Tìm Giải Pháp Vực Dậy Ngành Cá Tra
Sáng 21-8, tại Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức Hội nghị Ban chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Theo Bộ NN&PTNT, đến ngày 16-8, toàn vùng ĐBSCL đã thả nuôi trên 4.696ha cá tra (tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2012), thu hoạch được 3.570,4ha (tăng 31,7% so với cùng kỳ năm 2012), đạt sản lượng trên 770.000 tấn (tăng 5,3% so với cùng kỳ 2012). Theo đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 849,538 triệu USD (giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2012).
Tuy nhiên, do giá nguyên liệu (giống, thức ăn, thuốc thú y…) tăng, bệnh trên cá tra nuôi vẫn xuất hiện do nhiều nguyên nhân nên tỷ lệ thiệt hại cao, trong khi đó giá bán ra thấp (từ 19.000 đến 22.000 đồng) nên người nuôi thường bị lỗ. Hiện toàn vùng ĐBSCL có hơn 70 doanh nghiệp chế biến cá tra, trong đó có một số doanh nghiệp do thiếu vốn hoặc còn số lượng tồn kho nên chỉ hoạt động cầm chừng. Việc ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm giữa người nuôi và doanh nghiệp chế biến hiện vẫn còn lỏng lẻo. Hiện tượng doanh nghiệp kéo dài thời gian trả tiền mua cá, người nuôi bị chiếm dụng vốn diễn ra khá phổ biến; ngay cả những hộ nuôi theo hình thức liên kết đầu tư cũng bị một số doanh nghiệp nợ và không trả…
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng: “Chúng ta cần đánh giá lại vấn đề cung cầu. Nếu xác định được và cân đối vấn đề này thì sẽ thuận lợi rất nhiều cho việc quy hoạch vùng nuôi và giải quyết được vấn đề đầu ra cho sản phẩm cá tra. Song song đó, chúng ta phải tích cực tìm hiểu giá cả, thị hiếu của thị trường nhiều nước, khu vực trên thế giới và không nhất thiết phải tập trung vào một hoặc hai thị trường nào. Đồng thời, công tác quản lý của Nhà nước phải được tăng cường hơn nữa, đảm bảo chất lượng sản phẩm và thương hiệu của cá tra Việt Nam”.
Ông Nguyễn Huy Điền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết: “Thời gian tới, UBND các tỉnh cần tăng cường công tác kiểm tra chất lượng nguyên liệu đầu vào, đặc biệt kiểm tra giám sát, nâng cao chất lượng con giống. Tiếp tục rà soát lại diện tích, khuyến cáo người nuôi chỉ nuôi khi đã có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích người nuôi và doanh nghiệp thiết lập cơ chế chia sẻ lợi nhuận, chia sẻ rủi ro, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất”.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhận định: “Tiếp tục thực hiện các đề tài nghiên cứu nâng cao tính kháng bệnh của đàn cá bố mẹ có chất lượng tốt cung cấp cho các cơ sở sản xuất giống. Nghiên cứu xây dựng quy trình hướng dẫn người nuôi cá trong việc giảm chi phí sản xuất, nâng cao tỷ lệ sống trong quá trình nuôi để giảm giá thành sản phẩm. Khuyến khích các bên tham gia chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, xây dựng các vùng nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu....”
Ngoài ra, tại hội nghị, cũng có nhiều ý kiến đề xuất Bộ kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính bố trí thêm nguồn vốn để triển khai thực hiện đề án phát triển nuôi trồng thủy sản đến năm 2020 và đề án sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL theo quyết định của Chính phủ. Ngân hàng nhà nước nghiên cứu điều chỉnh lại phương thức cho vay vốn hiện nay, tạo điều kiện cho người nuôi dễ tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi,…
Related news
Hạn hán kéo dài không chỉ gây ảnh hưởng cho sản xuất nông lâm nghiệp của tỉnh Cà Mau, mà sản xuất thuỷ sản cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Với năng lực sản xuất mỗi ngày cho ra đời từ 15.000-20.000 con gà ta giống, hệ thống khách hàng chằng chịt từ tỉnh Quảng Bình vào đến Nam bộ và Tây Nguyên, anh Lê Minh Dư - GĐ Cty TNHH Giống gia cầm Minh Dư ở xã Phước Nghĩa (Tuy Phước - Bình Định) được giới chăn nuôi trong khu vực đặt cho biệt danh là vua gà ta.
Tại ấp Tân Lợi, Tân Hòa (xã Tân Thanh - Giồng Trôm - Bến Tre), có những con giồng bạt ngàn cây lài. Trước đây, chưa ai dám nghĩ đó là loại cây giúp người nông dân xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Đến nay, cây lài trên vùng đất cát giồng đã khẳng định điều đó.
Thực hiện chủ trương đưa cây màu xuống chân ruộng theo cơ cấu 2 vụ lúa xen 1 vụ màu, từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp và cải tạo độ màu mỡ đất, vụ hè thu sớm năm 2013 huyện Cai Lậy (Tiền Giang) trồng 1.115 ha màu trong đó có 276 ha dưa hấu, tập trung nhiều ở các xã Phú Cường, Thạnh Lộc và Mỹ Thành Bắc.
Diện tích ca cao bị đốn bỏ hoặc chết đến đầu tháng 7-2013 ở Bến Tre là rất lớn, khoảng 1.943ha (chết 536ha). Trong đó, thành phố Bến Tre đốn 147,11ha; Châu Thành đốn 367ha; Giồng Trôm đốn 367ha, chết 536ha; Mỏ Cày Nam đốn 14ha, Bình Đại đốn 13ha.