Trảng Bàng (Tây Ninh) Thu Hoạch Hơn 10.000kg Sữa Tươi Mỗi Ngày

Tính đến cuối tháng 3.2014, toàn huyện Trảng Bàng (Tây Ninh) có tổng cộng 2.727 con bò sữa, trong đó có 690 con đang cho sữa. Sản lượng sữa vắt trung bình mỗi ngày là 10.361 kg.
Ông Trương Tấn Đạt, Trưởng phòng NN-PTNT huyện cho biết, tình hình chăn nuôi bò sữa ở Trảng Bàng trong những năm qua có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Nhiều giống bò có năng suất, chất lượng cao được nông dân mua từ các địa phương khác về chăn nuôi.
Đến cuối tháng 3.2014, toàn huyện có 180 hộ dân và một công ty chăn nuôi bò sữa. So với năm 2005, số bò sữa ở đây tăng được 2.001 con (năm 2005 có 726 con).
Số người chăn nuôi bò sữa của huyện chỉ tập trung ở các xã cánh Đông. Trong đó xã có số người chăn nuôi và số bò cao nhất huyện là An Tịnh, với 79 hộ nuôi 1.201 con bò; xã Gia Lộc có 54 hộ chăn nuôi với số lượng 740 con. Xã có số người nuôi ít nhất là Gia Bình với 5 hộ và số lượng là 63 con. Riêng 3 xã cánh Tây của huyện (bao gồm Bình Thạnh, Phước Chỉ, Phước Lưu) thì chưa có ai chọn nuôi bò sữa.
Hiện trên địa bàn huyện Trảng Bàng có 4 điểm thu mua sữa, nên việc tiêu thụ sữa bò tươi của người chăn nuôi rất thuận lợi. Giá sữa bò tươi tại các điểm thu mua hiện nay trung bình 14.700 đồng/kg. Một con bò đang cho sữa với mức bình quân 15 kg/ngày, sau khi trừ chi phí, người chăn nuôi thu được trên 100.000 đồng/con/ngày.
Giá bò sữa giống hiện nay khá cao. Một con bò cái tơ khoảng 15 tháng tuổi giá từ 30 triệu đến 35 triệu đồng. Một con bò lấy sữa được trên 15 kg/ngày, giá từ 35 triệu đến 45 triệu đồng và một con bò lấy sữa được trên 20 kg/ngày, giá từ 45 triệu đến 60 triệu đồng.
Related news

Hàng năm, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch phòng chống đói, rét cho đàn trâu, bò; chỉ đạo các cơ quan liên quan, UBND các xã, thị trấn phối hợp với các hội đoàn thể và các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền, phổ biến kỹ thuật và kinh nghiệm phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho trâu, bò đến tận người chăn nuôi. Thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết để người chăn nuôi chủ động hơn.

Họ đã từng háo hức làm bằng được nông sản sạch theo các quy trình GlobalGAP (chuẩn toàn cầu), VietGAP (chuẩn Việt Nam) để xin cấp giấy chứng nhận. Sau 1 năm chứng nhận hết hạn, tính toán lại số tiền bỏ ra làm GAP cao hơn nhiều so với tiền lời, nông dân lặng lẽ rút lui.

Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Gia Lai sâu bệnh hại hồ tiêu bùng phát khá mạnh, nhất là bệnh chết nhanh, chết chậm, gây thiệt hại lớn cho nông dân. Trong khi đó, do tiêu được giá khiến bà con ồ ạt mở rộng diện tích, càng làm cho dịch bệnh lây lan nhanh và khó kiểm soát. Để giúp nông dân khắc phục tình trạng này, Dự án Cạnh tranh Nông nghiệp tỉnh Gia Lai đã xây dựng và chuyển giao mô hình phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM trên cây hồ tiêu, bước đầu thu được kết quả khả quan.

Nhằm góp phần bảo vệ môi trường nông thôn và nâng cao nhận thức người dân, thời gian qua một số địa phương trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã triển khai thực hiện nhiều điểm thu gom rác thải, vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng. Tuy mới triển khai trong thời gian ngắn, nhưng mô hình này đã góp phần làm giảm lượng rác thuốc bảo vệ thực vật ngoài đồng ruộng.

Thời điểm này, bà con nông dân các thôn Thanh Thủy, Đồng Giành, xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đang bước vào cuối vụ thu hoạch hoa nhài. Năm nay, thời tiết mưa nhiều, năng suất hoa nhài giảm nhưng được giá nên bà con rất phấn khởi.