Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Về Rốn Lũ Săn Cá Đồng

Về Rốn Lũ Săn Cá Đồng
Publish date: Thursday. October 16th, 2014

Nằm giữa vùng Đồng Tháp Mười trù phú, nổi tiếng xa gần với các đặc sản mùa nước nổi, chợ cá đồng Trường Xuân, huyện Tháp Mười là một địa điểm thú vị không những thu hút cư dân bản địa mà đây còn là điểm đến hấp dẫn đối với những ai có ý định săn đặc sản đồng quê vào mùa nước ở Đồng Tháp.

Chợ Trường Xuân có vị trí khá thuận lợi, ở nơi giao nhau giữa đường ĐT 844 và ĐT 845, là nút giao thông đường thủy tập hợp bởi 4 con kênh gồm kênh Phước Xuyên, kênh Dương Văn Dương (đi Long An), kinh Tư Mới (đi Tiền Giang) và kinh Long An (đi Tam Nông).

Nằm ở vùng “rốn lũ” của vùng Đồng Tháp Mười có nhiều tôm cá nên từ lâu nơi đây trở thành địa điểm lý tưởng cho dân đánh bắt cá và thu mua cá đồng từ khắp nơi về mưu sinh, nhất là vào mùa nước nổi.

Chợ cá đồng Trường Xuân hoạt động kinh doanh quanh năm nhưng thời điểm sôi động nhất là khi mùa lũ tràn về. Điểm đặc biệt của chợ cá Trường Xuân khi mùa lũ về là chợ nhóm hợp cả ngày lẫn đêm, buổi tối bắt đầu từ 1 giờ khuya đến khoảng 7 giờ sáng rồi thưa dần, sau đó đến khoảng 2 giờ chiều chợ nhóm lại và nhộn nhịp đến 6 giờ tối.

Chợ nhóm khuya chủ yếu là mua bán mặt hàng cá linh. Cá linh được ngư dân chuyển đến các vựa cá, rồi sau đó các chủ vựa chuyển lên xe tải đến các chợ đầu mối phân phối cho bạn hàng kịp buổi chợ sáng. Riêng các loại cá khác thì được thu mua lúc chợ chiều.

Chợ cá đồng Trường Xuân không những nổi tiếng về sự đa dạng chủng loại, mà sản lượng cũng thuộc dạng “khủng” khó chợ nào ở miền Tây sánh kịp. Trung bình khoảng 30 vựa cá lớn nhỏ của chợ Trường Xuân có thể xuất bán 5 – 6 tấn cá, tôm các loại/ngày.

Nhờ tập trung được sản lượng lớn nên so với nhiều chợ khác thì giá cá, tôm, cua đồng ở chợ Trường Xuân khá mềm. Vì vậy, chợ cá đồng Trường Xuân đã thu hút được thương lái từ nhiều địa bàn đến hoạt động mua bán, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Những năm gần đây, nhờ có các máy ôxi mà cá của vùng Đồng Tháp Mười không những được vận chuyển đến các tỉnh lân cận trong khu vực mà ngay cả TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... cá đồng miền Tây tươi ngon cũng có mặt.

Ngoài nổi tiếng với các đặc sản cá đồng tươi ngon như cá: lóc, trê, rô, sặc, trèn, cá linh, cá heo, cá chạch... thì chợ Trường Xuân còn là địa điểm tập kết của các loại đặc sản đồng quê mùa nước nổi như: chuột, rắn, ếch, cua đồng...

Trung bình 1 ngày chợ xuất đi trên 1 tấn cua đồng các loại đến các tỉnh: Vĩnh Long, Bến Tre, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh... Năm nay, giá cua đồng cũng tương đối cao so với năm trước, trung bình từ 9 - 10 ngàn đồng/kg. Vì vậy, thu nhập của bà con ngư dân tăng thêm.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều bà con, năm nay lũ về không lớn như mọi năm nên sản lượng cá cũng giảm hẳn. Anh Huỳnh Văn Lớn ngụ xã Hậu Thạnh Tây, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An tâm sự: “Năm nay, nước không lớn nên cá cũng ít. Nhưng bù lại, giá cá năm nay cao hơn mọi năm nên cũng kiếm sống được”.

Ngư dân ở đây không chỉ là người dân bản địa mà là sự hòa hợp của cư dân từ nhiều tỉnh đến nơi này hoạt động khai thác đánh bắt cá.

Nhằm tạo điều kiện giúp bà con ngư cụ, ghe xuồng đánh bắt mưu sinh trong mùa lũ, các chủ vựa cá nơi đây đã cho bà con làm nghề câu lưới mượn vốn không tính lãi để mua sắm ngư cụ. Tùy theo nhu cầu của các hộ làm nghề câu lưới mà các chủ vựa cho mượn từ 1 triệu đến 10 triệu đồng, sau đó sẽ trừ dần vào tiền bán cá cho các chủ vựa.

Anh Nguyễn Hùng Cường - chủ vựa cá tại chợ cá Trường Xuân cho biết: “Việc hỗ trợ không những giúp những hộ có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện phát triển nghề mà nó còn là hoạt động giúp cho cả đôi bên cùng có lợi. Chúng tôi đầu tư cho những hộ dân có uy tín để có nguồn hàng ổn định”.


Related news

Nuôi Cá Kèo Tăng Thu Nhập Bền Vững Ở Lương Thế Trân Nuôi Cá Kèo Tăng Thu Nhập Bền Vững Ở Lương Thế Trân

Nuôi cá kèo là mô hình kinh tế được người dân xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước (Cà Mau) áp dụng từ vài năm trở lại đây. Theo ông Nguyễn Văn Hai - Phó Chủ tịch UBND xã, đây là mô hình sản xuất hiệu quả, ít rủi ro, tăng thu nhập bền vững, địa phương đang khuyến khích bà con nhân rộng.

Monday. August 27th, 2012
Cà Chua “Siêu Ngọt” Cà Chua “Siêu Ngọt”

Sau hơn nửa năm mày mò nghiên cứu, tìm mua giống trồng thử nghiệm, anh Vũ Nhuần ở Vạn Kiếp, phường 8, Đà Lạt đã thành công và bắt đầu thu lợi từ cây cà chua “siêu ngọt”.

Monday. August 27th, 2012
Thành Triệu Phú Nhờ Chăn Nuôi Giỏi Thành Triệu Phú Nhờ Chăn Nuôi Giỏi

Là người có ý chí vượt khó, ham học hỏi, dám nghĩ dám làm, anh Lê Thế Tĩnh (30 tuổi), ở thôn 3, xã Định Hải, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa), mỗi năm thu nhập vài trăm triệu đồng từ mô hình chăn nuôi.

Monday. August 27th, 2012
Làm Giàu Từ Nuôi Vịt Làm Giàu Từ Nuôi Vịt

Từ khi tiếp cận được với mô hình nuôi vịt bãi, cuộc sống của nhiều hộ gia đình sống dọc hai bên bờ đê Hữu Hồng (thuộc xã Duyên Hà và Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội) đã khấm khá hơn. Không ít hộ có thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm.

Tuesday. August 28th, 2012
Hiệu Quả Bước Đầu Từ Mô Hình Trồng Cây Măng Tây Xanh Hiệu Quả Bước Đầu Từ Mô Hình Trồng Cây Măng Tây Xanh

Gần 2 ha măng tây xanh của các gia đình ở thôn 6, xã Tiến Nông (Triệu Sơn - Thanh Hóa) bắt đầu cho thu hoạch.

Wednesday. August 29th, 2012