Lại Đổ Vốn Vào Nuôi Heo
Hơn 1 năm nay, giá heo đứng ở mức cao, nhiều người chăn nuôi mạnh dạn đổ vốn vào đầu tư. Trong đó, chăn nuôi theo quy mô trang trại phát triển mạnh.
Theo một số chủ doanh nghiệp (DN), trang trại, hiện nhiều DN, trang trại chăn nuôi đang chuyển hướng từ làm gia công cho các doanh nghiệp FDI sang tự chủ, thành đối tác làm ăn với họ. Các chủ DN, trang trại ngày càng quan tâm xây dựng chuỗi trong chăn nuôi nhằm tăng sức cạnh tranh.
* Nuôi heo được mùa
Nhờ giá bán heo liên tục đứng ở mức cao sau mấy năm rớt giá, nuôi heo đang đạt lợi nhuận tốt nên từ chủ DN cho đến trang trại, hộ nông dân yên tâm đầu tư vốn mở rộng sản xuất. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, tính đến cuối tháng 6-2014, tổng đàn heo của tỉnh đạt gần 1,4 triệu con, tăng khoảng 100 ngàn con so với đầu năm.
Ông Bùi Đình Bưởi, Trưởng phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Thống Nhất, nhận xét: “Nhờ thuận lợi về thị trường, giá cả nên người chăn nuôi đang tiếp tục bung ra đầu tư. Tỷ lệ chăn nuôi hộ nhỏ lẻ đang thu hẹp dần để nhường sân cho trang trại phát triển. Cách đầu tư vào chăn nuôi của khối tư nhân hiện nay rất bài bản, họ mạnh về vốn, phát triển theo quy mô trang trại lớn; ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới từ khâu xây dựng chuồng trại đến con giống, kỹ thuật chăn nuôi”.
Đại diện của HTX Xuân Phú (huyện Xuân Lộc) cho biết: “Tình hình nuôi heo đã bắt đầu khởi sắc từ đầu năm 2014 và vẫn đang tiếp tục “nóng” về mở rộng đầu tư. Từ đầu năm đến nay, lượng heo giống HTX cung cấp ra thị trường tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Lĩnh vực kinh doanh thức ăn chăn nuôi cũng tăng trưởng tốt”.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, vui vẻ thông báo: “Trong 2 tháng hoạt động, Hợp tác xã (HTX) dịch vụ chăn nuôi Đồng Hiệp (huyện Thống Nhất) đã đạt hơn 10 tỷ đồng doanh thu bán các sản phẩm, chủ yếu từ heo. HTX đã ký được những hợp đồng cung cấp hàng trực tiếp đến DN với khoảng 200 con/ngày. Con số này còn tăng cao trong thời gian tới”.
* Manh nha xây dựng chuỗi
Ông Vũ Như Ý, Giám đốc Công ty TNHH Minh Ý (TP.Biên Hòa), chia sẻ hiện trung bình mỗi năm DN đầu tư thêm 2 trang trại chăn nuôi heo với số lượng hàng ngàn heo nái. Nhưng theo ông Ý, không nên đầu tư chăn nuôi theo phong trào mà cần xây dựng một kế hoạch dài hạn, vì chờ giá heo tăng cao mới ào ạt tăng đàn thì dễ rơi vào cảnh “được mùa, mất giá”.
Giai đoạn này, nhiều nhà đầu tư chuyên xây dựng trang trại cho thuê hoặc nuôi gia công cho các công ty nước ngoài đang chuyển sang tự đầu tư vào chăn nuôi theo chuỗi khép kín. Đây đang là hướng đi của Minh Ý và hiện DN đã chủ động được về nguồn vốn, tự sản xuất con giống, liên kết để chủ động được nguồn thức ăn chăn nuôi.
”Nhờ đó, DN đã tạo được lợi thế để đàm phán bình đẳng với các đối tác làm ăn. Hiện các nước đang tìm cơ hội đầu tư vào ngành chăn nuôi của Việt Nam nên cả DN và nông dân đều có thêm nhiều lựa chọn hợp tác. Trong đó, tôi thấy mô hình liên kết với nông dân phát triển chăn nuôi của DN Nhật Bản đang triển khai ở Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều ưu thế mà nông dân mình có thể tìm hiểu” - ông Ý nói.
Việc xây dựng chuỗi khép kín để tăng sức cạnh tranh trong chăn nuôi không còn là thế mạnh riêng của các tập đoàn nước ngoài mà nhiều DN tư nhân trong nước, thậm chí nông dân cũng có thể liên kết để thực hiện.
Ông Nguyễn Trí Công dẫn chứng: “HTX dịch vụ chăn nuôi Đồng Hiệp đã bước đầu thực hiện được chuỗi chăn nuôi theo mô hình khép kín với khoảng 50 chủ trang trại cùng liên kết sản xuất, tạo ra sản phẩm thịt sạch cung cấp cho thị trường. HTX là cầu nối liên kết với DN cung cấp giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, bao tiêu sản phẩm cho nông dân”.
Related news
Ưu điểm của đệm lót sinh học (ĐLSH) là khử mùi phân, tiết kiệm công rửa chuồng; lợn, gà nhanh lớn, hạn chế bệnh tật... Không chỉ vậy, việc áp dụng ĐLSH ở xã Vũ Bản (Bình Lục, Hà Nam) đã giải “bài toán” các hộ kiện cáo, đánh chửi nhau vì ô nhiễm môi trường.
Được triển khai thực hiện trong năm 2012, mô hình nuôi cá hệ VAC tại 2 xã Chiềng Sinh và Nà Sáy, huyện Tuần Giáo do Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện chủ trì thực hiện được các cơ quan chức năng đánh giá đem lại hiệu quả kinh tế cao, là cơ hội giúp bà con thay đổi cơ cấu vật nuôi, phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo.
Những ngày này, đến vùng nuôi tôm công nghiệp của xã Giao Phong (Giao Thủy - Nam Định) thấy ai cũng phấn chấn, hồ hởi. Bởi vụ tôm xuân hè năm nay mặc dù gặp khó khăn đầu vụ do dịch bệnh, nhưng nhiều hộ nuôi tôm thẻ chân trắng vẫn được mùa, được giá.
Anh Bá Khánh, thôn Như Bình, xã Phước Thái (Ninh Phước - Ninh Thuận) là nông dân đầu tiên trong xã nuôi cừu vỗ béo đạt hiệu quả kinh tế.
Nông dân trong huyện Long Mỹ (Hậu Giang) đã thu hoạch hơn 16.500ha lúa Hè thu, năng suất trung bình hơn 6,3 tấn/ha. Thời tiết nắng nhiều trong những ngày gần đây giúp việc thu hoạch lúa của bà con thuận lợi; đồng thời thương lái thu mua lúa hàng hóa xuất hiện nhiều và sẵn sàng đặt cọc trước đối với những ruộng đang trổ chín với giá cao hơn trước đó.