Thấp Thỏm Đầu Ra Cho Hoa Nhài
Thời điểm này, bà con nông dân các thôn Thanh Thủy, Đồng Giành, xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đang bước vào cuối vụ thu hoạch hoa nhài. Năm nay, thời tiết mưa nhiều, năng suất hoa nhài giảm nhưng được giá nên bà con rất phấn khởi.
Chị Lê Thị Xuyên, thôn Thanh Thủy, xã Đông Xuân phấn khởi cho biết, gia đình chị trồng 1,4 sào hoa nhài. Năng suất bình quân đạt 300kg/sào. Với giá bán trung bình 25.000 đồng/kg, mỗi sào hoa nhài thu được 7 - 8 triệu đồng, cao hơn nhiều lần so với cấy lúa. "Cây hoa nhài là cây trồng cho thu nhập cao nhất trên đồng đất của địa phương hiện nay" - chị Xuyên chia sẻ. Trồng gần 2 sào hoa nhài, vụ thu hoạch năm nay, chị Nguyễn Thị Hạnh, thôn Đông, xã Phù Lỗ cũng rất mừng vì thu nhập cao. Từ đầu vụ tới nay, chị đã thu được 650kg hoa nhài cân bán cho thương lái. Do chăm sóc tốt nên gần hết vụ, nhà chị Hạnh vẫn còn hoa để thu hoạch. Chị cho biết, thời điểm cuối vụ, hoa nhài được giá, có lúc đạt 35.000 - 38.000 đồng/kg nên thu nhập tăng hơn so với mọi năm. Ước tính, với gần 2 sào trồng hoa nhài, năm nay gia đình chị thu được khoảng 18 - 19 triệu đồng. Nhờ cây hoa nhài, chị có tiền lo cho hai đứa con ăn học và trả nợ.
Theo HTX Nông nghiệp xã Phù Lỗ, toàn xã có 230ha đất nông nghiệp. Từ một vài hộ dân trồng tự phát cách đây hơn chục năm, đến nay, diện tích trồng hoa nhài của xã đã đạt khoảng 50ha. Đây là cây trồng cần nhiều công chăm sóc nhưng cho thu nhập cao hơn nhiều lần so với cấy lúa. Hơn nữa, cây trồng một lần có thể thu hoạch trong nhiều năm và vốn đầu tư ít. Chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho mỗi sào hoa nhài chỉ khoảng hơn 1 triệu đồng/vụ. Đặc biệt, thời gian thu hoạch kéo dài khoảng 5 - 6 tháng/năm nên thu nhập của người nông dân khá đều đặn.
Mặc dù mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt so với cấy lúa, song việc phát triển mô hình trồng hoa nhài trên địa bàn huyện Sóc Sơn vẫn còn những hạn chế nhất định, nhất là về đầu ra cho sản phẩm. Chị Nguyễn Thị Loan, thôn Thanh Thủy, xã Đông Xuân chia sẻ, giá bán hoa nhài không ổn định, lúc cao, lúc thấp. Thậm chí nhiều thời điểm, người nông dân còn bị ép giá bán hoa rất rẻ. Một đầu mối thu mua hoa nhài tại xã Phù Lỗ cũng chia sẻ, khi nào "hiếm" hoa nhài thì các công ty sẵn sàng nâng giá cao nhưng khi hoa nhài được mùa thì mua với giá rất thấp.
Hiện nay, hoa nhài chủ yếu được bán cho các công ty chế biến chè. Quá trình thu hương liệu của hoa chỉ trong vòng một ngày nên hoa phải được chế biến, xử lý ngay và tránh vận chuyển xa. Đây cũng là một trong những lý do mà các doanh nghiệp thu mua viện cớ để ép giá người nông dân, bởi nếu không bán được hoa ngay trong ngày thì chỉ còn cách… đổ bỏ. Ông Trần Bằng - Phó Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp xã Phù Lỗ cho biết, trên địa bàn xã có 9 công ty, xí nghiệp mua hoa nhài với hàng chục đại lý thu mua. Tuy nhiên, tình trạng người nông dân bị ép giá vẫn thường xuyên xảy ra.
Cây hoa nhài đã phần nào khẳng định được vị thế trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Thời gian qua, nhiều địa phương trên địa bàn huyện Sóc Sơn cũng đã tích cực tổ chức các lớp khuyến nông về hoa nhài cho người nông dân, đồng thời đẩy mạnh dồn điền đổi thửa, quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh. Hiện nay, diện tích trồng hoa nhài toàn huyện Sóc Sơn đạt khoảng 140ha. Tuy nhiên, để tiếp tục nâng cao hiệu quả sản xuất của cây trồng này, thời gian tới, huyện Sóc Sơn cần có chính sách hỗ trợ đầu ra ổn định, giúp người dân yên tâm sản xuất.
Related news
Ngoài chất cấm, các loại thức ăn bổ sung có ghi nhãn siêu nạc, siêu tăng trọng, bung đùi, nở vai, nở ức,... cũng được bày bán và sử dụng tràn lan trong chăn nuôi.
Ngày 13/10, Tân Hoa xã dẫn lời Bộ trưởng Kinh tế Indonesia Darmin Nasution cho biết quốc gia này đang thảo luận với Việt Nam và Thái Lan về khả năng nhập khẩu gạo từ hai nước trên nhằm ứng phó với tác động của hiện tượng El Nino.
Mới qua 3/4 thời gian đã thấy rõ “đích” xuất nhập khẩu (XNK) cả năm 2015. Sự phục hồi của nền kinh tế khá thuyết phục với mức tăng GDP 9 tháng đạt 6,5%- cao nhất so với cùng kỳ 4 năm trước. Môi trường kinh doanh được cải thiện rõ rệt.
Thủy sản là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, đem về hàng tỷ USD mỗi năm nhưng hiện nay điều bất ổn là không ít DN thủy sản vẫn thường xuyên phải nhập khẩu nguyên liệu phục vụ chế biến. Tình trạng này vừa khiến DN bị động vừa có thể gây ra nhiều hệ lụy khôn lường.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, sự linh hoạt được coi là ưu điểm quan trọng sẽ giúp khối doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tận dụng cơ hội tại sân chơi mới TPP.