Điểm Sáng Trong Phong Trào Trồng Khoai Tây Vụ Đông

Là một xã thuần nông của huyện Kiến Xương, Vũ An được biết đến như điểm sáng của cây khoai tây vụ Đông. Về Vũ An những ngày này, trải dài trên cánh đồng từ thôn Đô Lương cho đến thôn Thống là cảnh bà con nông dân đang tấp nập cày, cuốc, vun, trồng khoai tây. Gần như đã thành truyền thống, vụ Đông luôn là vụ được bà con nông dân nơi đây chờ đợi, bởi đây là vụ cho thu nhập cao nhất trong năm.
Nhiều hộ gia đình đã trồng trên 1 mẫu khoai tây như gia đình ông Thu, ông Tùng, ông Thúy, ông Ân, Chị Tươi… hay những hộ chỉ có 1 lao động cũng trồng đến 3 – 5 sào, như bà Mong, bà Thắm, bà Cải…
Trên cánh đồng thôn Đô Lương, chúng tôi gặp bà Đào Thị Mong, đang vun luống trồng khoai tây, bà cho biết: “Năm nào vụ Đông chúng tôi cũng trồng khoai tây, năm nay tôi 62 tuổi rồi, nhưng vụ Đông năm nay tôi vẫn trồng 3 sào khoai tây, nếu có thể tôi sẽ mượn thêm 2 sào để trồng; mỗi sào khoai tây trong vòng gần 3 tháng trừ tiền phân bón, công cày bừa, thuốc sâu cũng lãi 3 – 4 triệu đồng, đầu ra lại không phải lo nên không trồng thì tiếc lắm; năm ngoái có nhiều hộ lãi 35 – 40 triệu đồng từ trồng khoai tây đấy chứ”.
Ruộng bên cạnh, bà Nguyễn Thị Thắm vui vẻ tiếp lời: “Trồng khoai tây vất vả lắm, tốn nhiều công lao động từ khâu làm đất, vun luống, đến chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh; nhưng ở đây gần như nhà nào cũng trồng khoai tây, tôi chỉ có một mình nhưng cũng trồng 3 sào, hy vọng thời tiết thuận lợi, giá cả không thấp để chúng tôi có thêm thu nhập.
Kênh truyền hình nông nghiệp - nông thôn - VTC16-3NTV
Cả 6/6 thôn của xã Vũ An đều trồng khoai tây, đã tạo thành một phong trào mạnh,
một điểm sáng về trồng cây khoai tây trong vụ Đông.
Năm 2013, Vũ An đặt mục tiêu trồng 165 ha cây màu vụ Đông như khoai tây, khoai lang và các cây rau màu khác; trong đó, trên 80 ha khoai tây có kế hoạch trồng từ 25 - 5/11/2013.
Bên cạnh kinh nghiệm và truyền thống của người dân, thì Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã Vũ An, đặc biệt Ban quản lý Hợp tác xã luôn chỉ đạo sát sao, bám sát đồng ruộng; chỉ đạo nông dân thực hiện cơ cấu sản xuất: lúa xuân - lúa mùa - cây vụ Đông; trước khi bước vào vụ Đông HTX lên kế hoạch, quy vùng trồng cây vụ Đông; đồng thời tuyên truyền, vận động tới từng thôn, xóm, hộ gia đình, xây dựng kho lạnh bảo quản củ giống cho nông dân, hiện nay toàn xã có 3 kho lạnh có thể bảo quản được 80 tấn củ giống.
Ông Nguyễn Quang Thế - chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTX DVNN) xã Vũ An cho biết: “Cây khoai tây là cây chủ lực trong diện tích cây vụ Đông ở Vũ An, tuy người dân đã trồng khoai lâu năm nhưng trước khi bước vào thời vụ trồng HTX luôn sát sao trong từng khâu sản xuất, đặc biệt chỉ đạo nông dân phun phòng bệnh định kỳ, đồng thời đảm bảo thủy lợi, nước tưới để khoai sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao”.
Cũng theo lời ông Thế, khoai tây là cây được bà con nơi đây trồng từ rất lâu và luôn giữ ổn định diện tích trồng hàng năm, bởi khoai tây là cây dễ trồng, thời gian sinh trưởng ngắn, phù hợp với đồng đất ở địa phương, nên khoai sinh trưởng phát triển tốt, ít sâu bệnh, cho năng suất cao, lại dễ tiêu thụ. Đến vụ thu hoạch, thương lái xuống tận ruộng thu mua, thậm chí “đếm đầu luống tính tiền” không phải bới. Trung bình mỗi sào khoai tây cho năng suất 4 – 5 tạ củ thương phẩm, trừ chi phí có thể thu lãi 3 – 4 triệu đồng/sào, nên bà con phấn khởi và yên tâm sản xuất. Cả 6/6 thôn của xã Vũ An đều trồng khoai tây, đã tạo thành một phong trào mạnh, một điểm sáng về trồng cây khoai tây trong vụ Đông.
Trên 15 ha đất chuyên màu là những luống củ cải đã đến thời điểm thu hoạch. Củ cải được HTX ký hợp đồng với công ty Nông sản Hải Dương bao tiêu sản phẩm cho nông dân, mỗi sào củ cải trừ chi phí nông dân thu lãi trên 3 triệu đồng. Sau thu hoạch củ cải, nông dân tiếp tục trồng khoai tây Đông.
Ngoài ra, xã Vũ An còn đăng ký mua 4,3 tấn khoai solara nguyên chủng trồng vụ Xuân để nhân giống cho vụ tiếp theo.
Không chỉ những người nông dân đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp mà cả chúng tôi cũng đều mong cho “mưa thuận gió hòa”, rồi “được mùa nhưng không rớt giá” để nông dân Vũ An nói riêng và nông dân Thái Bình nói chung sẽ có một vụ Đông thắng lợi.
Related news

Với giá thành rẻ, tác dụng chống oxy hóa cao, nên ethoxyquin được sử dụng rất rộng rãi trong sản xuất thức ăn thủy sản tại Việt Nam và nhiều nước khác trên thế giới. Do đó, cấm hẳn việc sử dụng ethoxyquin trong sản xuất thức ăn thủy sản là khó khả thi

Xã đảo Song Tử Tây nằm ở cực Bắc quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa. Nơi đây có nguồn nước lợ và bãi cỏ xanh tốt về mùa mưa nhưng mùa nắng lại phải đối mặt với những khó khăn thường gặp như khô hạn và thiếu nước ngọt.

Những năm gần đây, mô hình nuôi tôm - cua - sò huyết trong cùng diện tích canh tác ở các xã vùng ven biển của huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang đã giúp nhiều hộ dân có thu nhập ổn định, vươn lên làm giàu… Huyện An Biên có 4 xã ven biển, gồm: Nam Thái, Nam Thái A, Tây Yên, Nam Yên. Trong đó xã Nam Thái A có diện tích nuôi trồng thủy sản nhiều nhất của huyện, diện tích thả nuôi thủy sản kết hợp tôm – cua - sò huyết trên cùng một diện tích khoảng 272 ha, tập trung ở các ấp Xẻo Quao A, Xẻo Đôi, Bảy Biển và Xẻo Vẹt với 52 hộ nông dân thực hiện mô hình.

Đi thăm vườn ổi sai trĩu quả chen trong màu hoa trắng và cành lá xanh mướt của anh Tạ Văn Hồng, 48 tuổi tại khu vực Gò Rít - Dóc Trang (xã Phú Lạc - Tuy Phong - Bình Thuận) thấy hiệu quả từ việc chuyển đổi cây trồng, vươn lên làm giàu.

Thu nhập từ con cá bống tượng, cá chình đã trở thành nguồn thu nhập cao cho người dân Cà Mau trong nhiều năm qua, đặc biệt là những hộ nghèo, ít đất sản xuất. Nhưng nông dân nuôi cá đang gặp khó bởi giá cá xuống thấp, nuôi không lãi.