Hai Mô Hình Làm Giàu Ở Kiên Giang
Năng động và nhạy bén, bước đầu họ đã thu được những thành công trên con đường làm giàu chính đáng. Thành công của họ không chỉ mang lại thu nhập cho bản thân mà còn mở ra các hướng làm ăn, tạo việc làm cho thanh niên ở khu vực nông thôn Kiên Giang.
"Thủ lĩnh" dưa hấu
Vượt đoạn đường hơn 80 km từ thị xã Rạch Giá về Vĩnh Bình Bắc, huyện Vĩnh Thuận, dưới trưa nắng gay gắt, chúng tôi tìm đến nhà thanh niên có biệt danh "thủ lĩnh dưa hoàng kim". Nông thôn Kiên Giang những ngày đang vào vụ, xóm ấp vắng người. Vì có hẹn trước với chúng tôi nên Nguyễn Chí Công hôm nay không đi làm đồng. Là một xã thuần nông, mặc dù trong những năm qua nơi đây đã có bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh, nhưng cây lúa vẫn là cây trồng chủ yếu của người nông dân, đời sống của họ còn không ít khó khăn. Nhiều nông dân đã chủ động đưa về địa phương nhiều loại giống cây trồng thử nghiệm trên vùng này, nhưng thành công không được bao nhiêu.
Anh Nguyễn Chí Công kể lại: Cách đây khoảng mười năm, có một số người dân đưa giống dưa hoàng kim về đây trồng, nhưng không hiệu quả, rồi họ bỏ ruộng, đi tìm công việc khác để kiếm sống. Thấy những quả dưa hoàng kim nằm rơi vãi ngoài đồng, anh Công nhặt một số trái to, đẹp về làm giống và trồng thử nghiệm trên 0,5 ha đất. Nhưng thật bất ngờ, cuối vụ anh thu được hơn 10 tấn dưa, đem bán cho các chợ trong vùng lãi hơn 14 triệu đồng. Thấy giống dưa này có tiềm năng, Công vận động mọi người chung quanh cùng trồng và anh lo đầu ra cho sản phẩm và chở đi tiêu thụ. Những năm đầu, anh Công đi khắp nơi tìm thị trường tiêu thụ, nhưng gặp rất nhiều khó khăn và chủ yếu vẫn là bán lại cho các thương lái nhỏ, lẻ ở chợ trong vùng, huyện lân cận.
Năm 2007, Công đầu tư chở một xe tải dưa lên TP Hồ Chí Minh giới thiệu hàng, nhưng giống dưa này vẫn còn xa lạ với thị trường này nên chuyến buôn đầu tiên lỗ khoảng 10 triệu đồng. Không nản chí, vụ dưa sau, Công tiếp tục chở tiếp bảy xe dưa hoàng kim lên TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương bán cho các chợ và anh tiếp tục "chịu lỗ" khoảng 40 triệu đồng. Tuy chuyến hàng thứ hai lỗ nặng hơn, nhưng Công cho rằng, đã có bước thành công khi thị trường đã quen và người tiêu dùng đã bắt đầu biết thưởng thức hương vị thơm, ngọt của giống dưa này.
Ðầu năm 2008, Công làm đầu mối thu mua toàn bộ diện tích hơn 60 ha đất trồng dưa hoàng kim trong ấp vận chuyển 29 xe tải lên TP Hồ Chí Minh tiêu thụ và vụ này anh thắng lớn, lãi khoảng 130 triệu đồng. Trong năm 2009, Công đã vận chuyển và tiêu thụ giống dưa hoàng kim tại thị trường TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương tổng cộng 140 tấn, lãi gần 200 triệu đồng. Không bằng lòng với kết quả đạt được, anh Công đã vận động bảy hộ có đất liền kề thành lập HTX Dịch vụ dưa hoàng kim để ký kết các hợp đồng về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trực tiếp với các công ty để mở rộng thị trường ra huyện đảo Phú Quốc và nước bạn Cam-pu-chia.
Ðến nay ấp Bình Minh đã có hơn 60 hộ trồng dưa hoàng kim, với tổng diện tích hơn 100 ha. Theo anh Công, nếu 1.000 m2 trồng lúa chỉ lời khoảng một triệu đồng, còn khi trồng dưa hoàng kim lãi hơn bốn triệu đồng. Ưu điểm, khi trồng giống dưa hoàng kim bằng hình thức luân canh, tăng vụ vào giữa hai vụ lúa. Những hộ trồng dưa hoàng kim, lợi nhuận tăng từ 20 triệu đồng/ha (hai vụ lúa), lên 60 triệu/ha (hai lúa, một dưa).
"Chuyên gia" nấm bào ngư
Nguyễn Văn Nghĩa (sinh năm 1984), ở khu phố 1, phường An Bình, TP Rạch Giá. Chỉ một tháng làm công nhân cho Công ty sản xuất nấm, anh đã học hỏi, áp dụng thành công quy trình sản xuất nấm bào ngư và đã cho thu hoạch khá. Anh chia sẻ: "Học hết lớp 8, tôi chuyển sang học nghề thuyền máy tàu và theo gia đình vận chuyển hàng hóa thuê bằng sà-lan.
Trong một lần vận chuyển hàng hóa về Long Khánh (Ðồng Nai), tôi tình cờ biết được mô hình trồng nấm bào ngư ở đây. Say mê tìm tòi nghiên cứu, tôi bàn bạc cùng gia đình về dự tính thực hiện mô hình làm nấm bào ngư tại TP Rạch Giá và được gia đình ủng hộ". Nhưng để tiếp thu được quy trình làm nấm là cả một thử thách. "Tôi suýt bị đuổi việc khi giám đốc công ty phát hiện việc đi làm của mình chủ yếu là để học nghề.
Nhưng với sự quyết tâm, kiên trì tôi đã nhận được sự giúp đỡ của một số cán bộ tại công ty" - Nghĩa cho hay. Vậy là chỉ trong vòng một tháng "tầm sư học đạo", Nghĩa đã đủ tự tin lập ra cơ sở nuôi cấy phôi và sản phẩm nấm bào ngư. Giữa năm 2009, Nghĩa thu xếp gọn khu vực sinh hoạt gia đình, dành diện tích 200 m2 mở "trang trại" làm nấm bào ngư, vốn liếng ban đầu gần 100 triệu đồng. Nghĩa xây dựng lò áp suất khử trùng, phòng phân lập nuôi phôi giống, dụng cụ sấy men, máy sàng mạt cưa.
Hai tháng sau, "trang trại" nấm của Nghĩa đi vào hoạt động, với công suất 20 nghìn bịch phôi giống/tháng. Hoạt động lúc đầu rất khó khăn, anh phải lặn lội đến TP Hồ Chí Minh quảng bá giống nấm mới và anh đã thành công từ những chuyến đi đó. Thế rồi, chỉ sau bốn tháng, sản phẩm của anh đã chiếm được cảm tình của người tiêu dùng.
Các đơn đặt hàng ngày càng nhiều hơn, đôi khi sản phẩm làm ra không đủ đáp ứng cho nhu cầu của thị trường. Nghĩa cho biết: "Chỉ sau bốn tháng, tôi thu 5.000 kg nấm, giá bán 20 nghìn đồng/kg, trừ chi phí, thu lãi 30 triệu đồng. Thấy mô hình làm nấm của Nghĩa cho hiệu quả kinh tế cao, bà con chung quanh và thanh niên địa phương đến tham quan, đặt hàng ngày càng nhiều. Năm 2008, Nghĩa chuyển hẳn sang sản xuất, bán phôi nấm giống, giá 3.000 đồng/bịch phôi.
Mỗi tháng, cơ sở Nghĩa sản xuất 20 nghìn bịch phôi, tạo việc làm cho sáu đến tám người lao động, trừ chi phí, Nghĩa thu lãi bảy triệu đồng/tháng. Hiện đầu ra cho nấm bào ngư của Nghĩa không chỉ ở TP Hồ Chí Minh mà còn phát triển thuận lợi tại thị trường các tỉnh An Giang, Long An... Bình quân, mỗi tháng Nghĩa tiêu thụ 2,5 tấn nấm bào ngư tươi và anh đang hướng đến thị trường nấm sấy khô xuất khẩu. Trong dịch vụ cung ứng phôi nấm, Nghĩa đã chủ động xây dựng được lòng tin cho người tiêu dùng. Sản phẩm meo của cơ sở anh làm ra không chỉ giao tận nơi mà anh còn hỗ trợ thêm về quy trình sản xuất. Thậm chí, có những đơn hàng anh đợi đến khi nào người mua thu hoạch được nấm thì anh mới nhận tiền.
Vừa qua, Nghĩa nhận hướng dẫn hơn 10 sinh viên Trường cao đẳng kinh tế - Kỹ thuật Kiên Giang đến thực tập mô hình nuôi, trồng nấm. Ngoài ra anh còn tham gia cùng với Tỉnh đoàn Kiên Giang tổ chức giới thiệu 15 trại mô hình trồng nấm bào ngư đến thanh niên các huyện Châu Thành, Giồng Riềng, Hòn Ðất, Kiên Lương và TP Rạch Giá vào các dịp ngày hội việc làm. Trong thời gian tới, Nghĩa đang thực hiện phát triển dự án nấm bào ngư cho Huyện đoàn Phú Quốc, tổng trị giá hơn 37 triệu đồng, tạo việc làm cho sáu thanh niên trên địa bàn.
Related news
Cuối tuần qua, tại huyện Long Mỹ, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức trao giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Quýt đường Long Trị” cho Hợp tác xã (HTX) Quýt đường Long Trị (ấp 8, xã Long Trị, huyện Long Mỹ - Hậu Giang).
Ngược xuôi từ Bảo Lộc về Đà Lạt (Lâm Đồng), đến km178, qua cầu Đạ Le (Tam Bố) đã nhiều, tôi thường chỉ nghe tiếng máy ầm ì từ Mỏ Đá vẳng tới. Vậy mà ngẫu nhiên lần này, khi phóng tầm mắt trông lên Mỏ Đá, tôi bất ngờ, bởi những cọc tiêu mọc trên đá tự bao giờ!
Thực hiện quy định áp dụng cân tải trọng xe được cho là sẽ khiến giá giống tăng 6 - 7%, chi phí vận tải tăng gấp 3 lần so với trước đó. Nhiều DN đang phải tính đến phương án chuyển sang chở lúa giống bằng đường sắt hoặc tàu thủy.
Vụ tỏi năm nay, nông dân Lý Sơn được mùa, thế nhưng tỏi lại rớt giá thê thảm. Hiện mỗi kg tỏi tươi chỉ khoảng từ 20- 25 ngàn đ/kg, tỏi khô từ 35- 40 ngàn đ/kg.
Năm nay, ở Sơn La mưa nhiều hơn mọi năm nên măng phát triển mạnh, được mùa. Nhiều gia đình có thêm một khoản thu nhập khá từ măng.