Trắng Đất Vùng Tôm Ở Quảng Bình

Nông dân Trần Đức Thịnh (xã Quảng Thọ - Quảng Trạch - Quảng Bình) như ăn phải ớt cay khi hỏi về chuyện nuôi tôm trên cát.
Ông bộc bạch với chúng tôi: “Ai cũng hè nhau ra rừng phi lao đào ao thả tôm. Vốn liếng chưa thu hồi được bao năm thì tôm thả xuống là chết. Mấy vụ liền như thế nên bà con nản chí, bỏ hồ không”.
Phá rừng để... nuôi tôm
Nhiều năm trở lại đây, nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát được xem thế mạnh giúp nhiều người dân xã Quảng Thọ thoát nghèo.
Lúc đầu, nuôi tôm trên cát chỉ dừng lại ở vài hộ. Thấy những hộ này làm ăn được, nhiều hộ khác làm theo. Bắt đầu từ năm 2008, phong trào nuôi tôm trên cát trở thành “lớn mạnh” ở đây. Nhiều hộ gia đình đã thuê máy móc, nhân lực khẩn trương đào ao vì sợ hết đất. Cả rừng phi lao chắn cát ven biển chạy dài gần 2 cây số của xã Quảng Thọ (thuộc địa phận 2 thôn Nhân Thọ và Thọ Đơn) như một công trường lớn. Rừng phi lao tồn tại gần trăm năm cao lớn ưỡn ngực chắn sóng biển bị đốn hạ, đào gốc không thương tiếc. Chính quyền không thể kiểm soát được.
Thấy được hiệu quả cao sau một, hai vụ nuôi, nhiều hộ gia đình đã xin thuê đất và mở rộng thêm nhiều ao nuôi tôm khác. Có hộ có tới 3, 4 hồ nuôi tôm thẻ chân trắng, mỗi hồ diện tích trên dưới 4.000m2. Số hồ nuôi tôm do vậy mà được mở rộng thêm lên đến gần 200 hồ. Những người chậm chân ngay lập tức bạo gan thuê máy ngoạm đào hồ nuôi ngay sát chân sóng biển với phương châm tận dụng hết diện tích mặt đất.
Thôn Thọ Đơn có tiếng về nghề đan lát nay chuyển hướng sang nuôi tôm trên cát. Đi từ đầu thôn đến cuối thôn chỉ có nghe rặt chuyện tôm, chuyện hồ...
Rồi bỏ không
Do không thực hiện đúng quy trình về kỹ thuật nuôi trồng, không có các phương pháp xử lý nước thải gây ô nhiễm nặng, hình thức nuôi tôm theo kiểu phong trào đã dẫn đến việc tôm chết hàng loạt. Vùng nuôi tôm bây giờ vắng lặng, đìu hiu không một bóng người lai vãng.
Bà Lê Thị Na, một hộ đầu tư cho vay nuôi tôm, kể lể: “Hồi đó, thấy bà con làm ăn được, tôi cũng hùn hạp vốn cho mấy hộ nuôi tôm. Đến vụ thất bát thì cũng chia sẻ cho bà con vay tiếp để mong vụ sau gỡ lỗ vụ trước. Ai dè, liên tiếp mấy vụ tôm chết trắng hồ thì trào nước mắt. Bây giờ gần 2 tỷ đồng vốn vẫn chưa có hồi âm".
Đi tìm nguyên nhân thất bại của việc nuôi tôm trên cát của người dân xã Quảng Thọ, chúng tôi được ông Trần Trực, cán bộ Phòng NN - PTNT huyện Quảng Trạch cho biết: "Nguyên nhân tôm thẻ chân trắng của người dân Quảng Thọ bị chết là do ô nhiễm môi trường từ việc xả thải của chính các hồ tôm của người dân. Toàn bộ nguồn nước thải từ hồ tôm đổ ra biển, gây ô nhiễm nguồn nước ngầm, đến khi người nuôi tôm dẫn nước biển về hòa với nước ngọt vô tình dẫn luôn nguồn nước thải về hồ nuôi của mình. Vì thế đã làm cho các đầm tôm bị nhiễm bệnh nặng".
Ông Lê Đình Lượng - Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ: "Nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát là một hướng đi đúng, giúp người dân Quảng Thọ vươn lên làm giàu, thay đổi cuộc sống. Tuy nhiên, do người dân chưa thực hiện đúng quy trình kỹ thuật về nuôi tôm và các hộ nuôi không thực hiện theo quy hoạch của chính quyền, mở rộng nhiều diện tích nuôi vô tội vạ. Hệ lụy sau đó là hàng trăm hồ nuôi với gần 30 ha đành phải bỏ hoang, nhiều hộ gia đình lâm cảnh nợ nần”.
Related news

Để tìm hướng đi mới thay thế nghề nuôi tôm nước lợ nhiều rủi ro, đầu năm nay anh Trần Văn Nhựt (thôn Thanh Tân, xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi cá chẽm, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Trong những năm qua, từ nguồn vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) của Hội Nông dân tỉnh và vốn ủy thác của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, nhiều hội viên đã có thêm vốn để phát triển các mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập. Qua đó góp phần thúc đẩy phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, xóa đói, giảm nghèo làm giàu chính đáng.

Nằm ngoài vùng dịch bệnh, không có tình trạng gia cầm nhập lậu tại địa phương, nhưng người chăn nuôi ở Vĩnh Phúc vẫn đang phải đối mặt với tình trạng càng nuôi càng lỗ nặng.

Những năm gần đây, bà con nông dân trên địa bàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã chuyển đổi từ nuôi heo, gà sang nuôi các loại đặc sản như heo rừng, rắn, chim trĩ, cá sấu… Đây là các loại vật nuôi có thị trường tiêu thụ ổn định, lãi cao.

Thời gian gần đây, do sức hấp dẫn từ hiệu quả kinh tế của nghề nuôi cá lóc giống mang lại nên có rất nhiều nông dân trong tỉnh An Giang đã đổ xô đào ao cá lóc. Việc mở rộng diện tích nuôi cá lóc tự phát trên nền đất lúa không theo sự khuyến cáo và quy hoạch của ngành nông nghiệp chắc chắn sẽ làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường nước.