Tái canh cà phê ở nông hộ tự bơi là chính
Mức lãi suất áp dụng cho chương trình tái canh cà phê còn quá cao nên với nông dân - những chủ vườn cà phê đã già cỗi chỉ biết... tự lo.
Khó tiếp cận vốn vay
Tại tỉnh Gia Lai, thông qua kênh của Hội Nông dân tỉnh, đã thành lập được 2.039 tổ vay vốn với 42.702 thành viên (hộ) vay vốn chương trình tái canh cà phê. Tuy nhiên đến nay, mới chỉ có 828 tổ với 14.368 thành viên nhận được vốn vay, số còn lại chưa tiếp cận được nguồn vốn này.
Theo ông Đặng Ngọc Khôi - Trưởng BQL vốn (Hội Nông dân tỉnh Gia Lai), nguyên nhân phần đông nông dân chưa tiếp cận được nguồn vốn do một số hộ chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, số khác đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì đã thế chấp cho ngân hàng khác, vay tiền phục vụ cho nhiều mục đích.
Do đó theo Nghị định 41 của Chính phủ, quy định về việc vay vốn phát triển sản xuất nông nghiệp, hai đối tượng trên không được vay vốn để tái canh cà phê. Phần đông còn lại, do lãi suất ngân hàng cao, thời gian hoàn vốn ngắn, trong khi thời tiết, giá cả luôn biến đổi thất thường nên họ vẫn còn tâm lý e dè với chương trình này.
Trong phạm vi của Cty Cà phê 706, ngoài 700 ha cà phê của Cty còn có khoảng 400 ha cà phê hộ gia đình. Do chất đất phù hợp, thời tiết tương đối thuận lợi, nguồn nước tưới không quá khó khăn như những vùng khác nên từ lâu, vùng đất Ia Sao này đã là vựa cà phê lớn nhất, tốt nhất của tỉnh Gia Lai.
Cũng do thuận lợi trên nên từ lâu, cây cà phê đã được trồng ở đây sớm hơn những vùng khác. Và cũng do vậy mà một trăm phần trăm diện tích cà phê nông hộ (khoảng 400 ha) nói trên đều đã đến tuổi phải thay thế. Cà phê ở đây đã có tuổi thọ từ 25-30 năm.
Thời ấy, nông dân chưa có kinh nghiệm trong việc chọn giống tốt, chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên hầu hết vườn cà phê đã già cỗi, xuống cấp, nhất thiết cần phải thay thế. Tuy nhiên do lãi suất ngân hàng cao, cộng với thời gian trả nợ sớm nên rất nhiều hộ không dám vay vốn tái canh.
Nông dân Nguyễn Văn Hộ (xã Ia Sao, huyện Ia Grai) có gần 2 ha cà phê. Hơn một nửa diện tích trên đã có tuổi thọ gần 30 năm, hiện cho năng suất thấp, chất lượng quả không cao. Ông Hộ rất muốn thay thế diện tích cà phê già cỗi nói trên, tuy nhiên bỏ ra một lúc hơn một trăm triệu đồng quả là con số không nhỏ.
Ông nói: "Lãi ngân hàng cao như thế, trong khi thời gian trả nợ lại ngắn, nếu gặp lúc cà phê mất mùa hoặc mất giá, chúng tôi phải "lỗi hẹn" với ngân hàng. Lỗi hẹn với ai thì được, nhưng lỗi hẹn với ngân hàng chúng tôi không dám!". Mới nghe thì vui tai, nhưng ngẫm lại là sự thật - sự thật đáng buồn.
Lãi cao, thời gian trả nợ ngắn, trong khi tâm lý người nông dân "ăn chắc mặc bền" nên họ rất khó tiếp cận với nguồn vốn vay cho chương trình tái canh cà phê.
Tự tái canh
Với những vườn cà phê thuộc "thủ phủ cà phê" của Gia Lai như ở xã Ia Sao nói riêng, huyện Ia Grai nói chung thì, năng suất khoảng 2 tấn nhân/ha là... đồ bỏ. Mà đã là "đồ bỏ" thì phải thay thế. Trong khi nông dân rất khó tiếp cận được nguồn vốn vay - như đã nói ở trên, đành áp dụng chương trình "tự tái canh" là chính.
Cũng với vườn cà phê già cỗi của ông Hộ, ông tự tái canh bằng cách: Trong quá trình chăm sóc hàng năm, hễ thấy cây nào quá kém chất lượng (bởi cả vườn cây hầu như đã kém chất lượng), lập tức ông thay thế cây khác bằng cách đào bỏ cây cũ, mua giống cây con về trồng thay vào chỗ đó.
Qua nhiều năm "tự tái canh" như trên, đến nay, vườn cà phê già cỗi gần 1 ha của ông đã thay thế được vài trăm cây mới. Cũng ở Ia Sao, ông Nông Văn Lưu cũng áp dụng biện pháp trên, "tự tái canh" cho vườn cà phê già cỗi của gia đình được khoảng trên 100 cây mới.
Ông Lưu cho biết: Do không đủ lực làm một lần, trong khi cây cà phê không còn cho năng suất cao nữa đành phải làm như vậy. Tự tái canh kiểu này, có cái hay là mình có đến đâu làm đến đấy, không phải chịu áp lực lãi suất của ngân hàng.
Tuy nhiên cái dở lại nhiều hơn: Thứ nhất là cà phê trước đây trồng dày (1.273 cây/ha), bây giờ trồng mới chỉ áp dụng khoảng 900 cây/ha để cây bung cành khỏe, tán rộng, dễ phát triển và cho sai quả... Nếu cứ thay cây cũ bằng cây mới theo cách trên, vườn cà phê vĩnh viễn phải chịu mật độ dày, năng suất thấp, chất lượng hạt kém...
Cái dở nữa là trong cùng một vườn cà phê lại có cây lớn cây bé, cây già cây non nên rất khó khăn trong quá trình chăm sóc, thu hoạch (bởi ở mỗi độ tuổi khác nhau, cây cà phê có chế độ chăm sóc khác nhau).
"Cái khó ló cái khôn". Tuy nhiên với kiểu "tự tái canh" như trên, vườn cà phê sẽ không cho được năng suất, chất lượng như ý. Theo đó, cũng không thể hướng đến mục tiêu phát triển bền vững ngành cà phê Việt Nam. Trong khi đó - xin nhắc lại: Trong tổng diện tích cà phê cả nước thì cà phê nông hộ chiếm phần lớn.
Related news
Theo ghi nhận, thị trường phân bón Bình Định đầu vụ đang khá dồi dào về chủng loại, nguồn cung; giá cả có xu hướng giảm so với cùng kỳ các năm trước…
Thêm 3 doanh nghiệp (DN) vừa nhận chứng nhận tốt nghiệp Chương trình Ươm tạo DN trong “vườn ươm” do Trung tâm Ươm tạo DN nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM cấp.
Đầu tháng 5/2015, Liên Thảo - thương hiệu rau sạch đầu tiên truy xuất nguồn gốc tới từng ruộng chính thức được bán tại hệ thống siêu thị VinMart Hà Nội.
Do ảnh hưởng từ việc Trung Quốc tạm ngừng nhập tiểu ngạch, những ngày qua, giá lúa gạo hàng hóa ở ĐBSCL lại giảm. Đồng thời lượng gạo tồn trong kho của các DN đang ở mức khá cao.
Thực tế cho thấy, vụ mía năm nay không chỉ ở Tân Lạc mà tại nhiều địa phương khác ở tỉnh Hòa Bình, việc tiêu thụ cũng đang gặp khó khăn.