Thu Nhập Ổn Định Nhờnuôi Thỏ

Thuộc nhóm những mô hình phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá có hiệu quả cao trên địa bàn xã Bảo Nhai (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai), mô hình chăn nuôi thỏ sinh sản của gia đình anh Phạm Lê Binh, thôn Khởi Xá Ngoài là một trong những điển hình trong cách tư duy, cách làm mới, được cấp ủy chính quyền địa phương đánh giá cao.
Với ước mơ vươn lên làm giàu từ nỗ lực bản thân, dù rất bận rộn với nhiệm vụ của một hội cựu chiến binh, song anh Phạm Lê Binh vẫn tích cực tham gia phát triển kinh tế gia đình. Đầu năm 2010, anh đầu tư vốn mua khoảng 10 con thỏ giống về nuôi thử nghiệm.
Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm nuôi nên anh bị thất bại, thỏ mắc bệnh ghẻ nhưng gia đình không có phương pháp nào để chữa trị dẫn đến thỏ bị chết hàng loạt.
Không đầu hàng, thông qua phương tiện thông tin đại chúng như ti vi, loa đài, qua các lớp tập huấn chăn nuôi do huyện xã mở tại địa phương, anh tích cực tìm hiểu các tài liệu về chăn nuôi thỏ để học hỏi kỹ thuật và tích lũy thêm kinh nghiệm.
Cơ hộ thực sự đến với gia đình anh là thời điểm vào cuối năm 2012. Từ nguồn vốn chương trình nghị quyết 30a của Chính phủ, xã Bảo Nhai được hỗ trợ 36 đôi thỏ giống cho 6 hộ dân, trong đó gia đình anh Binh được hỗ trợ 12 con giống.
Nhận thấy chăn nuôi thỏ đem lại hiệu quả kinh tế cao, chi phí đầu tư thấp, anh bàn với gia đình quyết định đầu tư một lần nữa. Lần này anh mạnh dạn đứng ra vay vốn đầu tư xây dựng chuồng trại theo mô hình khép kín, diện tích gần 150 m2 với 3 dãy cũi được hàn toàn bộ bằng sắt, gỗ, diện tích rộng rãi, thoáng mát sạch sẽ.
Với vốn kiến thức học hỏi được từ các mô hình nuôi thỏ trong và ngoài huyện cộng với những nỗ lực của bản thân và sự hỗ trợ từ phía gia đình nên dù thời gian nuôi thỏ chưa nhiều, song đàn thỏ giống của anh phát triển ổn định và sinh sản tốt.
Theo anh kinh nghiệm của anh, ở từng thời kỳ phát triển khác nhau của thỏ, thỏ có thể mắc một số bệnh khác nhau, vì vậy chỉ cần người chăn nuôi thường xuyên kiểm tra đàn cũng như có một số kinh nghiệm trong việc chữa một số bệnh thường gặp cho thỏ.
Anh Binh cho biết, nuôi thỏ có rất nhiều lợi thế bởi nguồn thức ăn cho thỏ là các loại cây cỏ trong tự nhiên có nhiều, dễ kiếm, dễ chăm sóc, đầu ra tương đối ổn định, thời gian sinh đẻ ngắn nên đầu tư quay vòng nhanh.
Hiện gia đình anh đã xuất bán được 80 đôi thỏ giống, cộng với gần 50 đôi thỏ giống chờ xuất bán, theo tính toán của anh với giá bán trung bình khoảng 250 nghìn đồng/đôi thỏ giống gia đình anh sẽ thu về tổng cộng hơn 30 triệu đồng. Từ thành công bước đầu trong nuôi thỏ, anh Binh dự định thời gian tới sẽ phát triển thêm với số lượng trên 300 con thỏ giống nhằm đảm bảo cung cấp giống cho nhân dân trên địa bàn có nhu cầu, đồng thời mở rộng ra chăn nuôi thỏ thịt cung cấp cho các nhà hàng.
Hiện nay, mặc dù chăn nuôi thỏ không phải là mới, song việc đầu tư chăn nuôi với quy mô lớn có tính toán khoa học và bài bản như mô hình của anh Binh chưa nhiều, mô hình của anh Phạm Lê Binh chính là một gợi mở để xã Bảo Nhai đẩy mạnh đưa con giống này vào chăn nuôi góp phần thực hiện có hiệu quả đề án chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương.
Bên cạnh đó, đây cũng là mô hình hiệu quả để nhiều hộ gia đình phát triển chăn nuôi trên địa bàn xã Bảo Nhai nói riêng và huyện Bắc Hà nói chung mạnh dạn tìm hướng đi mới trong phát triển chăn nuôi mang hiệu quả kinh tế cao góp phần nâng cao thu nhập, vươn lên ổn định cuộc sống và làm giàu cho gia đình.
Related news

Thông tin từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho thấy thông thường khi hết mùa mía thì giá đường sẽ tăng lên nhưng năm nay ngược lại, giá đường giảm mạnh. Nguyên nhân chủ yếu là do đường nhập lậu từ Thái Lan tràn sang với số lượng lớn, lên đến 400.000-500.000 tấn/năm. Trong khi nhu cầu sử dụng đường trong nước chỉ dao động khoảng 1,3-1,4 triệu tấn/năm. Tức lượng đường lậu chiếm gần 1/3 lượng đường tiêu thụ trong nước. Con số này đã tác động lớn đến các nhà máy đường và gây bức xúc cho giới chuyên môn.

Với định hướng phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, TP Cần Thơ không ngừng tranh thủ sự hỗ trợ của Viện Lúa trong việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống, kỹ thuật canh tác để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và thu nhập của nông dân.

Vài năm trở lại đây, chương trình cây trồng chủ lực của tỉnh đã hỗ trợ nông dân thâm canh cây cà phê về giống, một phần kinh phí đầu tư để chuyển đổi từ giống cũ năng suất kém sang giống mới năng suất cao, chất lượng tốt. Theo đó, thu nhập của nông dân trồng cà phê trong tỉnh ngày càng cao. Đây cũng là một trong những cây trồng được Đồng Nai khuyến khích phát triển vùng chuyên canh với quy mô sản xuất lớn, liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ để có đầu ra bền vững.

Đà Lạt không chỉ được người sành ăn biết đến với rau ôn đới, dâu tây mà còn có những trái hồng nổi tiếng. Hồng Đà Lạt có thể ăn theo nhiều cách, hồng chín đỏ ngọt lịm, hồng giòn ngọt mát, hồng khô dẻo quánh. Những lò sấy hồng Đà Lạt đã cho ra đời những trái hồng sấy có thể để lâu, để du khách mang theo như một món quà đặc biệt.

Bưởi ở xã Bạch Đằng nổi tiếng với thương hiệu bưởi lá cam có vị hơi chua thanh, ngon ngọt đặc trưng chỉ có ở xã Cù lao Bạch Đằng, TX.Tân Uyên. Nhằm góp phần đưa bưởi trong xã đi xa, Tổ hợp tác bưởi Bạch Đằng được thành lập với 12 thành viên. Qua thời gian hoạt động, thu nhập của các thành viên trong tổ lên đến hàng trăm triệu đồng/năm.