Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Vay vốn theo nghị định 67 còn nhiều rào cản

Vay vốn theo nghị định 67 còn nhiều rào cản
Publish date: Tuesday. September 1st, 2015

Sau hơn một năm triển khai thực hiện Nghị định 67, đến nay tại Quảng Ngãi đã có nhiều ngư dân được giải ngân để đóng tàu vươn khơi theo Nghị định 67, tuy nhiên con số này vẫn còn quá khiêm tốn so với nhu cầu của ngư dân.

Những chiếc tàu 67 đầu tiên 

Sau một thời gian dài làm các thủ tục vay vốn, điều chỉnh, cuối cùng ngư dân Võ Văn Hân, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn mới tiếp cận được nguồn vốn vay từ Ngân hàng Vietcombank Quảng Ngãi để tiến hành đóng mới tàu vỏ thép vươn khơi. Đây là chiếc tàu vỏ thép đầu tiên của ngư dân Quảng Ngãi được vay theo Nghị định 67 Chiếc tàu vỏ thép của ngư dân Võ Văn Hân có tổng trị giá lên tới 14 tỷ đồng, trong đó Vietcombank Quảng Ngãi cho vay với  tổng số tiền trên 13,2 tỷ đồng, chiếm 95% tổng giá trị con tàu.

Thời gian cho vay là 11 năm (không trả nợ gốc trong năm đầu tiên), với lãi suất cho vay 7%/năm, trong đó ngư dân trả 1%, nhà nước hỗ trợ 6%.  Tàu vỏ thép được đóng mới của ngư dân Võ Văn Hân là loại tàu lưới rê, chiều dài gần 28m, rộng 7,1m, trọng tải 214 tấn, máy nhập khẩu của Nhật Bản có công suất 811 mã lực. Đây được xem là tàu vỏ thép hiện đại, đáp ứng nhu cầu đánh bắt dài ngày trên biển.

Theo ngư dân Võ Văn Hân, sau khi Chính phủ có chủ trương cho vay vốn đóng mới tàu đánh bắt xa bờ thì ông đã đăng ký và được UBND tỉnh Quảng Ngãi xét chọn đủ điều kiện vay vốn đợt 1 theo đúng tinh thần Nghị định 67. Ông đã lặn lội ra Bắc vào Nam tham quan các xưởng đóng tàu, tìm hiểu mẫu tàu phù hợp, tuy nhiên sau đó việc vay vốn của ông cũng gặp không ít khó khăn bởi các thủ tục... nhưng rồi cuối cùng sau gần cả năm kiên trì, thì ông cũng được ngân hàng chấp thuận ký hợp đồng tín dụng và giải ngân vốn. Có lẽ ông là một trong rất ít những ngư dân được may mắn tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng. 

Trước đó, con tàu QNg 98919 TS của ngư dân Nguyễn Sáu, thôn Thạch Bi 1, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ cũng đã hạ thủy sau 3 tháng đóng mới tại HTX tàu thuyền Viễn Đông – Sa Huỳnh và vươn khơi đánh bắt dài ngày trên biển. Đây là con tàu vỏ gỗ đầu tiên được đóng mới theo Nghị định 67.Tàu QNg 98919TS của ngư dân Nguyễn Sáu được đóng mới có chiều dài 22m, rộng 6,8m và chiều cao 3,5m, với công suất 765 CV, tổng giá trị lên đến 6,3 tỷ đồng.

Theo đó, ngân hàng Agribank Quảng Ngãi cho vay  4,4 tỷ đồng, còn lại vốn đối ứng của gia đình.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, toàn tỉnh đã có 79 chủ tàu được UBND tỉnh xét duyệt đủ điều kiện vay vốn đóng mới và nâng cấp tàu theo Nghị định 67 (73 tàu đóng mới, 6 tàu nâng cấp).

Trong đó, có 11 tàu được các Chi nhánh Ngân hàng Thương mại (NHTM) ký hợp đồng tín dụng và 10 tàu đã được giải ngân, với số tiền 33,248 tỷ đồng; 6 tàu đã khởi công hoặc làm lễ cắt tôn; 7 tàu đã nộp hồ sơ, ngân hàng đang xem xét...

Nhiêu khê, ngư dân xin rút hồ sơ 

Có rất nhiều ngư dân, mặc dù đã được UBND tỉnh xét duyệt đủ điều kiện vay vốn, ngư dân tha thiết đóng mới tàu, tuy nhiên khi qua ngân hàng thì thời gian thẩm định quá lâu, thủ tục quá nhiêu khê nên nhiều ngư dân đã không đợi được nên xin rút hồ sơ không tham gia, nhiều ngư dân đã tự tìm nguồn vốn vay ngoài để đóng tàu vươn khơi đánh bắt.

Như trường hợp của ngư dân Hàn Minh Trọng, ở An Hải, huyện Lý Sơn. Do không đợi được các thủ tục, quy định kéo dài của ngân hàng nên ông đã quyết định rút hồ sơ vay vốn ngân hàng đóng tàu mới theo NĐ 67, đồng thời tìm vốn bên ngoài để đóng tàu mới vỏ gỗ.

Đến nay, tàu ông đã ra khơi được chuyến thứ hai. Theo ông Trọng thì ngoài các thủ tục nhiêu khê, thẩm định kéo dài thì việc bắt buộc ngư dân phải dùng máy mới 100% khiến giá trị tàu cao, trong khi nếu dùng máy cũ vẫn còn chạy tốt thì giá trị con tàu giảm gần 1/3. Điều này giúp cho ngư dân sớm thu hồi vốn.

Ngư dân Bùi Văn Phải, thôn Đông, An Hải, Lý Sơn cũng rơi vào cảnh tương tự. Đây cũng là ngư dân nằm trong sách được vay đóng tàu vỏ thép theo NĐ 67 được UBND tỉnh phê duyệt. Theo hồ sơ, tàu của anh Phải có công suất 800CV, làm nghề vây rút chì, trị giá khoảng 15 tỷ, chưa kể ngư lưới cụ. Do thủ tục thẩm định khó khăn cùng với việc buộc phải lắp máy mới khiến giá thành tăng cao, trong khi mua lại máy cũ, giá thấp, chất lượng vẫn đảm bảo, vì vậy anh quyết định xin rút hồ sơ không vay theo Nghị định 67 nữa.

Cũng theo các ngư dân, ngoài các quy định về máy móc, ngư lưới cụ, mẫu tàu, bảo hiểm... thì việc mập mờ câu chuyện hoàn thuế giá trị gia tăng cũng khiến họ nản lòng. Đến nay, chưa thấy ai, cơ quan nào giải thích cho ngư dân hiểu có hay không được hoàn 10% thuế giá trị gia tăng của máy móc, trang thiết bị, ngư lưới cụ..

.Theo bà Phạm Thị Hương- Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, thì hiện có rất nhiều ngư dân trong huyện mong muốn được tiếp cận vốn vay theo Nghị định 67, tuy nhiên thời gian qua thủ tục của các ngân hàng quá khó khăn nên nhiều ngư dân đã nãn không tiếp tục vay vốn mà chuyển sang vay bên ngoài để đóng mới. Còn theo lãnh đạo huyện Bình Sơn, thì huyện Bình Sơn có 24 tàu được UBND tỉnh phê duyệt đủ điều kiện đóng mới tàu vỏ thép, vỏ gỗ, vật liệu mới. Tuy nhiên chỉ có 10 chủ tàu tiếp tục tham gia, còn 14 chủ tàu làm đơn xin rút. Điều đáng nói, trong 10 chủ tàu tiếp tục tham gia thì nhiều chủ tàu vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn, bởi ngân hàng thẩm định kéo dài.

Cần gỡ vướng cho Nghị định 67

Có thể nói, việc triển khai Nghị định 67 là một chủ trương của Chính phủ nhằm tạo điều kiện cho ngư dân đóng mới tàu thuyền hiện đại vươn khơi đánh bắt thủy sản... tuy nhiên, thời gian qua, nhiều chủ tàu đã gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại.

Theo ông Phan Huy Hoàng- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ngãi thì, đến thời điểm này tổng số ngư dân xin rút hồ sơ không tham gia vay vốn theo Nghị định 67 là 26 tàu, gồm 19 tàu vỏ gỗ, 5 tàu vỏ thép, 2 tàu composite.Hiện nay tỉnh cũng đang chờ các bộ, ngành triển khai hướng dẫn, thực hiện Nghị quyết 40/NQ-CP ngày 1.6.2015 của Chính phủ thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh tại Hội nghị toàn quốc về triển khai thực hiện Nghị định 67 để sửa đổi, bổ sung chính sách.

Theo ông Phạm Trường Thọ- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, thời gian qua, việc xét duyệt hồ sơ giữa ngân hàng và chủ tàu còn chậm, tiến độ giải ngân vốn vay đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 còn thấp; các ngân hàng vào cuộc chưa đều, riêng Ngân hàng Công Thương (Viettinbank) Quảng Ngãi chưa xem xét, phê duyệt và ký hợp đồng tín dụng cho vay đóng mới tàu nào.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân sớm tiếp cận với nguồn vốn vay trong thời gian sớm nhất, thì các ngân hàng thương mại tiếp tục theo dõi quá trình thực hiện đóng tàu và tiếp tục giải ngân cho các tàu đã cho vay, tạo điều kiện cho chủ tàu đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Đồng thời, tiếp cận với các chủ tàu được vay vốn để tư vấn và tháo gỡ những vướng mắc để hướng dẫn cho ngư dân làm hồ sơ vay vốn. Đối với những hồ sơ đủ điều kiện thì phải khẩn trương cho vay. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ cũng cũng cho rằng, đối với các chủ tàu đã được phê duyệt danh sách cho vay nhưng đề nghị không tham gia chính sách này thì đồng ý cho ra khỏi danh sách; tuy nhiên, đến cuối năm 2016, nếu các chủ tàu này có yêu cầu vay vốn thì tạo điều kiện cho các chủ tàu được vay. Liên quan đến chính sách hoàn thuế theo Nghị định 67, Phó Chủ tịch yêu cầu ngành thuế hướng dẫn và xử lý kịp thời việc hoàn thuế giá trị gia tăng cho chủ tàu; tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Bộ Tài chính những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

 


Related news

Nông Dân Làm Giàu Từ Nuôi Cá Chình Nông Dân Làm Giàu Từ Nuôi Cá Chình

Nhiều nông dân ở huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) chọn nuôi cá chình để phát triển kinh tế. Bởi cá chình dễ nuôi, ít bệnh, không đòi hỏi nhiều công chăm sóc và có thể tận dụng nguồn thức ăn có sẵn... Với giá từ 460.000 - 520.000 đồng/kg, cá chình trở thành loại thủy sản cho giá trị kinh tế cao, đặc biệt là đầu ra tương đối ổn định.

Wednesday. September 18th, 2013
Tiêu Chết Dần, Người Dân Thiệt Hại Nặng Tiêu Chết Dần, Người Dân Thiệt Hại Nặng

Gần đây, nhiều vườn hồ tiêu trên địa bàn Quảng Trị bị chết hàng loạt, thiệt hại lớn về kinh tế và gây tâm lý lo lắng cho người dân.

Tuesday. June 11th, 2013
Đà Lạt Có Cà Rốt Đạt Chuẩn Đà Lạt Có Cà Rốt Đạt Chuẩn

Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng vừa hoàn thiện và chuyển giao “quy trình sản xuất cà rốt đẹp” cho nông dân các khu vực chuyên canh cà rốt như Trại Mát, Xuân Thọ (Đà Lạt) với tổng diện tích gieo trồng khoảng 2.000 ha/năm.

Tuesday. November 13th, 2012
Xây Dựng Mô Hình Nuôi Tôm Theo Tiêu Chuẩn VietGAP Xây Dựng Mô Hình Nuôi Tôm Theo Tiêu Chuẩn VietGAP

Chi cục Thủy sản tỉnh Tiền Giang vừa triển khai thực hiện dự án hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 5 hecta tại hộ nuôi tôm Trần Văn Mừng, ấp Pháo Đài, xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông.

Wednesday. September 18th, 2013
Ngưng Cấp Phép Tận Thu Cát Trong Ao Tôm Ở Trà Vinh Ngưng Cấp Phép Tận Thu Cát Trong Ao Tôm Ở Trà Vinh

Sau khi Báo SGGP có bài phản ánh “Ùn ùn bán đáy ao tôm… trả nợ”, ngày 21-5, UBND huyện Duyên Hải (Trà Vinh) có công văn chỉ đạo ngành chức năng tạm ngưng cấp phép cải tạo ao hồ tận thu cát trên địa bàn 2 xã Dân Thành và Trường Long Hòa, kiểm tra thực tế, báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Friday. May 24th, 2013