Thoát Nghèo Từ Con Chim Cút
Nuôi chim cút ấp trứng không chỉ giúp gia đình chị Phạm Thị Kim Điệp (ấp Phước Tân 2, xã Tân Hưng, TP.Bà Rịa) thoát nghèo mà còn vươn lên làm, giàu, trở thành nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.
Chị Phạm Thị Kim Điệp cho biết, năm 1990, hai vợ chồng chị về Bà Rịa lập nghiệp. Lúc bấy giờ, cả hai vợ chồng đều là nhân viên Công ty Lâm sản xuất khẩu Bà Rịa, đồng lương ít ỏi, không đủ trang trải sinh hoạt trong gia đình. Khi những đứa con ra đời, cuộc sống gia đình chị càng thêm khó khăn.
“Chúng tôi phải chắt chiu từng đồng, không dám ăn, dám mặc mà vẫn thiếu trước hụt sau, nghĩ tới cảnh nghèo mà rơi nước mắt” - chị Phạm Thị Kim Điệp nhớ lại.
Không an phận với cái nghèo, năm 2000, thấy việc nuôi chim cút lấy trứng, chưa nhiều người làm, chị Điệp bàn với chồng mạnh dạn vay vốn để “thử vận may”. Chạy vạy khắp nơi vay được 200 triệu đồng, vợ chồng chị Điệp bắt tay vào xây dựng chuồng trại và mua được 10.000 con cút giống. Lúc đầu, do chưa có kinh nghiệm, đàn chim cút của gia đình chị Điệp đẻ trứng ít nên hiệu quả kinh tế chưa cao.
Đã vậy, có những thời điểm dịch bệnh bùng phát, giá trứng giảm, chi phí thức ăn tăng cao…, khó khăn đó khiến gia đình chị tưởng chừng không thể vượt qua. Nhưng không nản chí, vợ chồng chị Điệp kiên trì học hỏi tích cực tìm tòi tích lũy kinh nghiệm chăm sóc chim cút. Nhờ đó, đàn chim ngày càng khỏe mạnh, ít bệnh và cho sản lượng trứng đều hơn. Thu nhập ngày càng nâng cao, kinh tế gia đình chị Điệp ổn định dần.
Chị Điệp chia sẻ, ưu thế nổi trội của chim cút là liên tục cho trứng trong vòng 7 tháng. Sau khoảng thời gian trên, năng suất trứng sụt giảm. Khi đó, chim được bán cho các nhà hàng để ăn thịt với giá 9.000 - 12.000 đồng/con và thay thế đàn chim hậu bị khác.
Theo chị Điệp, điều quan trọng nhất khi chăm sóc chim cút là phải vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát, bảo đảm đủ ánh sáng, nhằm tạo môi trường sống tốt cho chim. Đồng thời, chú ý các bệnh theo thời tiếtđể khống chế dịch bệnh.
Hiện nay, gia đình chị Điệp không những nuôi cút để bán trứng lạt, mà còn cho ấp để lấy trứng cút lộn. Thị trường chủ yếu của gia đình chị Điệp là TP.Bà Rịa và thị trấn Long Hải (huyện Long Điền). Với số lượng đàn từ 10.000 – 12.000 con chim cút, mỗi tháng gia đình chị Điệp thu được hàng trăm ngàn quả trứng, với giá 70.000 đồng/100 quả, sau khi trừ chi phí, gia đình chị Điệp lãi khoảng 20 triệu đồng/tháng.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình chị Điệp còn sẵn sàng giúp các hộ muốn nuôi chim cút về kinh nghiệm chăn nuôi, khi họ đến tham quan học hỏi về cách chăn nuôi chim cút của mình.
Năm 2013, chị Phạm Thị Kim Điệp đã được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo” và đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh năm 2008 – 2013” do Hội Nông dân tỉnh tặng.
Related news
Việc xen canh dứa gai với cao su không những đem lại thu nhập cao cho nông dân mà còn có tác dụng giúp đất tơi xốp, tăng cường dưỡng chất cho sự phát triển của cây cao su. Với hiệu quả đem lại, xã Ngọc Trung đang khuyến khích nông dân mở rộng diện tích trồng dứa gai xen cao su.
Hơn mười năm qua, Tổ hợp tác (THT) Đầm Chông thuộc làng biển Mỹ Tân (xã Thanh Hải, Ninh Hải, Ninh Thuận) luôn bám biển, phát huy nghề truyền thống đánh bắt thuỷ sản bằng lưới đăng hiệu quả, tạo công ăn việc làm và ổn định thu nhập cho hàng chục lao động địa phương.
Ngoài việc phải bảo đảm điều kiện cách xa khu dân cư, quy trình chăn nuôi khép kín, mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao còn được chính quyền địa phương ủng hộ nhờ hiệu quả ổn định nên bà con nông dân xã Cây Trường, huyện Bàu Bàng (Bình Dương) rất an tâm đầu tư thực hiện mô hình này.
Để chủ động phòng bệnh, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và thuỷ sản tiếp tục tăng cường công tác triển khai phòng chống dịch trên toàn tỉnh, song song đó thực hiện tiêm phòng, quản lý tốt các hoạt động giết mổ, bày bán, tiêu thụ gia súc, gia cầm.
Sau những năm tháng trồng rau thuê ở thành phố Hồ Chí Minh, anh Nguyễn Văn Chiêu, ấp Phước Hòa A, thị trấn Cù Lao Dung (huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng) trở về quê hương và áp dụng mô hình trồng rau theo hướng an toàn để phát triển kinh tế gia đình và bước đầu anh đã thành công.