Xuất Khẩu Nông, Lâm - Thủy Sản 5 Tháng Đạt 12,12 Tỷ USD

Trong số đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản ước đạt 5,94 tỷ USD, thủy sản ước đạt 2,83 tỷ USD và lâm sản ước đạt 2,46 tỷ USD.
Theo thông tin mới nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 5/2014 ước đạt 2,278 tỷ USD, đưa giá trị xuất khẩu của ngành năm tháng đầu năm lên 12,12 tỷ USD; tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2013.
Trong số đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản ước đạt 5,94 tỷ USD, tăng 5,1%; giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt 2,83 tỷ USD, tăng 25%; giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản ước đạt 2,46 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2013.
Càphê và hạt tiêu, hạt điều, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ tiếp tục duy trì là ngành hàng có sự gia tăng cả về sản lượng cũng như giá trị; còn những mặt hàng chính như gạo, cao su, chè, sắn và các sản phẩm sắn… lại có sự sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, sản lượng xuất khẩu càphê trong tháng 5/2014 ước đạt 154 nghìn tấn với giá trị đạt 336 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cà phê năm tháng đầu năm ước đạt 966 nghìn tấn và đạt giá trị 1,96 tỷ USD; tăng 36,7% về khối lượng và tăng 29% về giá trị so cùng kỳ năm 2013.
Tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh là ngành tiêu tăng 33,6% về khối lượng và tăng 42,3% về giá trị. Theo đó, khối lượng tiêu xuất khẩu tháng Năm ước đạt 17 nghìn tấn, với giá trị đạt 126 triệu USD; đưa khối lượng xuất khẩu tiêu năm tháng đầu năm lên 92 nghìn tấn và giá trị đạt 645 triệu USD.
Ngành hạt điều liên tiếp có sự tăng trưởng cả về khối lượng và giá trị, tăng tương ứng 10,8% và 11,5% so với cùng kỳ năm 2013. Cụ thể: Khối lượng hạt điều xuất khẩu tháng Năm ước đạt 23 nghìn tấn với giá trị đạt 151 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu năm tháng đầu năm 2014 đạt 98 nghìn tấn với 618 triệu USD.
Đặc biệt, ngành thủy sản vẫn duy trì là ngành xuất khẩu mũi nhọn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành với giá trị xuất khẩu thủy sản tháng Năm ước đạt 552 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu năm tháng đầu năm đạt 2,83 tỷ USD; tăng 25% so với cùng kỳ năm 2013.
Bên cạnh đó, nhiều ngành hàng lại có sự sụt giảm cả về giá trị và sản lượng xuất khẩu; sụt giảm mạnh nhất là ngành hàng cao su, giảm 20,2% về khối lượng và giảm 39,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Theo đó, ước tính khối lượng xuất khẩu cao su tháng 5/2014 đạt 51 nghìn tấn với giá trị 96 triệu USD; xuất khẩu cao su trong năm tháng chỉ đạt 239 nghìn tấn, với giá trị đạt 473 triệu USD.
Đáng chú ý, ngành lúa gạo vẫn theo đà sụt giảm từ đầu năm tới nay, khối lượng gạo trong năm tháng giảm 10,2% và giảm 7,3% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Khối lượng gạo xuất khẩu tháng 5/2014 ước đạt 591 nghìn tấn với giá trị 259 triệu USD đưa khối lượng xuất khẩu gạo năm tháng đầu năm 2014 ước đạt 2,65 triệu tấn và giá trị ước đạt 1,19 tỷ USD.
Related news

Hơn 10 năm nay, xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) duy trì, phát triển mô hình chăn nuôi bò góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người dân địa phương.

Tại huyện Đông Anh, Hà Nội, nhiều diện tích rau cải các loại, rau đay, cà tím, bí xanh…bị thối gốc do mưa kéo dài, trong đó, thiệt hại nhất là rau ăn lá. Trái với khung cảnh bận rộn trước đây, trên đồng rau chỉ lác đác vài nông dân đang làm đất, rắc phân, tạo hàng để chuẩn bị trồng lứa rau mới.

Kết quả điều tra giá thành sản xuất thực tế vụ hè - thu 2013 của tỉnh là 3.858 đ/kg, tăng 454 đ/kg so với giá thành vụ hè - thu 2012. Với giá thành trên, người trực tiếp sản xuất lãi 242 đ/kg – 1.342 đ/kg (tại thời điểm khảo sát giá lúa khô là 4.100 đ/kg – 5.200 đ/kg).

Theo nhiều tiểu thương kinh doanh lúa gạo, giá nhiều loại lúa gạo giảm do nguồn cung lúa gạo hàng hóa trên thị trường đang tăng so với trước khi nhiều địa phương ĐBSCL bắt đầu vào vụ thu hoạch lúa thu đông 2013.

Sáng 21-8, tại Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức Hội nghị Ban chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).