Triển Vọng Mở Rộng Diện Tích Địa Hoàng Tại Bắc Giang
Địa hoàng (sinh địa) là dược liệu được trồng tại Bắc Giang từ nhiều năm trước nhưng diện tích manh mún, nông dân chủ yếu canh tác, thu hoạch theo kinh nghiệm, nên chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế không cao.
Nhằm khắc phục hạn chế này, từ tháng 7-2011 đến tháng 6-2012, Công ty cổ phần Dược phẩm Bắc Giang chủ trì thực hiện đề tài khoa học công nghệ cấp tỉnh: "Nghiên cứu trồng trọt, thu hoạch, chế biến sinh địa theo hướng thực hành tốt, trồng trọt, thu hái cây thuốc (GACP) và quy trình chế biến thành phẩm thục địa”.
Kết thúc thời hạn, Công ty đã hoàn thành các mục tiêu đề ra như: Điều tra, khảo sát một số vùng trồng địa hoàng tại Bắc Giang; xây dựng 2 mô hình canh tác theo hướng GACP-WHO (đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới). Trong đó có 2ha địa hoàng giống tại xã Minh Đức (Việt Yên) năng suất khoảng 8,5 tấn/ha và 1 ha địa hoàng nguyên liệu tại xã Dĩnh Trì (TP Bắc Giang) đạt 16,8 tấn/ha. Công ty đã nghiên cứu, thiết lập quy trình chế biến xanh địa hoàng từ địa hoàng tươi bằng thiết bị sấy công nghiệp; quy trình chế biến thục địa từ can địa hoàng trên nồi hơi…
Là một trong hơn 30 hộ liên kết với doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu, năm 2012, gia đình ông Nguyễn Văn Long, thôn Diễu, xã Dĩnh Trì đã thu lãi 20 triệu đồng từ ba sào địa hoàng sau 6 tháng canh tác. Vụ thu đông năm nay ông tiếp tục duy trì diện tích này, hiện cây trồng sinh trưởng tốt.
Tháng 10 - 2012, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức nghiệm thu, đánh giá cao hiệu quả của đề tài. Kết quả nghiên cứu được chuyển giao cho Công ty TNHH MTV Dược Bắc Giang (đơn vị trực thuộc Công ty cổ phần Dược phẩm Bắc Giang) ứng dụng và triển khai. Từ tháng 7 năm nay, doanh nghiệp đã đầu tư máy móc, thiết bị chế biến địa hoàng. Hiện các sản phẩm thục địa, can địa hoàng đã được bán ra thị trường.
Nhờ ứng dụng thành công kỹ thuật mới, ngày 16-10-2013, Công ty TNHH MTV Dược Bắc Giang được Sở Khoa học và Công nghệ trao giấy chứng nhận Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ. Mô hình trồng, chế biến địa hoàng theo tiêu chuẩn GACP-WHO đã mở ra triển vọng nhân rộng diện tích cây trồng này trên địa bàn tỉnh, tạo nguồn dược diệu phục vụ sản xuất thuốc trong nước và xuất khẩu.
Bà Chu Thị Như Quỳnh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Dược Bắc Giang cho biết địa hoàng là một trong những dược liệu quý được Chính phủ, Bộ Y tế định hướng phát triển. Thời gian tới, Công ty sẽ xây dựng vùng nguyên liệu diện tích 50 ha tại huyện Lạng Giang, Lục Nam, Yên Dũng và TP Bắc Giang góp phần khôi phục nguồn cây dược liệu quý của tỉnh, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Related news
Nhiều năm qua, người dân trên địa bàn các xã Mỹ Hòa, Mỹ An và Đốc Binh Kiều (huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) triển khai mô hình nuôi ếch Thái mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Trong đó, xã Đốc Binh Kiều thực hiện hiệu quả nhất, người dân nuôi ếch trên phần đất trũng bỏ hoang, tận dụng các đìa sen để cải tạo lại thành ao thả ếch...
Bây giờ đang là thời điểm những đoàn tàu đánh cá xa bờ của ngư dân trong tỉnh Quảng Ngãi trở về sau hàng tháng trời ròng rã trên biển khơi. Đây là phiên biển đầu tiên trong năm. Cá đầy khoang, giá bán cao, niềm vui ấy báo hiệu một năm gặt hái nhiều thành công của ngư dân vùng biển.
HĐQT công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (AGF) ra Nghị quyết tiếp nhận vùng nuôi thủy sản của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Phước Anh 2 tại Đồng Tháp.
Những năm qua, phong trào nuôi tôm càng xanh trên địa bàn huyện Châu Phú (An Giang) đang có xu hướng giảm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này nhưng chủ yếu do nông dân không chủ động được đầu ra.
Anh Phan Việt (45 tuổi), trú ở thôn Hiền An 1 (xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) vừa giới thiệu những lồng cá vẩu đang nuôi trên đầm vừa cho chúng tôi biết, người dân nơi đây bắt đầu nuôi cá vẩu vào năm 2009 từ sự tình cờ trong một lần đi đặt chuôm đánh bắt cá hồng, cá mú tự nhiên về nuôi thì có lẫn con giống cá vẩu.