Ưu Tiên Nông Sản Thực Phẩm An Toàn
Ngày nay, sức khỏe luôn là vấn đề được quan tâm và đặt lên hàng đầu. Việt Nam nói riêng và cộng đồng thế giới nói chung luôn quan tâm và có nhu cầu tiêu thụ những thực phẩm an toàn, chất lượng, đảm bảo sức khỏe và đạt những tiêu chuẩn nhất định.
Từ năm 1997, Tổ chức các nhà bán lẻ Châu Âu đã đề ra tiêu chuẩn trong sản xuất và cung ứng các sản phẩm nông nghiệp an toàn gọi tắt là GAP (Good Agriculture Practice) nhằm đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng.
Từ năm 2008, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành tiêu chuẩn VietGAP áp dụng trên các loại nông thủy sản Việt Nam. Ngành nông nghiệp Đồng Tháp cũng từng bước triển khai áp dụng cho người nông dân thực hành sản xuất theo tiêu chuẩn GAP để tiến đến tiêu chuẩn GlobalGAP và một số tiêu chuẩn bắt buộc khác của các nhà nhập khẩu.
Hiện tại, chất lượng nông sản thô và chế biến của Việt Nam cũng đạt được một số tiêu chuẩn nhất định, được các nhà tiêu thụ trong và ngoài nước chấp nhận. Tuy nhiên vẫn còn không ít những sản phẩm nông sản chưa đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Nguyên nhân là do không đảm bảo an toàn về chất lượng cho người sử dụng vì chứa nhiều chất cấm sử dụng trong sản xuất chế biến như: chất kích thích tăng trưởng, hóa chất độc hại, chất biến đổi gen, chất phụ gia,... Hệ lụy là trong nước, tình trạng ngộ độc thực phẩm ở một số bếp ăn tập thể, nhà hàng càng diễn ra phức tạp.
Đối với thị trường nước ngoài, một số lô hàng xuất khẩu bị phía đối tác kiểm tra phát hiện không đảm bảo chất lượng bị trả về Việt Nam. Vì vậy, vấn đề quan tâm đối với các ngành chức năng hiện nay là phải làm gì để những nông sản thực phẩm làm ra đạt được tiêu chuẩn nhất định có thể thâm nhập vào các kênh tiêu thụ hiện đại trong nước và xuất khẩu một cách dễ dàng?
Trong nền kinh tế thị trường, sản xuất phải theo nhu cầu của thị trường, thị trường luôn có nhu cầu với những sản phẩm có chất lượng, đặc biệt là mặt hàng nông sản thực phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Trong giai đoạn hội nhập, cạnh tranh ngày càng gay gắt hiện nay, chúng ta không thể cạnh tranh về giá mà không quan tâm đến chất lượng. Như phân tích ở trên, nông sản thực phẩm an toàn luôn được người tiêu dùng trong và ngoài nước chấp nhận.
Đối với thị trường trong nước, qua khảo sát cho thấy các siêu thị lớn như Co.op mart, BigC, Satra, Maximax, Hapro... luôn có nhu cầu và quan tâm đến những nhà sản xuất nông sản thực phẩm, đảm bảo chất lượng đạt những tiêu chuẩn nhất định để thiết lập các kênh phân phối tiêu thụ lâu dài gắn với thương hiệu, không những thương hiệu cho nhà sản xuất mà còn là thương hiệu cho các nhà phân phối, bán buôn, bán lẻ.
Đối với thị trường ngoài nước, vì muốn đảm bảo an toàn cho sức khỏe người dân của quốc gia nên họ đưa ra nhiều tiêu chuẩn bắt buộc, các nhà xuất khẩu muốn hàng hóa của mình vào quốc gia đó phải tuân thủ các tiêu chuẩn theo quy định.
Từ năm 1994 trở về trước, các quốc gia tham gia Hiệp định thuế quan và thương mại - GATT đã dùng các loại rào cản như: thuế, hạn ngạch (Quota),... để bảo hộ nền sản xuất trong nước thì nay trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, các loại rào cản hạn ngạch, rào cản thuế quan đã bị dỡ bỏ nhưng rào cản TBT (technical barriers to trade), rào cản SPS (sanitary and phytosanitary Measure) và các nhóm rào cản khác như: Chống trợ cấp Chính phủ, chống bán phá giá... không những bị mất đi, mà ngược lại được phép tồn tại nhằm đảm bảo sản phẩm trao đổi giữa các quốc gia có chất lượng tốt, an toàn....
Mục tiêu cốt lõi là bảo vệ cuộc sống, sức khỏe con người thông qua việc đảm bảo an toàn thực phẩm và ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Cụ thể đối với thị trường Châu Âu, Hệ thống siêu thị Châu Âu đang đòi hỏi các nhà cung cấp nông sản thực phẩm phải có chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm như GLOBALGAP, BRC, HACCP, IFS, ASC..; thị trường Mỹ: SQF, BAP...; thị trường Châu Á: GLOBALGAP, Halal...
Sản xuất luôn theo nhu cầu của thị trường, thị trường càng khó tính, đòi hỏi nhà sản xuất cần phải thay đổi và điều chỉnh quy trình sản xuất chế biến để đáp ứng theo nhu cầu.
Để các nhà sản xuất chế biến nông sản thực phẩm trong nước nói chung và Đồng Tháp nói riêng sản xuất đúng hướng, các ngành chức năng cần tập trung nghiên cứu một số vấn đề liên quan. Cụ thể, cần quy hoạch và triển khai quy hoạch vùng trồng, nuôi tập trung theo hướng GAP đối với những mặt hàng nông thủy sản đặc thù của tỉnh phù hợp với yêu cầu thị trường.
Nghiên cứu, ứng dụng và triển khai các loại giống cây, con phù hợp với thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng, đảm bảo độ đồng đều, chất lượng sản phẩm theo yêu cầu thị trường, giảm giá thành để nâng tính cạnh tranh; tổng hợp, xử lý, dự báo thông tin thị trường giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất định hướng sản xuất và thị trường tiêu thụ.
Quảng bá rộng rãi trên các kênh thông tin trong và ngoài nước về các mô hình sản xuất đạt tiêu chuẩn GAP và các tiêu chuẩn khác; nghiên cứu, ứng dụng và triển khai công nghệ chế biến nông sản, công nghệ bảo quản sau thu hoạch để giảm tỷ lệ hao hụt cho nông, thủy sản; đảm bảo chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký, duy trì, phát triển nhãn hiệu, thương hiệu ở thị trường trong và ngoài nước; hỗ trợ kinh phí cho hộ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp thực hiện sản xuất chế biến theo GAP và một số tiêu chuẩn khác; tổ chức tốt và nhân rộng mô hình liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ đối với các mặt hàng nông sản thực phẩm để khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ không đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ngoài ra, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm đối với những hành vi vi phạm về sản xuất không đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, đưa ra thị trường tiêu thụ những sản phẩm không an toàn ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng...
Nguồn bài viết: http://baodongthap.com.vn/newsdetails/1D3FE187D6D/Uu_tien_nong_san_thuc_pham_an_toan.aspx
Related news
Hơn nữa, với những cách làm như hiện nay, cộng với khó khăn trong nuôi trồng, khiến nông dân càng được hỗ trợ thì gánh nặng nợ nần càng tăng.
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng và xây dựng cánh đồng mẫu lớn của tỉnh, nhiều địa phương đã thực hiện dồn điền, đổi thửa, xây dựng các khu sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh. Cùng với đó là chuyển đổi những diện tích đất sản xuất nông nghiệp kém năng suất sang trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao.
Thông qua hướng dẫn, chuyển giao công nghệ của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (thuộc Sở KHCN), một số hộ nông dân đã sản xuất thành công chế phẩm nấm ký sinh Metarhizium sp. phòng trừ rầy nâu hại lúa, góp phần tăng năng suất, lợi nhuận, giảm thiểu ô nhiễm môi trường…
Chiều 9-6, UBND TP HCM làm việc với các sở ngành, hiệp hội doanh nghiệp (DN) nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xuất nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất.
Theo số liệu thống kê năm 2012, diện tích trồng ngô tại các tỉnh Tây Bắc đạt 278.800ha, chiếm tới 25% diện tích trồng ngô của cả nước. Tuy nhiên, năng suất ngô ở vùng này cũng chỉ đạt 3,2 tấn/ha, thấp hơn hẳn so với năng suất bình quân cả nước.