Hiệu Quả Từ Mô Hình Trồng Cỏ, Nuôi Bò

Xã viên của Hợp tác xã nông nghiệp An Chấn (HTX An Chấn) ở Phú Yên trong sản xuất lúa gặp khó khi đất đai cằn cỗi, diện tích canh tác ít. Để phát triển kinh tế hộ, Ban quản trị HTX An Chấn đã thí điểm thực hiện mô hình trồng cỏ giàu dinh dưỡng để nuôi bò theo dự án ACIAR (trồng cỏ nuôi bò) bước đầu cho hiệu quả cao.
Theo ông Nguyễn Minh Đức, Giám đốc HTX An Chấn, với 80ha lúa 2 vụ rất khó để bà con phát triển sản xuất. Trồng rau màu trên đất cát thì thiếu nước và ít dinh dưỡng nên chỉ có đầu tư nuôi bò theo hướng chủ động nguồn cỏ tươi giàu đạm làm thức ăn mới giúp xã viên có thu nhập, nâng cao đời sống. Từ năm 2009, theo chương trình dự án ACIAR do Sở NN-PTNT phối hợp với Trường đại học Nông lâm Huế, HTX đã trồng thử nghiệm các giống cỏ trên diện tích 100 m2, thu hút 10 hộ xã viên tham gia, đến nay tăng lên 40 hộ và số lượng đàn bò tăng từ 100 con đến 120 con.
Các giống cỏ được trồng là VA06 (cỏ voi), TD58 (cỏ sả), MolatoII… có nguồn gốc từ nước Úc, phù hợp với đất cát, ít nước của địa phương nên cỏ sinh trưởng tốt, giàu dinh dưỡng và cho sản lượng, chất lượng cao hơn các giống cỏ khác. Ông Nguyễn Phương, cán bộ khuyến nông HTX cho biết: “Trên diện tích 100m2 triển khai trồng thí điểm mô hình, chúng tôi phân ra 50m2 trồng cỏ mới và 50m2 trồng cỏ truyền thống để đối chứng. Sau 1 tháng, cỏ mới thu hoạch cho sản lượng 250kg cỏ tươi, cao hơn 150kg so với diện tích đối chứng. Những con bò được cho ăn cỏ mới cũng đạt trọng lượng cao, bê con sinh ra cứng cáp, lông mượt hơn.
Ông Thái Văn Phúc (thôn Phú Thạnh, xã An Chấn), 1 trong 10 hộ đầu tiên thực hiện mô hình này cho biết: Năm 2010, tôi trồng xen kẽ các giống cỏ mới trên diện tích 1.000m2 đất vườn. Khi bắt đầu cho ăn cỏ mới, bò nhà tôi nặng 270kg, 4 tháng sau đã tăng thêm 120kg. Trước đây để tăng 100kg bò thịt, tôi phải nuôi mất hơn 6 tháng. Hiện 2 con bò sinh sản của gia đình tôi đã có 2 con bê được 1 tháng tuổi, đang phát triển rất tốt. Chỉ 5 tháng nữa, bê con có thể xuất bán, thu về từ 30 triệu đồng đến 34 triệu đồng.
“Mặc dù dự án ACIAR mới kết thúc giai đoạn 1 nhưng kết quả mà nó mang lại đã mở ra hướng mới trong sản xuất, tăng thu nhập cho các hộ xã viên của HTX An Chấn. Để khuyến khích nhân rộng mô hình tới từng hộ xã viên, Ban quản trị HTX đã nâng mức cho vay tín dụng nội bộ phát triển đàn bò từ 15 triệu đồng lên 30 triệu đồng/năm/hộ, không cần thế chấp. Đồng thời, HTX sẽ phổ biến kỹ thuật chăn nuôi bò tới từng hộ”.
Related news

Được biết, giống bơ boot 7 ra hoa vào tháng 1 đến tháng 3 hằng năm và cho thu hoạch vào tháng 10 đến tháng 12. Ưu điểm của loại bơ này là quả to và đều, trung bình khoảng 3-5 quả/kg, ruột vàng, giá trị dinh dưỡng cao. Vỏ bơ dày nên thuận lợi cho vận chuyển, bảo quản sản phẩm. Hơn nữa, trồng bơ boot 7 tương đối nhàn, không tốn nhiều công chăm sóc. Bình quân mỗi cây có thể cho từ 200-250 kg quả, với giá thị trường hiện tại là 55.000 đồng/kg.

Với gần 482 tổ, hợp tác xã hoạt động trong nhiều lĩnh vực trên địa bàn tỉnh, không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho các thành viên, kích thích nền kinh tế tập thể phát triển mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo, đa dạng hóa ngành, nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn.

Hiện các hộ dân tích cực vệ sinh vườn thanh long sạch, thông thoáng, tỉa bỏ và tiêu hủy triệt để mầm bệnh bằng cách thu gom các bộ phận cây, quả bị nhiễm bệnh đem chôn sâu hoặc dồn đống sau đó rắc vôi và tủ bạt, không để các tác nhân gây bệnh phân tán trong không khí. Qua thực hiện chiến dịch giúp nông nhận thức rõ hơn về bệnh đốm trắng và tích cực phòng trị theo phương pháp tổng hợp IPM.

Cuộc họp triển khai công tác phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn, đảm bảo sản xuất vụ đông xuân 2014-2015 khu vực Trung bộ tổ chức tại TP.Phan Thiết mới đây xoay quanh 2 nội dung. Đó là phản ánh tình trạng thiếu nước tại các công trình thủy lợi trên toàn miền Trung trong diễn biến của hiện tượng El Nino và đốc thúc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng các cây trồng cạn.

Nằm trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với điều kiện tự nhiên thuận lợi, Đồng Tháp có lợi thế về sản xuất nông nghiệp. Từ đó đã hình thành các vùng nông nghiệp chuyên canh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Những năm gần đây, bên cạnh việc phát triển nông nghiệp theo hướng sạch, an toàn, chính quyền các địa phương và nông dân cũng đã năng động tìm kiếm thị trường tiêu thụ, hình thành được chuỗi khép kín thông qua mối liên kết “4 nhà”.