Vườn Bưởi Tiền Tỷ Ở Xã Cù Lao Bạch Đằng

Nông dân trồng bưởi đường lá cam ở xã nông thôn mới Bạch Đằng (huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) đang vui mừng vì vụ bưởi tết bán chạy, giá cao.
Vào thời điểm này, đến xã cù lao Bạch Đằng, đi đâu cũng nghe thấy nông dân bàn về cây bưởi, có vườn thu về hàng trăm triệu đồng.
Ông Dương Văn Minh - Tổ trưởng hợp tác trồng bưởi Bạch Đằng cho biết: Tổ hợp tác đang chuẩn bị đưa ra thị trường Hà Nội 3 tấn bưởi với giá bình quân hơn 50.000 đồng/kg. Theo ông Minh, đến thời điểm này, nhiều mối hàng đặt mua với giá 550.000 - 600.000 đồng/chục, bưởi trái đẹp có giá đến 700.000 - 750.000 đồng/chục (bình quân hơn 50.000/kg).
Được mùa trúng giá, nhưng ông Minh vẫn ngồi xuýt xoa vì bưởi đường lá cam Bạch Đằng không có đủ hàng cung ứng cho các hợp đồng tiêu thụ, nhất là thị trường Hà Nội rất chuộng loại bưởi này để chưng tết vì bưởi có vỏ cứng, để lâu ngày không hư hỏng mà càng để lâu ăn càng ngon.
Ông Minh cho biết: Sau nhiều năm nghiên cứu và hướng dẫn kỹ thuật, người trồng bưởi Bạch Đằng đã đạt kỹ thuật cho cây bưởi ra hoa và đạt độ chín trái bưởi vào đúng thời điểm tết như ý muốn nên giá trị kinh tế rất cao. 12 thành viên trong tổ hợp tác đã xử lý bưởi ra hoa vào đúng mùa tết cho thu nhập bình quân đến 400 triệu đồng/ha/năm.
Như chỉ với 0,7ha bưởi, ông Minh đã thu gần 300 triệu đồng; vườn ông Nguyễn Hữu Tâm chỉ vỏn vẹn 1.600m2 thu về hơn 110 triệu đồng; bà Huỳnh Thị Minh Hiền thu 165 triệu đồng với diện tích vườn chỉ có 1.500m2… Tổng doanh thu của 12 thành viên trong tổ hợp tác (với 4ha bưởi) đạt trên 1,6 tỷ đồng.
Là một trong người đi đầu trồng bưởi áp dụng theo mô hình VietGAP ở xã Bạch Đằng, anh Nguyễn Hữu Tâm - thành viên tổ hợp tác bưởi Bạch Đằng ở ấp Điều Hòa đốc rút kinh nghiệm, nếu áp dụng đúng kỹ thuật VietGAP, chăm sóc và bón phân đúng cách, đồng thời cho kích thích cây bưởi ra hoa để cho trái đúng dịp tết thì mỗi ha bưởi Bạch Đằng có thu nhập đạt từ 500 - 600 triệu đồng/năm. Hiện anh kiêm luôn tổ trưởng VietGAP thuộc tổ hợp tác người trồng bưởi trong xã để chuyển giao kỹ thuật trồng bưởi cho nông dân.
Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng Phạm Văn Hoàng cho biết: Kinh tế vườn đang trở thành mũi nhọn phát triển của xã nông thôn mới Bạch Đằng. Nhờ bưởi Bạch Đằng được công nhận sản phẩm thương hiệu tập thể nên đã có đầu ra. Hiện bưởi Bạch Đằng không đủ để cung ứng theo đơn đặt hàng của các đối tác. Hiện toàn xã Bạch Đằng có hơn 500 hộ trồng bưởi với diện tích khoảng 400ha, trong đó có 3,5ha được cấp giấy chứng nhận sản xuất theo mô hình VietGAP.
Related news

Sinh ra và lớn lên tại tỉnh Bắc Giang, nhưng nơi ông Nguyễn Đức Tiến (65 tuổi) lập nghiệp là ấp 3, xã Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc - Đồng Nai). Nhìn cơ ngơi, tài sản hiện có của người nông dân này, mấy ai biết được khi khởi nghiệp ông chỉ có hai bàn tay trắng.

Thấy giống thỏ Newzealand tăng trưởng nhanh, thịt ngon, dễ tiêu thụ, chị Nguyễn Thị Mách, thôn Thượng 1, xã An Châu, huyện Sơn Động (Bắc Giang) đã mạnh dạn mở rộng quy mô chăn nuôi, vận động một số hộ thành lập Câu lạc bộ (CLB) chăn nuôi thỏ.

Từ 16 đến 23 - 6, Chi cục Thủy sản tiến hành thả cá bổ sung nguồn lợi thủy sản tại các thủy vực trên địa bàn tỉnh Dak Lak năm 2014 nhằm phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản bị suy giảm, góp phần nâng cao sinh kế cho cộng đồng đang sinh sống bằng nghề khai thác xung quanh các thủy vực

Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm Dầu Tiếng, hiện toàn huyện có 73 hộ nuôi động vật hoang dã với tổng số 14 loài, tổng đàn 5.137 con. Trong đó, loài động vật hoang dã được nuôi nhiều nhất ở Dầu Tiếng là cá sấu với 2.385 con.

Theo Sở Công thương: Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh An Giang xuất khẩu 66,7 ngàn tấn cá tra, đạt kim ngạch 156,2 triệu USD, bằng 88,9% về trị giá so cùng kỳ. Giá xuất khẩu cá tra bình quân 2.443 USD/tấn, cao hơn cùng kỳ khoảng 30 USD/tấn.