Giải Pháp Làm Sạch Môi Trường
Nhằm góp phần bảo vệ môi trường nông thôn và nâng cao nhận thức người dân, thời gian qua một số địa phương trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã triển khai thực hiện nhiều điểm thu gom rác thải, vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng. Tuy mới triển khai trong thời gian ngắn, nhưng mô hình này đã góp phần làm giảm lượng rác thuốc bảo vệ thực vật ngoài đồng ruộng.
Hơn 2 tháng nay, mỗi khi phun xịt thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) ngoài ruộng, vườn xong, chú Đoàn Văn Út, ở ấp Mỹ Hiệp 2, xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh đã chủ động thu gom các vỏ chai, bao bì thuốc BVTV đã qua sử dụng cho vào túi ni lông và đem đến điểm thu gom theo quy định. Chú Út chia sẻ: “Từ khi có điểm thu gom chai lọ, bao bì thuốc BVTV qua sử dụng do UBND xã triển khai tại các ấp, tôi thấy người dân mình đã bỏ được thói quen vứt bừa bãi các loại vỏ chai, bao bì thuốc BVTV ngay tại đồng ruộng, ao vườn, kênh rạch… Bản thân tôi và người dân quanh đây mỗi khi có vỏ chai, bao bì thuốc BVTV qua sử dụng thì đem đến điểm thu gom để bỏ vào đó chứ không tự xử lý như trước nữa”.
Nhà có hơn 1.000m2 diện tích đất chuyên trồng rau màu, nên thỉnh thoảng chú Út vẫn sử dụng các loại thuốc BVTV để phun xịt cho vườn rau để phòng tránh sâu bệnh. Theo lời kể của chú, trước khi có điểm thu gom này thì phần lớn vỏ chai, bao bì sau khi đã sử dụng xong chú út thường tập trung lại một điểm rồi sau đó xử lý bằng cách đốt. Tuy nhiên, theo chú cách làm này vẫn chưa đảm bảo vệ sinh môi trường và khí phát sinh trong lúc đốt nếu hít phải cũng gây ảnh hưởng sức khỏe. Từ khi có các điểm thu gom tập trung thì người dân đã ý thức hơn trong việc thu gom rác thải thuốc BVTV, hạn chế ô nhiễm môi trường do loại rác thải này gây nên.
Không chỉ quan tâm thu gom rác thải thuốc BVTV đã qua sử dụng tập trung về điểm thu gom, mà gia đình anh Bùi Quốc Danh, ở ấp Mỹ Hiệp 3, xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh còn chấp thuận dành một khoảng đất trống cho địa phương bố trí điểm thu gom rác thải thuốc BVTV trên địa bàn ấp. Anh Danh cho biết: “Tôi nhận thấy việc bố trí các điểm thu gom vỏ chai lọ, bao bì thuốc BVTV này rất hay. Khi được địa phương vận động xin bố trí điểm thu gom tại vị trí đất nhà mình thì tôi cũng đồng ý ngay. Tôi nhận thấy địa phương xây dựng các điểm thu gom này cũng chỉ vì lợi ích chung của mọi người dân”.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 3 xã đã triển khai thực hiện mô hình xây dựng điểm thu gom rác thải thuốc BVTV là: Đại Thành, thị xã Ngã Bảy; Tân Tiến, thành phố Vị Thanh và xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy. Từ khi các địa phương xây dựng mô hình này đã góp phần làm giảm lượng lớn rác thải thuốc BVTV ra đồng ruộng, kênh mương do ý thức người dân từng bước được nâng lên. Một bộ phận lớn người dân nông thôn đã nhận thức được tác động nguy hại của loại rác thải này đối với môi trường đất, nước, và đối với sức khỏe người dân mà trước nay người dân chưa quan tâm tới.
Tuy nhiên, do đây là mô hình mới nên vẫn còn một số ít người dân vẫn chưa thực hiện tốt việc thu gom rác thải thuốc BVTV về nơi quy định. Chú Dương Văn Câu, ở ấp 1, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, cho biết: “Hiện nay, người dân đã nhận thức được tác hại của rác thải thuốc BVTV đối với môi trường và sức khỏe. Tuy nhiên, do mỗi ấp chỉ bố trí một vài điểm thu gom nên tôi thấy nhiều hộ dân có đất sản xuất và nhà ở xa vị trí thu gom, việc đi lại của người dân không thuận tiện vẫn chưa thể thực hiện việc thu gom rác thải thuốc BVTV về nơi quy định. Nếu các điểm thu gom này được xây dựng nhiều hơn nữa thì sẽ thuận tiện hơn cho người dân thực hiện”.
Mặt khác, hiện nay, tại một số điểm thu gom rác thải BVTV ngoài lượng vỏ chai lọ, bao bì thuốc BVTV, thì người dân cũng tập kết các loại rác thải nguy hại khác về đây như: chai lọ thủy tinh, mảnh vỡ cửa kính, ly thủy tinh, bóng đèn, mảnh vỡ sành sứ… Điều này cũng sẽ gây khó khăn cho công tác xử lý sau này.
Song song đó, các loại rác thải thuốc BVTV thuộc nhóm rác thải nguy hại nên việc xử lý cũng khó khăn hơn các loại rác thải khác. Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường quy định thì “Chỉ những tổ chức, cá nhân được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép và mã số hoạt động mới được tham gia xử lý chất thải nguy hại”. Vấn đề đặt ra hiện nay là chưa có giải pháp để xử lý lượng rác thải nguy hại này. Thực tế, trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có cá nhân, tổ chức nào hoạt động trong lĩnh vực xử lý rác thải nguy hại như rác thải thuốc BVTV. Các địa phương chưa thể ký hợp đồng được với đơn vị chuyên hoạt động ở lĩnh vực này để xử lý lượng rác thải nguy hại này theo quy định.
Ông Phạm Văn Mun, Chủ tịch UBND xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh, cho biết: Hiện nay, việc vận động thực hiện thu gom vỏ chai lọ, bao bì thuốc BVTV đã được người dân hưởng ứng rất tốt. Toàn xã hiện có 12 điểm thu gom đã được xây dựng hoàn thành cách nay khoảng 3 tháng. Tại các điểm này, người dân đều đã thu gom rác thải thuốc BVTV về đây. Địa phương cũng đang tiến hành xây dựng thêm 6 điểm thu gom mới, bố trí tại những ấp có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn để việc thu gom có hiệu quả hơn. Tuy nhiên, lo ngại lớn nhất của địa phương là chưa có được giải pháp hữu hiệu trong việc xử lý loại chất thải này.
Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh cho biết, do mô hình mới bắt đầu triển khai thực hiện tại một số địa phương nên lượng rác thải thu gom đến nay vẫn còn ít nên chưa hợp đồng thuê đơn vị chuyên môn xử lý loại rác thải này. Tuy nhiên, trong thời gian tới, thì đơn vị cũng trích một phần kinh phí từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường để hỗ trợ các địa phương trong việc xử lý nguồn rác thải nguy hại này. Ngoài ra, cũng sẽ tăng cường công tác tuyên truyền vận động người dân thực hiện tốt hơn việc thu gom rác thải thuốc BVTV. Đồng thời, tiếp tục nhân rộng mô hình để việc thu gom, xử lý rác thải thuốc BVTV được thực hiện hiệu quả hơn, góp phần hạn chế các nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường sống.
Related news
Thời gian tới, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học Lan Anh sẽ tăng cường mời các nhà khoa học về nói chuyện chuyên đề về ứng dụng các kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp nhằm giúp nông dân nâng cao hiệu quả kinh tế.
Chị Nguyệt cho biết: “Trước khi bắt tay trồng hoa, tôi phải sang tận Đồng Tháp để xem mô hình, học kinh nghiệm do người bác ruột truyền lại”. Sau khi đã tích lũy được kiến thức kha khá, chị bắt tay vào cải tạo đất, lên liếp cho 1 công đất duy nhất của gia đình.
Thông tin từ Văn phòng Điều phối Chương trình nông thôn mới (NTM) tỉnh, tới nay với những kết quả đã đạt được sau hơn 3 năm (2010 - 2014) triển khai, Lâm Đồng đang là tỉnh dẫn đầu khu vực Tây Nguyên về thực hiện chương trình này.
Đánh giá về tiềm năng phát triển thủy sản của địa phương, ông Nguyễn Kim Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Dị Nậu, huyện Tam Nông khẳng định: So với nhiều xã khác trong huyện, Dị Nậu có tiềm năng lớn để phát triển thủy sản do có diện tích mặt nước rộng, hồ đầm lớn; đồng chiêm trũng 1 lúa, 1 cá chiếm đến gần 50% diện tích đất lúa hàng năm.
Sử dụng trấu, mùn cưa trộn lẫn với chế phẩm sinh học Balasa làm đệm lót để nuôi heo không chỉ giảm thiểu được tình trạng ô nhiễm môi trường mà còn giúp người chăn nuôi tiết kiệm được ngày công khi không phải vệ sinh chuồng trại. Mô hình này mở ra hướng đi mới cho những người muốn duy trì, phát triển chăn nuôi tại các khu dân cư.