Việc Tiêu Thụ Quýt Đường Đang Gặp Khó

Gần 2 tháng qua, giá quýt đường giảm khiến không ít nhà vườn của huyện Lai Vung lo ngại. Bởi trồng 1 công quýt đường, nhà vườn phải đầu tư trên 100 triệu đồng, nếu quýt đường tiếp tục giảm giá chắc chắn nhà vườn bị lỗ hoặc không đáp ứng đủ chi phí tái sản xuất.
Liên tiếp trong 3 - 4 năm vừa qua, giá quýt đường luôn hấp dẫn, thấp nhất cũng 25 ngàn đồng/kg, có khi hơn 30 ngàn đồng/kg, vì vậy cây quýt đường cho hiệu quả cao hơn quýt hồng.
Thời gian từ khi trồng đến bắt đầu cho thu hoạch chỉ 18 tháng, nhanh hơn quýt hồng khoảng 10 tháng. Lợi thế khác của quýt đường là thu hoạch rải vụ quanh năm, nhà vườn không phải chịu áp lực thu hoạch tập trung một lần vào dịp Tết Nguyên đán như quýt hồng. Chính những lý do này mà nhiều nhà vườn ở Lai Vung đã đầu tư phát triển, mở rộng diện tích vườn quýt đường một cách ồ ạt.
Hiện nay chưa có số liệu thống kê chính xác, nhưng theo dự kiến của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lai Vung, số diện tích quýt đường toàn huyện hiện nay lên khoảng 1.250ha, tăng gấp 4 lần so với năm 2000. Tập trung nhiều nhất là các xã Vĩnh Thới, Long Hậu, Tân Thành, Tân Phước và một số diện tích nhỏ lẻ ở các xã khác.
Bà con chuyển từ vườn quýt hồng kém hiệu quả, vườn mận, nhãn, cam, vườn tạp và ngay cả đất ruộng,... sang trồng quýt đường. Tuy chi phí đầu tư không thấp so với quýt hồng nhưng cây quýt đường dễ trồng, không kén thổ nhưỡng, chính vì vậy mà huyện Lai Vung đã có không ít nông dân đi thuê đất ở những nơi khác để trồng quýt đường.
Theo ông Lưu Văn Ràng, nhà vườn trồng quýt lâu năm ở ấp Hòa Khánh, xã Vĩnh Thới: Từ giá 27 - 28 ngàn đồng/kg, quýt đường rớt xuống còn 20 ngàn đồng/kg và hiện nay chỉ còn 16 - 17 ngàn đồng/kg. Do giá quýt tiếp tục giảm, thương lái không chịu cân quýt nên ông phải tiếp tục giảm thêm 2.000 đồng/kg, lái mới chịu cân.
Còn nhà vườn Phan Tấn Hữu, ấp Hòa Định, xã Vĩnh Thới cho biết: “Hiện tôi đang bán 18 ngàn đồng/kg, trong khi 1kg quýt phải đầu tư khoảng 12 ngàn đồng vốn”.
Trước tình hình này, nhà vườn huyện Lai Vung ai cũng tìm cho mình những giải pháp tối ưu để có thể giữ được diện tích quýt đường mà vẫn đảm bảo hiệu quả. Về vấn đế này, ông Tống Văn Phong - Phó Chủ tịch Hội Làm vườn huyện Lai Vung, Tổ Trưởng Tổ hợp tác trồng quýt đường xã Vĩnh Thới cho biết: “Nông dân cần tiết kiệm chi phí sản xuất; áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP để đảm bảo an toàn, từ đó tạo thương hiệu và uy tín đối với khách hàng, cần nâng cao chuỗi giá trị trái cây, nâng cao chất lượng, hạn chế bán qua trung gian...”.
Các cấp lãnh đạo huyện Lai Vung và các ngành chức năng cũng đã tìm thị trường, xúc tiến kêu gọi nhà doanh nghiệp từ nhiều nơi, liên kết, hợp tác tiêu thụ trái cây đặc sản quýt đường của huyện, đã có 2 doanh nghiệp ở Hà Nội vào đặt vấn đề tiêu thụ và một số siêu thị TP.HCM đang được giới thiệu sản phẩm.
Lãnh đạo huyện khuyến cáo nông dân cần cân nhắc trong việc trồng, phát triển diện tích quýt đường, nhất là không nên phá bỏ vườn quýt hồng kém hiệu quả để trồng lại quýt đường, cần có giải pháp khôi phục lại vườn quýt hồng bởi cây quýt đường hiện nay rất nhiều nơi đang phát triển ồ ạt, còn quýt hồng chỉ trồng được ở huyện Lai Vung.
Related news

Để kịp thời tái tạo và bổ sung nguồn lợi này, Dự án “Tái tạo, thả bổ sung giống thuỷ sản tại một số cửa sông nội đồng, ven biển tỉnh Cà Mau” đã được thực hiện gần 2 năm qua, nhưng để được kết quả như mục tiêu đề ra còn rất nhiều việc phải làm.

Trái với mong đợi của nhà nông, sau khi xịt thuốc dưỡng lúa hiệu “9 trong 1” do Công ty Hóa nông lúa vàng sản xuất, nhiều đồng lúa ở ấp Đòn Dong (xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) nguy cơ thất thu nặng… Chuyện xảy ra khoảng hơn nửa tháng nay.

Sau 10 năm vất vả làm ăn, trồng đủ loại cây mà kinh tế gia đình vẫn khó khăn. Anh khăn gói vào Nam làm ăn và tìm hiểu những kinh nghiệm trồng cây TLRĐ ở tỉnh Tiền Giang. Năm 2009, anh trở về và đầu tư gần 150 triệu đồng làm đường, đưa các cột bê tông lên khu vườn, kéo điện, đường nước bắt đầu trồng thử nghiệm cây TLRĐ.

Có thể kể thêm câu chuyện tương tự với thịt gà nhập khẩu, cho dù sản phẩm gia cầm nhập khẩu ít được bàn tán hơn. Và vế còn lại là câu chuyện thịt heo, được dự báo sẽ diễn ra tương tự với thịt bò và thịt gà, khi mà châu Âu đang có những bước chuẩn bị tích cực để thâm nhập thị trường Việt Nam.

Chuối mô là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mỗi năm chuối mô cho thu hoạch một lần. Năng suất trồng chuối trên địa bàn xã Bản Cầm đạt 30 – 32 tấn/ha. Hiện, chuối mô trên địa bàn xã chủ yếu được tư thương Trung Quốc thu mua, tổng giá trị thu về hơn 21 tỷ đồng.