Thanh Long Bình Thuận Trông Người Mà Nghĩ Đến Ta
Trước khi xuống giống, các nhà vườn trồng thanh long ở Đài Loan đánh luống cao để tránh bị úng nước. Ngoài cây trụ cho thanh long bám, nhà vườn Đài Loan còn làm giá đỡ. Trong quá trình phát triển, cây thanh long được cung cấp thêm dưỡng chất canxi bằng cách rải nhiều vỏ trứng gà vịt, vỏ trấu vào gốc cây, tạo độ tơi xốp và mát cho rễ cây bởi nó có bộ rễ ăn lan mặt đất.
Đến thời kỳ đơm hoa kết trái, nhà vườn Đài Loan tỉa thưa gồm 1 cành mẹ và 1 nhánh con, xử lý cho ra hoa, 1 trái/nhánh, trái được bao bọc. Cách lên luống, làm giá đỡ, tỉa thưa cành… nhằm tạo sự thông thoáng cho cây, hạn chế được dịch bệnh, giúp cây phát triển tốt.
Mùa đông, các nhà vườn chong đèn compact để xử lý vụ mùa nghịch. Với kỹ thuật trồng trọt và canh tác tốt, thanh long Đài Loan vẫn giữ hương vị màu sắc vượt trội, trọng lượng to đồng đều, hàm lượng đường cao, đặc biệt vượt qua hàng rào kiểm dịch nghiêm ngặt của Nhật Bản – một thị trường khó tính (kể cả mùa đông).
Năm 2010, thanh long trở thành cây phổ biến ở khu vực miền Trung và Nam của Đài Loan, với diện tích 800 ha, sản lượng hàng năm 15.158 tấn mang về 13,38 triệu USD. Cũng trong năm 2010, thanh long Đài Loan xuất sang Nhật Bản với số lượng gần 100 tấn. Đó là những thông tin mà gần đây báo chí trong và ngoài nước đề cập.
Nhìn lại cách trồng và xuất khẩu thanh long tại Bình Thuận vẫn còn khá bấp bênh. Theo các công ty xuất khẩu thanh long, mặt hàng này vẫn chưa vượt qua hàng rào vệ sinh an toàn thực phẩm đối với những thị trường tương đối khắt khe như châu Âu, châu Mỹ, Nhật…
Khoảng 80% sản lượng thanh long xuất sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch, có nhiều rủi ro cho người trồng, đặc biệt về giá thành. Các nhà vườn chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng thanh long trong quá trình sản xuất; chưa tuân thủ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, công nghệ bảo quản sau thu hoạch.
Bên cạnh đó, khá nhiều nông dân trồng thanh long trên đất lúa, vốn dĩ đất lúa thấp, độ ẩm cao, không đánh liếp cao trước khi xuống giống. Đặc biệt mùa mưa dễ bị ứ nước ở gốc, nếu không thoát kịp. Các nhà vườn trồng theo kiểu truyền thống, giữ lại quá nhiều cành, nhiều lớp tạo sự ẩm thấp.
Chính sự ẩm thấp tạo điều kiện ủ bệnh và sâu bệnh phá hoại. Cụ thể, mùa mưa năm 2014, bệnh đốm trắng hoành hành trên khắp các nhà vườn thanh long tại Bình Thuận, Long An, Tiền Giang, gây thiệt hại lớn cho người trồng vì chưa có thuốc đặc trị.
Trước tình hình dịch bệnh trên cây thanh long, Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam đưa ra quy trình “Quản lý bệnh đốm trắng trên thanh long tạm thời” như sau: Bệnh chủ yếu xuất hiện và tấn công vào mùa mưa, nhiệt độ 30 - 35oC và độ ẩm cao tạo điều kiện cho nấm phát triển và lây lan nhanh. Bệnh thường tồn tại trong đất, tán cây, xác bã thực vật có trong vườn hoặc trên cành, trái bị bệnh mà chưa được tiêu hủy, có thể lây lan qua gió, mưa bão, nguồn nước và dụng cụ cắt tỉa…
Người trồng cần vệ sinh vườn, tạo thông thoáng cho vườn: cắt tỉa cành bệnh, trái bệnh, thu gom tập trung lại một chỗ, đào hố, dùng vôi để xử lý. Không vứt cành bệnh, trái bệnh xuống mương, rạch hoặc trong vườn. Quản lý chặt nguồn nước như đánh rãnh thoát nước, không để ứ đọng nước trong vườn.
Sau khi thu hoạch quả cuối vụ, cắt tỉa cành nhiễm bệnh, cành vô hiệu để tạo điều kiện thông thoáng và có thể phun ướt đều khử trùng toàn bộ tán cây bằng nhóm thuốc trừ nấm phổ rộng (gốc đồng…). Với những vườn cây lâu năm, ít cắt tỉa và nhiễm bệnh nặng cần phải phun thuốc thật kỹ phía bên trong tán.
Cần vệ sinh dụng cụ, quần áo bảo hộ lao động trước, trong và sau khi sử dụng. Đặc biệt, khử trùng các dụng cụ cắt tỉa như kéo cắt cành, liềm… bằng dung dịch khử trùng (cồn 70o) khi phải cắt tỉa từ cây bị nhiễm bệnh sang cây khỏe.
Khi bệnh mới xuất hiện, tiến hành phun thuốc sớm, phun luân phiên các loại thuốc chứa hoạt chất Mancozeb, Carbendazim + Hexaconazole, Propiconazole 7 - 10 ngày/lần tùy vào điều kiện thời tiết, phun ướt đều toàn tán cây, kể cả những cành phía bên trong tán. Chú ý phun kết hợp với chất hỗ trợ bám dính (Siloxane Alkoxylate, Latex polymer blend, Siloxanepolyal kyleneoxide) theo liều lượng khuyến cáo của nhà sản xuất nhằm giúp thuốc lan tỏa tốt, gia tăng hiệu quả sử dụng thuốc.
Related news
Theo Sở NN-PTNT, niên vụ sắn 2014-2015, toàn tỉnh đã trồng mới 10.570ha, giảm 20% diện tích so với cùng kỳ. Các nhà máy chế biến tinh bột sắn đã đưa vào trồng các giống mới như KM149, KM98-5, KM140… Tuy nhiên, nông dân vẫn trồng giống sắn cũ nên đã bùng phát bệnh chổi rồng.
Hằng năm, cứ vào thời điểm giao mùa cũng là lúc tôm chết hàng loạt. Năm nay cũng vậy, dù mới xuất hiện những cơn mưa đầu mùa, nhưng diện tích tôm nuôi bị thiệt hại ở Bạc Liêu đã lên đến hơn 4.820ha.
Ngày 30-5, ông Lê Sỹ Quý, Phó phòng NN-PTNT huyện Chư Sê, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (tỉnh Gia Lai) cho biết, giá hạt tiêu Chư Sê bán ra hiện đang ở mức xấp xỉ 150.000 đồng/kg.
Năm 2013, việc nuôi trồng thủy sản (NTTS) ở các địa phương trong tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã gặt hái được kết quả khả quan. Chỉ tiêu đặt ra cho NTTS năm 2014 không chỉ là nâng cao sản lượng, mà chất lượng sản phẩm còn phải đạt được các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu.
Cánh đồng xóm Khoang, Vỏ, Bọ, xã Phúc Tuy, huyện Lạc Sơn (Hoà Bình) trải dài màu xanh xám của ngô đến kỳ thu hoạch. Cây tốt, bắp đều, râu ngô nâu dài phất phơ. Chỉ có điều tước vỏ chẳng thấy hạt đâu.