Vải xuất đi Australia giảm cạnh tranh vì đắt đỏ và bảo quản kém
Được giá nhưng rớt dần
Trong mùa đầu tiên, có 9 doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất khẩu vải sang Austrlaia. Vải thiều Việt Nam được bán với giá 21-22 AUD/kg (khoảng 340.000-360.000 đồng) trong tuần đầu tiên và giảm xuống 15-16 AUD/kg (khoảng 240.000-260.000 đồng) vào các tuần tiếp theo khi lượng hàng trong nước được chuyển sang nhiều.
Vải Việt Nam đa phần đã đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường Australia về kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, theo Thương vụ Việt Nam tại Australia, trong năm đầu tiên, vải Việt Nam gặp hai khó khăn chính là giá và chất lượng.
Cụ thể, giá vải Việt Nam cao hơn vải của Australia, Thái Lan và Trung Quốc do khu vực trồng vải xuất khẩu nằm ở phía Bắc trong khi cơ sở đóng gói và chiếu xạ được công nhận nằm ở phía Nam làm tăng chi phí vận chuyển.
Bên cạnh đó, giá chiếu xạ và vận chuyển bằng hàng không của Việt Nam cao hơn so với các nước đối thủ cạnh tranh; khâu thu hái, xử lý, bảo quản, vận chuyển chưa chuẩn, do vậy hầu hết các lô hàng đều vướng kiểm dịch tại Australia. Nhiều lô hàng bị giữ lại vài ngày để xử lý dẫn đến chi phí lưu kho, lưu bãi, kiểm dịch bị đội lên.
Về chất lượng, bảo quản vẫn là điểm yếu nhất của vải Việt Nam. Một số lô hàng sang tới Australia bị hỏng rất nhiều và phải bán dưới giá thành để thu hồi vốn.
Một số lô hàng khác bị kiểm dịch giữ lại với lỗi không đáng có như có sâu to, dính quả non, cuống chưa được cắt sát và sót lại lá cây. Khi bị phát hiện, toàn bộ lô hàng sẽ bị dỡ ra và doanh nghiệp phải xử lý lại dẫn đến phát sinh chi phí lưu kho, nhân công, lỡ ngày chợ đầu mối, chất lượng giảm và không bán được giá cao.
Sớm khắc phục điểm yếu
Thương vụ Việt Nam tại Australia khuyến cáo, để có chỗ đứng trên thị trường Australia, Việt Nam phải khắc phục được các điểm yếu này.
Cụ thể, Việt Nam cần xem xét việc đầu tư kho lạnh, cơ sở đóng gói và cơ sở chiếu xạ đủ tiêu chuẩn tại vùng trồng để giảm chi phí cho doanh nghiệp. Ngành Hàng không Việt Nam cũng cần có chính sách giảm cước vận chuyển hoặc doanh nghiệp phải tính phương án vận chuyển bằng đường biển để giảm chi phí.
Đối với cơ quan chức năng, việc cần làm là hướng dẫn nông dân tuân thủ các quy định của các nhà nhập khẩu (ví dụ như cắt sát, kiểm tra từng quả để phát hiện sâu trước khi đóng thùng, kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu trước khi thu hái…).
Dễ thấy, không có cơ sở chiếu xạ tại miền Bắc khiến vải thu hoạch phải vận chuyển vào miền Nam chiếu xạ là một trong những nguyên do quan trọng khiến vải Việt xuất khẩu bị đội giá.
Đánh giá được tầm quan trọng của vấn đề này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp, triển khai đầu tư, nâng cấp cơ sở chiếu xạ đầu tiên của miền Bắc - Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội thuộc Viện Năng lượng nguyên tử quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ).
Tổng nguồn vốn để mua sắm thiết bị, nâng cấp nguồn, dây chuyền và sửa chữa, xây dựng cho khu chiếu xạ này khoảng 30 tỷ đồng. Hiện nay, phần thiết bị đã sẵn sàng, chỉ còn thiếu 9 tỷ đồng để xây dựng và sửa chữa kho.
Tuy nhiên, đến nay, Bộ Khoa học và Công nghệ vẫn chưa bố trí kinh phí cho Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội để xây dựng, sửa chữa kho lạnh nên việc triển khai trên thực tế đang bị đánh giá là chậm.
Tại buổi kiểm tra Trung tâm Chiếu xạ mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát khẳng định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ bàn bạc, giải quyết sớm nguồn vốn để Trung tâm thực hiện nhiệm vụ đặt ra, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của các doanh nghiệp cũng như bà còn nông dân trồng vải, nhãn ở các địa phương miền Bắc.
Dự kiến, khi Trung tâm chiếu xạ tại miền Bắc được đưa vào vận hành, dây chuyền chiếu xạ này có khả năng xử lý 20-30 tấn vải, nhãn/ngày, góp phần quan trọng vào việc đẩy mạnh xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang những thị trường “khó tính” như Australia, Mỹ...
Related news
Trong khi tình trạng dịch bệnh trên tôm nuôi chưa được khống chế, nhất là bệnh gan tuỵ, nông dân luôn mong chờ nguồn tôm giống đạt chất lượng để giảm mức thấp nhất rủi ro trong quá trình nuôi.
Có mặt tại Trại cá Hòa Sơn (Trung tâm Thủy sản) vào ngày đầu tháng 4, chúng tôi thấy có khá nhiều người dân trong và ngoài tỉnh đến mua cá giống. Anh Hoàng Văn Quách, một khách hàng ở tận xã Huyền Tụng, thị xã Bắc Kạn (Bắc Kạn) đợi mua cá giống từ sáng sớm cho biết: Tôi đầu tư chăn nuôi cá được 7 năm thì có đến 5 năm mua con giống ở đây về nuôi.
Nói đến mô hình nuôi cá lóc, người dân xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa (Long An), đều biết đến anh Trần Văn Ẩn, ở ấp Bình Tây 1. Anh Ẩn là người đầu tiên áp dụng mô hình nuôi cá lóc trong vèo lưới và được nhiều người dân trong xã học tập và nhân rộng để tăng thu nhập.
Ngày 15/4/2014 tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn long trọng tổ chức buổi lễ ra mắt lực lượng kiểm ngư Việt Nam.
Trước tình trạng cá chết hàng loạt trên sông Chà Và gây nhiều thiệt hại cho các hộ nuôi cá lồng bè, ngày 10-4, Thường trực HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức cuộc họp với các sở, ngành để đánh giá thực trạng về tình hình thực hiện quy hoạch nuôi trồng thủy sản, khai thác cát trái phép và vấn đề ô nhiễm môi trường trên sông Chà Và.Cuộc họp đã đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất, giải pháp khắc phục, xử lý nhưng vẫn còn nhiều băn khoăn.