Vì Sao Dalat Milk Ngưng Mua Sữa Có Tỷ Lệ Nước Trên 4%?

Công ty cổ phần sữa Đà Lạt (Dalat Milk) thông báo, nếu trong sữa bò mà nông dân giao cho nhà máy có tỷ lệ nước từ 4% trở lên thì người bán sẽ bị nhắc nhở và sau 6 lần kiểm tra mà sữa vẫn có tỷ lệ nước trên 4%, công ty sẽ ngưng nhận sữa từ nông dân nuôi bò có hợp đồng bán sữa với công ty.
Thông báo số 24/TB-DLM do ông Ngô Minh Hải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần sữa Đà Lạt ký ngày 28-1 gởi các hộ dân nuôi bò sữa đang cung cấp sữa cho công ty cho biết, theo phụ lục hợp đồng mua bán sữa ngày 3-1-2015 thì mức trừ đối với trường hợp phát hiện trong sữa có nước là 8.000 đồng/kg bất kể lượng nước là bao nhiêu.
Tuy nhiên, để giảm bớt thiệt hại cho nông dân, công ty sẽ điều chỉnh mức khấu trừ. Cụ thể, nếu phát hiện trong sữa có 0,1% nước sẽ khấu trừ 200 đồng/kg, và tỷ lệ từ 4% nước trở lên sẽ nhắc nhở và sau 3 ngày (tương đương 6 lần phân tích) mà sản phẩm không được cải thiện công ty sẽ ngưng nhận sữa. Thông báo này áp dụng để tính tiền sữa từ ngày 3-1-2015.
Một hộ dân nuôi bò sữa cung cấp sữa cho Dalat Milk cho biết, dù thông báo chỉ nói nếu tỷ lệ nước từ 4% trở lên công ty sẽ ngưng nhận sữa, mà không nói rõ là công ty sẽ không mua sữa nữa, nhưng nông dân chúng tôi hiểu rằng, nếu sữa có tỷ lệ nước từ 4% trở lên thì không thể bán cho công ty, tức là do chúng tôi không đáp ứng được điều kiện chứ không phải do công ty không mua.
“Một người dân bình thường cũng biết trong sữa có nước nhưng không hiểu sao công ty lại ra một thông báo như vậy. Có thể việc ra thông báo này là một cách để phía Dalat Milk hợp thức hóa việc không mua sữa của chúng tôi thôi”, người này cho biết.
Một chuyên gia trong ngành sữa cho biết, trong sữa tươi, nước chiếm tỷ lệ lớn nhất và tùy theo từng giống bò mà tỷ lệ nước cao hay thấp, nhưng tỷ lệ nước trong sữa dao động từ 80 - 90%, còn lại là các loại chất đường lactose, protein, các loại chất khoáng, mỡ sữa.
Trước đó, vào đầu tháng 1-2015, phía Dalat Milk đưa quy định hạn mức cung cấp sữa là 16kg mỗi ngày đối với mỗi con bò sữa được công ty ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với hộ nông dân. Con số này quá thấp so với sản lượng sữa mà mỗi con bò cho ra mỗi ngày. Ngay sau đó, nông dân nuôi bò sữa phản ứng bằng cách đổ sữa ở trước trạm mua của công ty này.
Sau khi làm việc với chính quyền địa phương, Dalat Milk đã thu hồi lại quy định này và nay công ty lại đưa ra một thông báo mới như đã nói ở trên.
Hiện nay, đàn bò sữa ở Lâm Đồng đã đạt 10.000 con, tăng đến 50% so với một năm trước đó.
Related news

Tết Nguyên Đán cận kề, người dân làng hoa An Lạc, thành phố Đông Hà (Quảng Trị) tất bật, bận rộn hơn bao giờ hết. Khác với mọi năm, ngoài những vườn hoa cúc, thược dược, lay ơn truyền thống, năm nay một số gia đình trồng hoa ở An Lạc nắm bắt tâm lý tiêu dùng mới đã tự học cách trồng thêm những giống hoa lạ.

Theo dự báo của Đài Khí tượng thuỷ văn Quảng Trị, vụ đông xuân năm 2014-2015 có nền nhiệt độ bằng hoặc ấm hơn trung bình nhiều năm, các đợt rét đậm, rét hại có khả năng không kéo dài và nhiệt độ cũng không xuống thấp như các vụ đông xuân trước, vào các tháng cuối vụ xuất hiện nắng nóng cục bộ. Lượng mưa toàn vụ đông xuân năm nay ở mức xấp xỉ hoặc thấp hơn TBNN cùng kỳ.

Ngược về xã Văn Yên, địa phương có nhiều diện tích đất nông nghiệp thường thiếu nước vào vụ xuân nên làm đất cấy vụ xuân thường gặp rất nhiều khó khăn như cánh đồng xóm Núi (xóm Núi), cánh đồng Kỹ Thuật (xóm Cầu Găng, xóm Đinh) nhưng năm nay nguồn nước thuận lợi nên người dân đã làm đất được hơn 70% diện tích đất.

Kết quả bước đầu cho thấy giống khoai tây Dimant phát triển khá, ít sâu bệnh, có năng suất cao, màu sắc củ vàng, đẹp, chất lượng thơm ngon. Qua hơn 3 tháng thực hiện, đến nay mô hình trồng khoai tây vụ đông ở thôn Tân Thủy, xã Tân Phúc đang cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt từ 150 đến 170 tạ/ha. Với giá bán bình quân hiện nay từ 10.000 – 15.000 đồng/kg, nông dân thu nhập từ 3 – 5 triệu đồng/sào, cao gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa và ngô.

Vẫn là những người nông dân ấy, vẫn là những cánh đồng thẳng cánh cò bay, nhưng, bàn tay “bà đỡ” đang giúp những người nông dân được tiếp cận với phương thức sản xuất hiện đại, có ứng dụng khoa học - kỹ thuật, được trở thành một nhân tố trong chuỗi liên kết sản xuất, để rồi đây, họ có cơ hội vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.