Trồng Điều Thân Thiện Với Môi Trường

Những năm qua, tình trạng chặt phá điều để chuyển đổi cây trồng khác diễn ra phổ biến tại các tỉnh Đông Nam Bộ, trong đó có Bình Phước, khiến cây điều dần dần mất lợi thế.
Tuy nhiên, với cách làm như Nhóm phát triển điều bền vững Tiến Hưng đang áp dụng, người trồng điều có hy vọng mới từ loại cây trồng này.
Ông Vũ Đắc Bộ- Trưởng Nhóm phát triển điều bền vững Tiến Hưng (xã Tiến Hưng, thị xã Đồng Xoài) cho biết trước thực trạng cây điều mất lợi thế vào năm 2007 ông đã ấp ủ kế hoạch để thành lập nhóm. Nhưng phải đến năm 2009, nhóm phát triển điều bền vững Tiến Hưng mới được thành lập với cách thức sản xuất được áp dụng theo tiêu chuẩn FLO – tiêu chuẩn về thương mại công bằng của Tổ chức quốc tế về Dán nhãn và Thương mại công bằng. Đây được xem là nhóm điều sản xuất theo tiêu chuẩn FLO đầu tiên của Bình Phước cũng như của ngành điều Việt Nam.
Sản xuất điều sạch
Theo đó, trong quá trình thực hiện phải đảm bảo 4 tiêu chí gồm: Phát triển xã hội, phát triển kinh tế, phát triển môi trường và điều kiện lao động. Tiêu chí môi trường được xem là tiêu chí hàng đầu được quan tâm thực hiện tốt tại nhóm.
Các hộ sản xuất điều trong nhóm phải hướng đến sản xuất điều sạch, thân thiện với môi trường, có nghĩa là không sử dụng các hóa chất độc hại, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học trong sản xuất, không để tồn tại những dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên nông sản. Việc sản xuất này thực hiện dưới sự giám sát chặt chẽ của Tổ chức quốc tế về Dán nhãn và Thương mại công bằng.
Cũng theo ông Vũ Đắc Bộ, mặc dù các cách sản xuất này còn khá mới mẻ nhưng do được cán bộ khuyến nông nhiệt tình hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật nên hội viên trong nhóm rất yên tâm sản xuất. Số lượng thành viên trong nhóm không ngừng gia tăng. “Ban đầu nhóm thành lập với 49 hội viên tại Tiến Hưng, đến nay số lượng hội viên trong nhóm đã lên đến trên 200 hộ với diện tích trồng điều trên 1.000ha tại địa bàn của thị xã Đồng Xoài, huyện Bù Đăng và Bù Gia Mập.”
Thị trường rộng mở
Trao đổi với chúng tôi, nhiều hội viên trong Nhóm phát triển điều bền vững Tiến Hưng đều cho rằng cách thức sản xuất này dù còn khá mới nhưng mang lại hiệu quả tốt, sản lượng điều cao, chất lượng tốt nên tạo được sự yên tâm cho người trồng điều.
Ông Trương Minh Lương, ngụ ấp 6, xã Tiến Hưng, nhà có 4ha điều tham gia Nhóm phát triển điều bền vững từ năm 2012. Đến nay vườn điều sản xuất theo tiêu chuẩn sạch của nhà ông mang lại kết quả tốt. Trong hai vụ điều vừa qua, mỗi hecta điều đều cho thu nhập trên 2 tấn. Đặc biệt theo cách sản xuất điều sạch, hạt điều có chất lượng tốt hơn, đẹp hơn nên giá ngoài thị trường cao hơn điều thường từ 1.000 – 2.000 đồng/kg.
Ngoài lợi ích về giá cả, tham gia vào nhóm hội viên còn có nhiều lợi ích khác. Chẳng hạn như người trồng điều sẽ được tập huấn kỹ thuật trong sản xuất để nâng cao năng suất; được tư vấn cách bảo vệ sức khỏe cho bản thân; hạn chế những ảnh hưởng môi trường do sử dụng thuốc BVTV; giá cả điều khi xuất khẩu được đàm phán, có thêm khoản tiền phúc lợi là 3 cent (khoảng 600 đồng) trên 1kg điều xuất khẩu…
Ông Vũ Đắc Bộ cho biết: “Một tín hiệu vui đối với các thành viên trong Nhóm phát triển điều bền vững Tiến Hưng là hiện nay cách sản xuất điều của nhóm được các đối tác nước ngoài quan tâm, nhất là phía Hàn Quốc, Hà Lan. Mới đây đại diện Nhóm cũng vừa ký kết bản ghi nhớ với hai đơn vị để bán sản phẩm trong mùa thu hoạch điều sắp tới. Trong đó một đơn vị ký hợp tác bao tiêu toàn bộ sản phẩm hạt điều, một đơn vị thì thu mua trái điều về sản xuất nước ép. Như vậy sản xuất theo hướng này đầu ra khá rộng mở…”.
Ông Vũ Đắc Bộ cho biết trong năm 2014 nhóm dự kiến sẽ chuyển đổi thành HTX để hoạt động với quy mô lớn hơn. Bên cạnh đó nhóm này cũng sẽ vận động hội viên chuyển đổi giống cây điều từ chất lượng thấp sang cây trồng chất lượng cao theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu như một số vườn điều tại Đồng Nai thực hiện. Theo tính toán của ông, việc chuyển đổi sang cây điều chất lượng cao có thể mang lại năng suất cho người trồng điều từ 3 tấn/ha trở lên, khi đó người trồng điều sẽ “sống khỏe”.
Related news

Sau nhiều năm thua lỗ liên tục vì giá heo hơi thấp, nhiều người nuôi phải giảm hoặc bỏ đàn. Gần đây, giá heo hơi nhích lên dần và đang ở mức 53 - 54 ngàn đồng/kg, cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây. Các hộ chăn nuôi rất phấn khởi và đang dần tăng đàn trở lại.

Theo nhiều chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, thời điểm này, thị trường cây giống bắt đầu hút hàng, sức mua của người dân tăng đáng kể; giá của mặt hàng này đã tăng khoảng trên 5% so với những năm trước.

Để thực hiện điều này một cách hiệu quả nhất cần phải tin học hóa bài toán quản lý thông tin về tình hình sâu bệnh hại lúa có ứng dụng công nghệ thông tin địa lý (GIS).

Xuất ngũ năm 1983, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Văn Bình rời quê Thanh Hoá đến vùng đất cực Nam Tổ quốc lập nghiệp. Với bản chất cần cù, chịu khó của người lính Cụ Hồ, ông đã kiên trì vượt lên hoàn cảnh khó khăn, gây dựng cuộc sống ấm no từ tay trắng. Đến nay, gia đình ông có hơn 30 công đất nuôi tôm, kết hợp trồng lúa, nuôi cua, cá bống tượng mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Tuy nhiên, giao thương được nhắc đến ở đây phải là chính ngạch chứ không phải tiểu ngạch. Vì vậy, XK hàng qua đường chính ngạch cũng là một giải pháp các DN nên tính đến.