Nuôi Tôm Công Nghiệp Hỗ Trợ Nhau Cùng Phát Triển
Nghề nuôi tôm công nghiệp thất bát, nhiều nơi "treo" đầm; trong tình thế khó khăn ấy, trên địa bàn huyện Đầm Dơi (Cà Mau) lại xuất hiện những cách làm sáng tạo, thay đổi quy trình sản xuất, đạt năng suất, sản lượng cao. Nông dân không chỉ trúng mùa mà còn trúng giá. Đây thật sự là một tín hiệu vui không chỉ cho người nuôi tôm công nghiệp mà còn cho nền kinh tế của huyện nhà.
Trong căn nhà mới xây để đón Tết cổ truyền dân tộc trị giá vài trăm triệu đồng, ông Nguyễn Thành Lập (Chủ nhiệm HTX Công Nghiệp ấp Tân Thành, xã Tân Dân) không giấu được niềm vui: “Năm nay tôi thu hoạch 4 ao tôm thẻ chân trắng, diện tích 1,5 ha, lãi 1,5 tỷ đồng. Không chỉ riêng tôi mà Hợp tác xã Công Nghiệp, ấp Tân Thành A, có 85% hộ nuôi có lãi”.
Hỗ trợ nhau cùng phát triển
Hợp tác xã Công Nghiệp có 19 hộ xã viên nuôi tôm công nghiệp thì có 6 hộ lãi trên 1 tỷ đồng, 8 hộ lãi từ 40 đến hơn 400 triệu đồng, không có hộ thất trắng. Thành công của hợp tác xã bắt nguồn từ sự liên kết “4 nhà” và đổi mới quy trình nuôi. Trước tiên là sự hỗ trợ về kinh nghiệm, kỹ thuật giữa các xã viên.
Gần 10 năm gắn bó với nghề nuôi tôm công nghiệp, ông Nguyễn Thành Lập trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm. Nuôi tôm công nghiệp cần nguồn vốn lớn, làm giàu nhanh, nhưng rủi ro cũng không nhỏ. Do vậy, liên kết với doanh nghiệp, đại lý thức ăn tôm là mối quan hệ đồng hành không thể thiếu.
Thức ăn cho tôm mỗi đầm nuôi cũng gần trăm triệu đồng. Số tiền này chỉ khi thu hoạch tôm đại lý mới thu lại. Trường hợp vụ nuôi bị gãy, doanh nghiệp, đại lý thức ăn tôm cho người nuôi “dằn nợ” lại chờ vụ sau. Không chỉ đầu tư vật tư, thức ăn tôm mà những đơn vị này còn thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo, hoặc tổ chức các mô hình trình diễn để rút kinh nghiệm nhân rộng mô hình.
Người nuôi trúng mùa, doanh nghiệp có lãi
Anh Diệp Văn Vũ (ấp Nhà Cũ, xã Quách Phẩm Bắc) không chỉ tiên phong ứng dụng mô hình nuôi tôm công nghiệp theo quy trình công nghệ khép kín trong nhà lưới, mà còn sẵn sàng hỗ trợ chuyển giao cho bà con quanh vùng. Năm 2013, có 2 vụ nuôi thành công, lợi nhuận hơn 2 tỷ đồng.
Thành công từ quy trình nuôi tôm công nghiệp khép kín bằng nhà lưới của anh Diệp Văn Vũ không chỉ mở ra cách làm mới, bài bản, an toàn, cho năng suất, sản lượng, chất lượng cao mà còn khẳng định trong điều kiện môi trường, thời tiết, nguồn nước, dịch bệnh dễ gây hại cho tôm nuôi như hiện nay, muốn thành công người nuôi tôm công nghiệp cần cải tiến, áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất.
Hiện tại, anh Diệp Văn Vũ còn làm đại lý thức ăn tôm cho 80 hộ trên địa bàn các xã: Quách Phẩm, Quách Phẩm Bắc, Trần Phán, Tân Duyệt, giá trị đầu tư đến cuối vụ hơn 20 tỷ đồng. Bên cạnh đó, anh còn hỗ trợ chuyển giao quy trình kỹ thuật mới cho người nuôi tôm.
Huyện Đầm Dơi có hơn 10 đại lý thức ăn tôm cấp 1, mỗi năm cung cấp hàng chục ngàn tấn thức ăn cho người nuôi, giá trị đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Trong quá trình làm ăn, các đại lý cạnh tranh lành mạnh, giữ chữ tín với khách hàng.
Mặc dù cung ứng hàng trước thu tiền sau nhưng không có hiện tượng tăng giá hay bắt chẹt khách hàng. Điều đó cho thấy các doanh nghiệp, đại lý thức ăn tôm ở Đầm Dơi luôn đồng hành trên con đường làm giàu của người nông dân.
Trong 2 năm qua, huyện Đầm Dơi đã quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng, kinh tế - kỹ thuật phục vụ cho sản xuất thuỷ sản với tổng nguồn vốn trên 500 tỷ đồng. Đó là nâng cấp, cải tạo nguồn điện ba pha, nạo vét hàng trăm ki-lô-mét sông, kinh thuỷ lợi phục vụ cho việc cấp thoát nước nuôi thuỷ sản.
Cùng với đó là hệ thống giao thông đường bộ từng bước được đầu tư mở rộng, giúp cho việc lưu thông hàng hoá nông - thuỷ sản của nông dân. Cũng trong năm 2013, cùng với tăng cường tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân gắn với xây dựng các mô hình trình diễn, huyện Đầm Dơi đã phát triển gần 10.000 ha nuôi tôm quảng canh cải tiến năng suất cao. Nhờ đó, tổng sản lượng thuỷ sản là 91.500 tấn, đạt 100,5% kế hoạch, tăng 2,64% so năm 2012, trong đó sản lượng tôm thương phẩm 39.500 tấn, đạt 100%.
Những tháng cuối năm, 70% hộ nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn huyện thu hoạch đạt năng suất cao. Đây thật sự là tín hiệu vui mang lại sức sống và niềm tin cho nghề nuôi tôm năm mới phát triển cao hơn.
Related news
Mặc dù nhiều nơi, do giá cả không ổn định, bà con chặt bỏ cây ca cao trồng các loại cây khác nhưng ở Bến Tre nhiều hộ trồng ca cao xen trong vườn dừa vẫn duy trì diện tích và đem lại hiệu quả cao.
Bước lên con thuyền xi măng kéo dây, đưa chúng tôi qua sông Kiến Giang để sang bên trang trại của anh Tống Sỹ Hoàn, thôn Hiếu Thiện, xã Vũ Hội (Vũ Thư - Thái Bình). Nơi đây giống như một ốc đảo xanh, không khí trong lành, cây cối xanh tươi soi bóng xuống những chiếc ao rộng, đàn vịt, ngỗng tung tăng bơi lội, cá quẫy đớp mồi.
Xã Sơn Ninh, Hương Sơn , Hà Tĩnh nằm cạnh con sông Ngàn Phố, người dân quanh năm sống chung với lũ, lụt. Nhưng về với Sơn Ninh vào dịp lễ Giáng Sinh năm nay, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước sự “thay da đổi thịt” của mảnh đất này...
Mô hình nuôi rắn mối tại xã xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Bình Thuận được Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) tỉnh triển khai cách đây chưa lâu. Kết quả cho thấy, con nuôi này có thể đem lại nguồn thu nhập ổn định cho lao động nông nhàn, bởi vốn đầu tư không lớn và cũng không tốn nhiều công sức…
Trong khi, theo khuyến cáo của các nhà khoa học thì lượng phân vô cơ bón cho 1ha tiêu để đạt năng suất cao nhất và hiệu quả kinh tế là từ 200 – 400kg N, 100 – 200kg P2O5, 225 – 400kg K2O trong mỗi năm, tùy theo chân đất và loại trụ trồng tiêu. Việc bón bổ sung phân hữu cơ hoặc phân bón lá đã cung cấp thêm một lượng dinh dưỡng khoáng đa lượng, trung và vi lượng cho cây tiêu. Phân gà và phân hữu cơ chế biến có tác dụng tốt trong phòng trừ bệnh chết nhanh do nấm Phytophthora capsici.