển khai sâu rộng, tạo điều kiện cho các hộ trồng mới, trồng lại thay thế diện tích chè cằn xấu bằng các giống chè mới năng suất và chất lượng hơn. Trong 3 năm từ 2012 đến 2014, diện tích trồng chè mới, trồng lại đạt trên 200ha, năng suất bình quân đạt 75 tạ/ha; tổng sản lượng chè búp tươi thu hoạch trở thành hàng hóa đến năm 2014 đạt 18.500 tấn.

Chương trình phát triển cây lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản được huyện quan tâm chỉ đạo và đạt được những kết quả cơ bản đảm bảo về chất lượng và hiệu quả kinh tế.

Huyện có nhiều cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp cùng với hỗ trợ và liên minh hình thành vùng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Đến nay, trong lĩnh vực nông nghiệp toàn huyện có 32 HTX và 3 tổ hợp tác. Bên cạnh đó là một số doanh nghiệp đầu tư giống, vốn, chuyển giao KHKT và liên kết với nông dân cùng phát triển sản xuất và bao tiêu sản phẩm (chương trình trồng ớt xuất khẩu tại Vĩnh Chân và nuôi lợn siêu nạc tại Lâm Lợi)… song quy mô và phạm vi các loại hình dịch vụ còn hạn chế, phát triển chậm, chưa đủ khả năng hỗ trợ đáp ứng yêu cầu sản xuất.

Mặt khác nông dân chưa mạnh dạn thay đổi tập quán canh tác cũ, nhận thức về sản xuất hàng hóa chưa sâu sắc, do vậy kết quả thực hiện các chương trình, lĩnh vực sản xuất chưa đồng đều, chưa khai thác triệt để tiềm năng, lợi thế của từng vùng. Quá trình đầu tư theo hướng thâm canh chưa nhiều, quy mô sản xuất nhỏ lẻ vẫn phổ biến nên năng suất cây trồng còn thấp so với bình quân của cả tỉnh.

Mặt khác, việc quy hoạch chi tiết các vùng sản xuất nông nghiệp của hầu hết các xã chưa cụ thể, vấn đề đưa cơ giới hóa vào sản xuất còn hạn chế. Kết quả thực hiện dồn đổi ruộng đất tạo điều kiện cho việc mở rộng quy mô sản xuất và bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn...

Để tháo gỡ những tồn tại đó, trên cơ sở quy hoạch sản xuất nông nghiệp, huyện chỉ đạo các xã quản lý chặt chẽ diện tích đất sản xuất nông nghiệp ổn định, phù hợp với nhu cầu thị trường hàng hóa nông sản.

Hình thành các vùng sản xuất tập trung, vùng chuyên canh để đầu tư, áp dụng KHKT, phương pháp canh tác gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư phát triển nông nghiệp và nông thôn. Tăng cường ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, có cơ chế hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tích tụ ruộng đất, góp ruộng cùng sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn.

Cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của người dân về sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, liên kết 4 nhà nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.


Related news

Phòng bệnh cho gia súc trong mùa mưa Phòng bệnh cho gia súc trong mùa mưa

Trong mùa mưa, nền nhiệt độ thấp, biên độ nhiệt ngày đêm cao, ẩm độ cao, ánh sáng ngày ngắn, chất lượng thức ăn thô xanh giảm; các loại vi khuẩn, vi-rút, ký sinh trùng, nấm bệnh phát sinh phát triển, nên gia súc cũng dễ mắc bệnh.

Tuesday. September 22nd, 2015
Hình thành 40 nhóm GAHP trong tỉnh Lâm Đồng Hình thành 40 nhóm GAHP trong tỉnh Lâm Đồng

Ngày 18/9, Ban Quản lý Dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm Lâm Đồng (LIFSAP) tổ chức hội nghị đánh giá việc áp dụng GAHP (thực hành chăn nuôi tốt) giai đoạn 2010 - 2015.

Tuesday. September 22nd, 2015
 Làm giàu nhờ mô hình chăn nuôi kết hợp Làm giàu nhờ mô hình chăn nuôi kết hợp Làm giàu nhờ mô hình chăn nuôi kết hợp Làm giàu nhờ mô hình chăn nuôi kết hợp

Thời gian qua, cùng với mô hình phát triển vườn cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhà vườn, nông dân xã Hậu Thành, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang còn mạnh dạn chuyển đổi vật nuôi mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình.

Tuesday. September 22nd, 2015
Giống cây tiêu đắt hàng Giống cây tiêu đắt hàng

Những năm gần đây, giá hạt tiêu liên tục tăng làm cho người dân đổ xô cắt cao su, điều để trồng hồ tiêu. Chính vì vậy giá cây tiêu giống cũng cao ngất ngưởng và rất hút hàng.

Tuesday. September 22nd, 2015
Thạch đen mất giá gây thiệt hại nhiều tỷ đồng Thạch đen mất giá gây thiệt hại nhiều tỷ đồng

Người dân huyện Thạch An (Cao Bằng) gặp khó vì thạch đen mất mùa, mất giá.

Tuesday. September 22nd, 2015