Thừa Thiên Huế Mất Lạc, Được Dưa
Trong khi vụ lạc Đông xuân 2013-2014 mất mùa mất giá, thì nhiều nông dân lại được mùa dưa hấu.
Lạc mất mùa, rớt giá
Phong Sơn là địa phương có diện tích trồng lạc lớn nhất toàn huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế). Vụ lạc Đông xuân 2013-2014 không chỉ mất mùa mà còn mất giá khiến nhiều hộ lao đao. Chị Trần Thị Tuyết ở thôn Cổ Bi trồng 5 sào, nhưng chưa bao giờ lại có năng suất thấp như Đông xuân này.
Mỗi sào thu hoạch chưa đầy 1 tạ, giảm khoảng 0,3 tạ/ha; giá lạc hiện nay chỉ 14-15 ngàn đồng/kg, giảm 4-5 ngàn so với nhiều vụ trước nên không có lãi, thậm chí thua lỗ.
Theo ông Nguyễn Văn Cho, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền mất mùa, rớt giá là thực trạng chung đối với các địa phương ở huyện Phong Điền. Vụ Đông xuân 2013-2014, toàn huyện gieo trồng khoảng 1.200 ha lạc, tập trung chủ yếu các xã: Phong Sơn, Phong Mỹ, Phong An, Phong Hòa, Phong Hiền...
Năng suất lạc bình quân chỉ đạt 18 tạ/ha, giảm đến 6 tạ so với vụ đông xuân trước, do thời tiết thất thường, sâu bệnh gây hại từ đầu đến cuối vụ. Giá lạc bị rớt khiến nhiều hộ trồng thua lỗ, lâm vào cảnh lao đao. Nguyên nhân lạc rớt giá là do thị trường Trung Quốc nhập khẩu với số lượng rất ít. Nhiều lái buôn e ngại không thu mua sản phẩm của người dân, hoặc chỉ mua với số lượng ít chủ yếu để dự trữ.
Vụ lạc Đông xuân 2013-2014 ở huyện Quảng Điền cũng lâm vào cảnh tương tự. Toàn huyện gieo trồng khoảng 800 ha lạc, năng suất bình quân chỉ đạt 17-18 tạ/ha. Nguyên nhân do biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, nắng mưa thất thường, hạn hán gay gắt, tình hình sâu bệnh xảy ra triền miên.
Mặc dù có nhiều biện pháp ứng phó, nhưng do bà con nông dân còn thiếu chủ động trong chăm sóc, bón phân hợp lý, nhất là khâu phòng trừ sâu bệnh chưa hiệu quả đã ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và chất lượng sản phẩm.
Được mùa dưa hấu
Trong khi các hộ trồng lạc gặp khó khăn vì mất mùa, mất giá thì nhiều hộ trồng dưa hấu lại có được vụ mùa bội thu. Tại xã Phú Diên (huyện Phú Vang), có gần 20 hộ mạnh dạn chuyển đổi 3 ha lúa ven phá thường xuyên bị hạn, mặn, năng suất thấp sang trồng dưa hấu trong vụ đông xuân.
Bà con đưa giống dưa mới có nguồn gốc từ Thái Lan vào trồng không chỉ đạt năng suất cao, mà còn tạo ra sản phẩm chất lượng, thơm ngon được thị trường ưa chuộng. Giống dưa hấu trên chống chịu sâu bệnh, thời tiết khắc nghiệt rất tốt, mỗi sào thu nhập 3,5 triệu đồng, lãi 600 ngàn đồng, cao gấp 3 lần so với trồng lúa.
Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Vang, vụ dưa hấu vừa qua, toàn huyện trồng khoảng 25 ha, tập trung chủ yếu ở các xã vùng cát ven biển và đầm phá, như Phú Diên, Vinh An, Vinh Xuân, Vinh Thanh... Bình quân mỗi ha cho thu nhập trên 70 triệu đồng, lãi 12 triệu đồng.
Tại Quảng Điền, gần đây nhiều hộ mạnh dạn chuyển đổi các diện tích cây trồng, lúa kém hiệu quả sang trồng dưa hấu. Vụ dưa vừa qua, hàng trăm hộ trồng dưa hấu ở các xã: Quảng Thái, Quảng Lợi, Quảng Công, Quảng Ngạn... được mùa lớn. Ông Dương Long ở xã Quảng Ngạn cho biết, gia đình ông trồng bốn sào thu nhập hơn 12 triệu đồng, lãi 2,4 triệu đồng.
Ông Hoàng Vọng, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quảng Điền chia sẻ, trồng dưa hấu là đối tượng đang được nhiều hộ các xã vùng cát, ven phá quan tâm. Vụ dưa vừa qua, các địa phương trồng trên 20 ha, bình quân mỗi hộ thu nhập từ 10 triệu đến trên 20 triệu đồng. Vui hơn, là thị trường tiêu thụ dưa rất mạnh. Các lái buôn đưa xe vận tải đến tận các đồng dưa để thu mua nên bà con không lo đầu ra.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, vụ Đông xuân 2013-2014, toàn tỉnh gieo trồng 3.160 ha, giảm 148 ha, chủ yếu tập trung ở các huyện Phong Điền, Quảng Điền, thị xã Hương Trà... Năng suất bình quân chỉ đạt 17,58 tạ/ha, giảm khoảng 6-7 tạ so với vụ Đông xuân trước.
Trồng dưa hấu đang trở thành mô hình góp phần quan trọng trong ứng phó biến đổi khí hậu. Dưa hấu là loại cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai, thời tiết khắc nghiệt, như nắng hạn, vùng đất cát khô cằn đã mang lại năng suất cao. Mấy năm gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh chuyển đổi nhiều diện tích trồng lúa, các cây trồng kém hiệu quả sang trồng dưa hấu mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.
Vụ hè thu 2014, nhiều địa phương tiếp tục chuyển đổi các diện tích lúa năng suất thấp sang trồng dưa hấu; riêng tại xã Phú Diên (Phú Vang) mạnh dạn chuyển đổi hơn 30 ha sang trồng giống dưa hấu có nguồn gốc Thái Lan.
Related news
Theo Chi cục Thuỷ sản (Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang), 6 tháng đầu năm nay, sản lượng thuỷ sản toàn tỉnh ước đạt 14.250 tấn, tăng gần 1.350 tấn so với cùng kỳ năm ngoái.
Trung An là một trong 11 xã nằm trong dự án Nông thôn mới của huyện Củ Chi (Tp. HCM). Do vậy, việc ưu tiên phát triển mọi mặt về kinh tế, cơ sở hạ tầng, văn hóa xã hội rất được quan tâm. Những năm gần đây, Trung An được biết đến như là một điểm du lịch sinh thái khá nổi tiếng của huyện với nhiều loại trái cây: ổi không hạt, mít Thái, măng cụt, chôm chôm…
Ông Trần Văn Vinh, nông dân có kinh nghiệm nuôi nghêu hàng chục năm, đồng thời có trại sản xuất nghêu giống "có tiếng" ở ấp Cầu Muống, xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông cho biết, nghêu nuôi khu vực biển Tân Thành đã chết hàng loạt liên tục 5 năm qua, nhưng thiệt hại nghiêm trọng nhất là năm 2010, 2011 và đầu năm 2013. Đúc kết kinh nghiệm qua các năm nuôi nghêu của mình, ông Vinh nhận định, thực tế hiện nay vùng biển này chỉ còn nuôi nghêu thịt được khoảng 6 tháng, tức là bắt đầu thả nghêu giống từ tháng 5-6 dương lịch (lúc này mới bắt đầu có nghêu giống) và thu hoạch vào tháng 12 trong năm, chậm nhất là tháng 1 năm sau.
Cù lao Minh thuộc huyện Long Hồ (Vĩnh Long), nổi tiếng với bạt ngàn vườn cây ăn trái. Đặc biệt là 2 loại cây “chủ lực”: chôm chôm và nhãn. Sau này, có thêm cây chanh tàu cũng đã từng cho thu nhập khá cao.
Nông dân xã Hoàng Hoa Thám (Chí Linh, Hải Dương) bắt đầu thu hoạch thanh long ruột đỏ. Giá bán tại gốc 40 nghìn đồng/kg, cao gấp 2 lần so với thanh long ruột trắng.