Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

HTX chăn nuôi phát triển theo hướng nào?

HTX chăn nuôi phát triển theo hướng nào?
Publish date: Friday. April 10th, 2015

Loay hoay tìm lối đi

Đã qua thời hợp tác xã (HTX) đánh kẻng đi làm mà hiện nay HTX được xác định là nơi quy tụ các hạt nhân để tạo vùng sản xuất lớn. Đặc biệt, sự tập hợp này sẽ trao cho các xã viên, người nông dân trong kinh tế thị trường, quyền thương thảo và quyết định giá trị nông sản của mình làm ra.

Trong tiến trình thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi hiện nay, vai trò của các HTX càng trở nên quan trọng, nhất là trong việc tập hợp, liên kết nông dân cùng sản xuất theo chuỗi giá trị. Tuy nhiên, mô hình HTX chăn nuôi ở Việt Nam vẫn đang hình thành tự phát và khi đạt đến quy mô công nghiệp thì hầu hết đều gặp khó khăn trong quản lý và phát triển sản xuất.

HTX Chăn nuôi và Dịch vụ Cổ Đông, thị xã Sơn Tây là một trong những HTX ra đời sớm và phát triển mạnh nhất trên địa bàn Hà Nội. Tính đến nay, toàn HTX có 350 xã viên với trên 550 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô công nghiệp và hàng trăm trang trại chăn nuôi bán công nghiệp có quy mô vừa và nhỏ.

Tổng đàn lợn của HTX khoảng 175.000 con/lứa, đàn gà từ 950.000 - 1.000.000 con/lứa, cho lợi nhuận trên 80 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, hoạt động của HTX hiện vẫn gặp rất nhiều khó khăn như đất đai xây dựng trang trại, trụ sở văn phòng, khu chế biến, giết mổ, kho bãi chưa được quy hoạch. Phần lớn diện tích do xã viên tự đi thuê với giá cao, thời hạn ngắn nên rủi ro đầu tư lớn.

Bên cạnh đó, chăn nuôi trong HTX chủ yếu còn tự phát, phân tán, khó quản lý và kiểm soát dịch bệnh dẫn tới hiệu quả chưa cao.

Ông Trần Văn Chiến - Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi và Dịch vụ Cổ Đông phàn nàn, có tới 60% trang trại chăn nuôi gia công cho công ty nước ngoài, phân chia lợi nhuận chưa công bằng nên người nuôi chịu thiệt. Thêm vào đó, chi phí đầu tư xử lý môi trường còn cao, quá sức đối với các chủ trang trại. Nhiều trang trại gặp khó về nguồn đầu tư sản xuất, nhất là tiếp cận vốn vay ngân hàng. Trăn trở của ông Chiến cũng là tâm tư của rất nhiều HTX chăn nuôi khác.

Những “ngã rẽ” bất ngờ

Theo thống kê của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), hiện nay cả nước có hơn 9.700 HTX nông nghiệp bao gồm cả trồng trọt và chăn nuôi. Vấn đề phát triển HTX chăn nuôi đã được Bộ NN&PTNT cũng như các địa phương quan tâm, tạo điều kiện trong những năm qua. Tuy nhiên, vẫn còn không ít HTX phải giải thể hoặc không có doanh thu do thiếu phương án sản xuất, kinh doanh, năng lực quản lý hiệu quả. Ngoài ra, thị trường tiêu thụ sản phẩm bấp bênh và qua nhiều khâu trung gian dẫn tới người sản xuất thường xuyên bị ép giá.

Trong một cuộc họp mới đây về phát triển chăn nuôi tại Bộ NN&PTNT, nhiều đại diện HTX đề nghị phải có chính sách đầu tư xây dựng vùng chăn nuôi gắn với giết mổ, chế biến thức ăn, tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất được nguồn gốc. Có như vậy mới tạo điều kiện cho chăn nuôi ổn định, hiệu quả và tăng vai trò của HTX trong kết nối các hộ xã viên.

Tuy nhiên, không ít HTX khởi nguồn từ các HTX chăn nuôi đơn thuần đang tìm ra những hướng đi mới, hiệu quả hơn. Đây có thể được coi là những “ngã rẽ” bất ngờ của những HTX chăn nuôi năng động.

HTX Chăn nuôi Nam Sách (Hải Dương) là HTX kiểu mới được thành lập năm 2002, mỗi hộ xã viên đã nuôi lợn theo phương pháp công nghiệp, từ 30 - 200 con. Thậm chí có hộ còn nuôi nhiều hơn, kết hợp nuôi gà và cá, thực chất là phát triển thành các trang trại chăn nuôi.

Trong lúc nhiều HTX đang rất khó khăn trong việc định hình việc hoạt động thì HTX Chăn nuôi Nam Sách đã xác định rõ lĩnh vực của mình là cung cấp vật tư, nguyên liệu phục vụ chăn nuôi, kỹ thuật chuồng trại và nuôi lợn, dịch vụ thú y, hỗ trợ vay tín dụng ngân hàng, tiêu thụ sản phẩm cho xã viên.

Tức là, không chỉ dừng lại ở hình thức sản xuất chăn nuôi đơn thuần, tại HTX này, các nhu cầu chung cho chăn nuôi đều được đáp ứng trên tinh thần hợp tác, bàn bạc dân chủ giữa các hộ xã viên.

Nhờ hướng đi mới này, HTX Chăn nuôi Nam Sách đã thành Liên hiệp HTX Chăn nuôi Nam Sách. Tổ chức này đã xác định đáp ứng nhu cầu đầu vào, dịch vụ kỹ thuật, đặc biệt mở dịch vụ tiêu thụ, chế biến thịt lợn cho các HTX thành viên

Quy mô hoạt động của Liên hiệp tăng hơn hẳn so với từng HTX thành viên riêng lẻ, do vậy hiệu quả của HTX và kinh tế hộ xã viên cao hơn hẳn so với trước đây. Liên hiệp HTX thực chất là HTX của các HTX, một tổ chức hợp tác cấp cao hơn so với HTX, tập hợp được nhiều xã viên hơn.

Đây chính là mô hình tổ chức HTX dịch vụ phục vụ xã viên, theo đó xã viên vừa là chủ sở hữu vừa là người sử dụng dịch vụ của HTX.

Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết các HTX chăn nuôi tổ chức được dịch vụ kinh doanh thì không những giá rẻ mà chất lượng vật tư cũng được đảm bảo. Đặc biệt, dịch vụ chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm sẽ giúp tạo sự gắn bó bền vững giữa các xã viên và mang lại lợi nhuận cho HTX.

Do đó, để phát triển mạnh mẽ HTX chăn nuôi, các địa phương cần đánh giá mô hình đang triển khai, rà soát lại quy mô, phương thức hoạt động cho phù hợp và nhân rộng các mô hình hiệu quả. Trong đó xác định rõ chủ thể của HTX cũng như khả năng đóng góp nguồn lực như vốn, cổ phần, nhân sự, thiết bị... theo đúng Luật HTX.


Related news

Các Mô Hình Liên Kết Trong Chăn Nuôi Hiện Thực Hóa Các Mô Hình Liên Kết Trong Chăn Nuôi Hiện Thực Hóa "Giấc Mơ"... Của Nông Dân!

Liên kết để chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau làm ăn, phát triển kinh tế và xa hơn là hướng đến chuỗi liên kết chăn nuôi thống nhất, tạo ra sản phẩm có thương hiệu đang là mục đích hướng đến của nông dân tỉnh Quảng Bình hiện nay. Tuy nhiên, trong thực tế mối liên kết này vẫn còn lỏng lẻo, tự phát và người nông dân vẫn phải “tự bơi” là chủ yếu. Để những mô hình này trở nên bền vững và đi vào chiều sâu, cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cấp chính quyền và ban ngành liên quan.

Tuesday. April 8th, 2014
Bảo Vệ Tài Nguyên Biển Để Phát Triển Thủy Sản Bảo Vệ Tài Nguyên Biển Để Phát Triển Thủy Sản

Theo TS. Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội, cũng là một người gắn bó lâu năm với ngành Thủy sản, để phát triển thủy sản, không chỉ là những chính sách hỗ trợ đánh bắt ngoài khơi, ngành Thủy sản còn cần xây dựng một cơ chế hỗ trợ trên bờ.

Wednesday. July 30th, 2014
Hiệu Quả Bước Đầu Từ Cây Mắc Ca Ở Thạch Thành Hiệu Quả Bước Đầu Từ Cây Mắc Ca Ở Thạch Thành

Ông Phạm Hữu Tú, thôn Đồng Luật, xã Thành Mỹ được biết đến là một trong những người tiên phong trồng cây mắc ca ở các tỉnh phía Bắc. Ông cho biết: Năm 1998, gia đình ông nhận khoán 20 ha rừng phòng hộ và rừng sản xuất của Ban Quản lý rừng phòng hộ Thạch Thành.

Wednesday. July 30th, 2014
Trứng Gà Tân An Vẫn Loay Hoay Tìm Kiếm Thị Trường Trứng Gà Tân An Vẫn Loay Hoay Tìm Kiếm Thị Trường

Trứng gà Tân An (Quảng Ninh) là một trong số những nông sản được tỉnh lựa chọn để xây dựng thương hiệu. Đây là cơ hội nâng cao uy tín sản phẩm; tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, việc được chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu vẫn chưa giúp gì nhiều cho trứng gà Tân An mở rộng hơn thị trường tiêu thụ...

Tuesday. April 8th, 2014
Triển Vọng Cây Cao Su Trên Vùng Đất Lang Chánh Triển Vọng Cây Cao Su Trên Vùng Đất Lang Chánh

Ông Phạm Hùng Sanh, thôn Xuốm, xã Đồng Lương, cho biết: Sau khi được chính quyền địa phương tuyên truyền, qua tìm hiểu thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng được sự hỗ trợ kinh phí, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cao su, gia đình tôi quyết định chuyển đổi một số diện tích vườn tạp và cây trồng kém hiệu quả sang trồng mới 1,5 ha cao su.

Wednesday. July 30th, 2014