Khai thác hải sản trên biển sản lượng thấp
Thất thu
Cuối tháng 5, gặp chúng tôi tại cảng cá Tam Quang, ngư dân Nguyễn Trung Thành (thôn Trung Toàn, xã Tam Quang, Núi Thành) cho biết: “Thông thường mỗi chuyến biển đánh bắt hải sản bằng nghề lưới vây của chúng tôi có thời gian khoảng 20 ngày nhưng riêng chuyến này, tàu cá của chúng tôi cập bờ chỉ sau 13 ngày đánh bắt trên biển.
Thời gian bám biển ít hơn nên chi phí giảm xuống, trong khi đó hải sản được bảo quản tốt hơn nên chuyến này cho hiệu quả kinh tế cao”. Ra khơi đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa với 12 thuyền viên, tàu cá QNa 90424 có công suất 420CV do thuyền trưởng Nguyễn Trung Thành điều khiển khai thác được 35 tấn hải sản. Khi phân loại, cá sọ dừa chiếm khối lượng lớn nhất trên tàu cá QNa 90424: 15 tấn, tiếp đến là cá nục: 12 tấn, các loại cá nhỏ: 8 tấn. “Với chuyến biển này, chúng tôi bán được 600 triệu đồng.
Sau khi trừ chi phí chủ tàu được chia 200 triệu đồng, mỗi “bạn” được chia hơn 20 triệu đồng. Đây là chuyến biển duy nhất có lãi của tàu cá chúng tôi kể từ đầu vụ sản xuất chính đến nay” - ông Thành nói. Theo ông Thành, các chuyến biển còn lại của tàu cá QNa 90424 từ ngày 1.4.2015 đến nay đều thất thu.
Thất thu là tình cảnh chung của phần lớn ngư dân trên địa bàn xã Tam Quang. Ông Nguyễn Hữu Định, cán bộ phụ trách thủy sản của UBND xã Tam Quang cho biết, sản lượng khai thác hải sản từ đầu năm đến nay của xã chỉ đạt khoảng 5 nghìn tấn, thấp hơn cùng kỳ hơn 1 nghìn tấn, chưa bằng 1/3 chỉ tiêu sản xuất cả năm của toàn xã. “Nghề lưới vây của ngư dân xã Tam Quang cung cấp đến khoảng 1/3 sản lượng khai thác hải sản chung của toàn tỉnh nhưng đến thời điểm này, sản lượng khai thác đạt thấp. Nguyên nhân chính là cá nục, cá ngừ (2 sản phẩm chính của nghề) ít bắt gặp ở tầng cá nổi.
Các số liệu điều tra cho thấy nghề chủ lực này cho sản lượng thấp trong 2 tháng đầu vụ sản xuất chính cũng như từ đầu năm đến nay” - ông Võ Tấn Thành, cán bộ phụ trách thủy sản của Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam, nói.
Theo thống kê của ngành thủy sản Quảng Nam, sản lượng khai thác hải sản toàn tỉnh trong tháng 4.2015 đạt gần 8.800 tấn, thấp hơn 1.000 tấn so với cùng kỳ năm 2014. Trong tháng 5.2015, sản lượng hải sản của tỉnh đạt xấp xỉ 10 nghìn tấn, cũng thấp hơn cùng kỳ. Theo ghi nhận của chúng tôi, ở huyện Thăng Bình và TP.Hội An, các nghề chủ lực là lưới cản, lưới quét và lưới vây cá cơm cũng cho sản lượng thấp. Đó là nguyên nhân khiến cho sản lượng khai thác hải sản chung của Quảng Nam từ đầu năm 2015 đến nay chỉ đạt 27.487 tấn, thấp hơn cùng kỳ 5.000 tấn.
Cần sớm gỡ vướng
Nguyên nhân chính khiến cho sản lượng khai thác hải sản Quảng Nam đến thời điểm này đạt thấp là vì phương tiện sản xuất trên biển ít hơn mọi năm. “Sản lượng khai thác hải sản của ngư dân trên địa bàn đến thời điểm này không cao. Số lượng lớn tàu cá của ngư dân lẽ ra đang sản xuất trong vụ chính này đã phải bán đi vì không được giải ngân vốn đối ứng đóng tàu theo Nghị định 67 của Chính phủ.
Xã Tam Quang là địa phương trọng điểm của nghề cá Quảng Nam vậy mà đến thời điểm này chưa có ngư dân nào được tiếp cận vốn vay ưu đãi để đóng tàu theo nghị định. Trong khi đó, nhiều ngư dân đã bán tàu, không có phương tiện sản xuất” - ông Nguyễn Hữu Định nói. Theo ông Định, trước đây chủ trương đánh bắt hải sản xa bờ với các chính sách hỗ trợ thiết thực đã trợ sức, giúp ngư dân đóng được các tàu lớn vươn khơi sản xuất tại các ngư trường truyền thống.
Vậy mà bây giờ, cũng vì việc triển khai một số chính sách phát triển thủy sản chưa hiệu quả mà ngư dân gặp khó. “Giá trị sản xuất trong thời gian gần đây của ngư dân trên địa bàn không đạt cao do hải sản bảo quản không tốt, đầu ra hải sản ách tắc.
Ngư dân muốn đóng tàu hiện đại theo nghị định của Chính phủ để nâng cao năng lực sản xuất, bảo quản tốt hải sản. Đó là nguyện vọng chính đáng, rất mong các ngành, các cấp tháo gỡ vướng mắc, giải ngân vốn vay theo nghị định để ngư dân đóng được tàu lớn. Sản lượng hải sản của địa phương sẽ tăng trở lại và tăng nhanh nếu điều này được giải quyết” - ông Định nói.
Theo ông Võ Tấn Thành, sản lượng khai thác hải sản của Quảng Nam đến thời điểm này đạt thấp là điều đã được dự báo từ trước. “Qua dự báo ngư trường và thống kê hải sản, chúng tôi nhận thấy, chỉ có nghề câu mực khơi là cho sản lượng cao, nghề chụp mực cho sản lượng tương đối ổn định. Hầu hết nghề khai thác hải sản khác của ngư dân Quảng Nam từ đầu năm đến nay cho sản lượng thấp. Trong tháng 6 đến, nghề lưới vây có thể sẽ cho sản lượng cao hơn khi các loài cá nổi xuất hiện dày hơn ở 2 ngư trường truyền thống là Hoàng Sa và Trường Sa” - ông Thành nói. Ông Thành cho biết, điểm sáng duy nhất của vụ sản xuất chính đến thời điểm này là khởi sắc của nghề câu mực khơi.
“Trong năm 2014, tổng sản lượng khai thác của riêng nghề câu mực khơi đã đạt mức 17 nghìn tấn. Đó là con số kỷ lục ở thời điểm bấy giờ. Tuy nhiên, sản lượng của nghề câu mực khơi trong tháng 4 và tháng 5 của vụ sản xuất chính này đã là hơn 5 nghìn tấn. Năm nay, dự báo nghề câu mực khơi sẽ vượt qua sản lượng của năm 2014” - ông Thành nói. Theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều tàu câu mực khơi của ngư dân xã Tam Giang (Núi Thành) cho sản lượng khai thác rất cao. Cá biệt, tàu câu mực khơi QNa 90039 của ngư dân Lương Văn Cam (thôn Đông An, xã Tam Giang, Núi Thành) với 38 thành viên đã thu được 65 tấn mực khô chỉ sau chuyến biển khai thác trong 90 ngày.
Related news
Từ năm 2008, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành tiêu chuẩn VietGAP áp dụng trên các loại nông thủy sản Việt Nam. Ngành nông nghiệp Đồng Tháp cũng từng bước triển khai áp dụng cho người nông dân thực hành sản xuất theo tiêu chuẩn GAP để tiến đến tiêu chuẩn GlobalGAP và một số tiêu chuẩn bắt buộc khác của các nhà nhập khẩu.
Tuy cây tam thất có giá trị kinh tế cao, điều kiện thổ nhưỡng ở xã Ninh Ích (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) phù hợp, nhưng người dân nơi đây cần phải thận trọng khi mở rộng diện tích trồng loài cây này bởi sản phẩm chưa có đầu ra ổn định.
Trưa 16/7, bão Rammasun đã đi vào Biển Đông. Theo dự báo, đây là cơn bão mạnh, sẽ gây mưa lớn 200-300 mm cho các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ. Khả năng gây ngập úng cho lúa mới cấy là rất cao, nhất là với vùng thung lũng miền núi phía bắc, vùng thấp trũng Đồng bằng sông Hồng.
Nuôi ốc bươu đen trong ao, mương vườn hiện đang là mô hình kiếm ra tiền cho bà con nông dân ở huyện Châu Thành A. Chính vì vậy mà cán bộ Trạm khuyến nông - khuyến ngư huyện Châu Thành A Đỗ Thanh Hải thực hiện đề tài “Ứng dụng sản xuất giống và nghiên cứu nuôi ốc bươu đen thương phẩm”. Đề tài vừa được Hội đồng Khoa học và Công nghệ huyện nghiệm thu loại khá.
Trước vụ thu hoạch sầu riêng năm nay bà con ở Khánh Sơn (Khánh Hòa) lại phập phồng lo lắng. Thông tin sử dụng thuốc làm chín trái trong vụ thu hoạch năm ngoái đã khiến người trồng lao đao vì giá bán xuống thấp, nguy cơ thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn bị mất dần.