Chế biến thức ăn cho heo rừng từ vỏ trái ca cao
Tại cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2014 - 2015, khu vực phía Nam, do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, học sinh Đỗ Hoàng Huy, lớp 12T1 đã đem vinh dự về cho Trường THPT Trương Vĩnh Ký, huyện Chợ Lách khi đạt giải Ba với Dự án “Chế biến thức ăn chăn nuôi heo rừng từ vỏ trái ca cao phế thải bằng phương pháp sinh học”.
Ca cao là loại cây công nghiệp được trồng khá phổ biến tại Bến Tre. Vỏ trái ca cao chiếm khoảng 58% trọng lượng trái nên quá trình chế biến loại nông sản này tạo ra một lượng rác thải rất lớn. Độ ẩm và chất dinh dưỡng có trong vỏ trái ca cao vẫn còn nhiều nên chúng dễ bị nấm mốc, vi khuẩn phân hủy gây ra mùi hôi làm ô nhiễm môi trường. Việc vận chuyển và xử lý lượng rác thải này làm tăng thêm chi phí cho các cơ sở chế biến nông sản.
Mặt khác, một mô hình sản xuất nông nghiệp khác đang phát triển trong vùng là chăn nuôi heo rừng. Mô hình này vốn đầu tư ít nhưng đem lại thu nhập khá cao. Heo rừng khỏe mạnh, ăn tạp, ít bệnh, thức ăn chủ yếu là rau xanh, phụ phẩm nông nghiệp.
Để mở rộng sản xuất ngành này, người chăn nuôi phải chủ động nguồn thức ăn thô xanh, rau quả… vì mỗi con heo trong giai đoạn nuôi thịt cần thức ăn khoảng 2 - 3kg/ngày. Trong điều kiện diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp dần thì việc tận dụng vỏ ca cao phế thải làm thức ăn xanh thay cho việc trồng rau là rất hợp lý.
Từ đó, em Đỗ Hoàng Huy, học sinh lớp 12T1, Trường THPT Trương Vĩnh Ký có ý tưởng sử dụng vỏ trái ca cao phế thải làm thức ăn bổ sung cho heo rừng. Vỏ trái ca cao tươi có hàm lượng cao chất đắng, chát, hơi cứng, heo ăn không ngon miệng nên ăn không được nhiều. Hàm lượng protein còn thấp nên hiệu quả sử dụng chưa cao. Lượng vỏ trái ca cao phế thải khá lớn nên không thể sử dụng được hết trong một thời gian ngắn, đặc biệt khi vào vụ mùa, mỗi ngày một cơ sở chế biến thải ra hàng tấn vỏ trái.
Đó chính là những lý do em Huy thực hiện đề tài nghiên cứu “Chế biến thức ăn chăn nuôi heo rừng từ vỏ trái ca cao phế thải bằng phương pháp sinh học”.
Theo em Huy, để gia tăng hiệu quả của quá trình chế biến thức ăn cho heo rừng, việc lựa chọn nguyên liệu là vô cùng quan trọng, nên chọn các vỏ còn tươi, không bị dập nát, thường sử dụng vỏ trái trong thời gian khoảng 12 giờ sau khi chặt trái để lấy hạt.
Sau đó, cắt nhỏ vỏ trái thành nhiều mảnh, làm sạch và để ráo nước; lên men theo công thức: 4% muối, 20% cám gạo, 76% vỏ ca cao hòa chung với lượng nước vừa phải, nén trong túi ni-lon và buộc chặt đầu túi. 12 ngày sau, dùng hỗn hợp này làm thức ăn bổ sung cho heo rừng.
Kết quả nghiên cứu thực tế tại một hộ dân chăn nuôi heo rừng ở xã Bình Khánh Đông, huyện Mỏ Cày Nam cho thấy, thức ăn sau khi chế biến có giá trị dinh dưỡng cao hơn vỏ trái ca cao tươi, đáp ứng được tiêu chuẩn về thức ăn chăn nuôi của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; thức ăn có vị chua, giảm vị đắng, chát, kích thích lợn rừng ăn được nhiều và liên tục.
Vì loại thức ăn trên có ảnh hưởng tốt đến sự tiêu hóa và hấp thụ dưỡng chất của vật nuôi. Với mức tăng trọng này, người chăn nuôi có thể thu lợi nhuận cao hơn.
Dự án “Chế biến thức ăn chăn nuôi heo rừng từ vỏ trái ca cao phế thải bằng phương pháp sinh học” đã góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường do tận dụng được lượng lớn rác thải trong chế biến nông sản, tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận trong chăn nuôi heo rừng, tạo ra sự gắn kết giữa trồng trọt, chăn nuôi và chế biến nông sản; góp phần xây dựng nền nông nghiệp xanh, phát triển bền vững.
Related news
Phước Chiến là xã đặc biệt khó khăn của huyện Thuận Bắc với trên 98% là đồng bào dân tộc Raglai. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp có đến ¾ là đồi dốc, dễ bị xói mòn nên canh tác rất khó khăn. Được sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước, những đề án, mô hình hỗ trợ phát triển kinh tế đã phát huy hiệu quả, đem lại sự đổi thay ấm no cho nhân dân Phước Chiến.
Hơn 10 năm trước, trong khi các hộ dân ở địa phương còn mang nặng tập quán sản xuất lạc hậu, thì anh đã nghĩ đến việc mở rộng đất đai phát triển sản xuất. Ý chí và quyết tâm của anh mang lại những thành công ngoài mong đợi. Điều này thể hiện ở chỗ, dù thời tiết khô hạn, nhưng chưa có vụ nào anh bỏ đất hoang.
Chúng tôi về phường Văn Hải (Phan Rang-Tháp Chàm) khi nơi đây vừa diễn ra Hội nghị tổng kết 2 năm hoạt động của Liên minh trồng táo Văn Hải do Ban Quản lý Dự án Cạnh tranh nông nghiệp (CTNN) tỉnh tổ chức.
Vụ Hè Thu, thời tiết thường có nhiều bất lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của cây rau màu (nắng nóng, mưa nhiều). Vì vậy, để giảm thiểu những tác hại, rủi ro trên cây trồng do thời tiết gây ra, nông dân cần chú ý và có những biện pháp kĩ thuật tác động sao cho phù hợp và hiệu quả trong tất cả các khâu của mùa vụ.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, 63 tuổi ở xã Hộ Hải, (huyện Ninh Hải) áp dụng thành công mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên 3,5 sào đìa của gia đình.