Nông dân trồng chè VietGAP
Làm sao để có một vùng nguyên liệu năng suất cao, chất lượng tốt nhưng vẫn đảm bảo môi trường sản xuất bền vững chính là mục đích của mô hình thâm canh chè theo tiêu chuẩn VietGAP do Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm Nghiệp Miền Núi Phía Bắc phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng thực hiện tại xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng.
Với tổng diện tích trồng chè xấp xỉ 26,7 ngàn ha, Lâm Đồng là một trong những địa phương sản xuất chè lớn với nhiều giống chè quý chuyên phục vụ xuất khẩu.
Tuy nhiên, bà con nông dân trồng chè còn khá lạc hậu, kỹ thuật canh tác theo thói quen, theo truyền thống là chính, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường.
Bởi vậy, mô hình thâm canh chè theo tiêu chuẩn VietGAP xác định tạo một vùng thâm canh cây chè, giúp bà con nông dân làm quen với việc trồng chè đạt chuẩn, vừa tiết giảm chi phí, vừa đảm bảo năng suất, chất lượng cây chè đồng thời bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người trồng chè.
Ông Hán Quỳnh Châu, cán bộ Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng, người trực tiếp thực hiện mô hình cho biết:
Mô hình được thực hiện trong năm 2015, tập trung trên một diện tích 10ha chè cành chất lượng cao đang trong giai đoạn kinh doanh, qua điều tra, phỏng vấn các nông hộ tham gia mô hình, năng suất năm 2014 bình quân đạt 20 tấn búp tươi/ha/năm.
15 nông hộ tham gia mô hình sẽ được hỗ trợ 50% phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, được cán bộ kỹ thuật chuyển giao quy trình canh tác chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, theo dõi sát sao tình hình phát triển cũng như sâu bệnh, dịch hại để có hướng xử lý kịp thời.
Ông Châu cho hay: “Ngoài các nông hộ tham gia mô hình, chúng tôi đã tổ chức tập huấn kỹ thuật, tham quan hội thảo cho nhiều nông hộ trồng chè trong vùng để mở rộng hiệu quả của mô hình.
Từ đó, các nông hộ sau khi tham gia mô hình và nông dân trồng chè trong vùng được tập huấn và tham quan học tập sẽ nắm được quy trình kỹ thuật sản xuất chè thâm canh theo tiêu chuẩn VietGAP”.
Ngoài sự tham gia của nhà nông, nhà khoa học; dự án còn sự tham gia của doanh nghiệp với vai trò bao tiêu sản phẩm, tạo mối liên kết “4 nhà” chặt chẽ, đảm bảo quyền lợi cho các bên tham gia, đặc biệt là quyền lợi của người trồng chè.
Mục tiêu cuối cùng của mô hình, là nâng cao năng suất, chất lượng cây chè, được cấp giấy chứng nhận VietGAP, từ đó giá thành sản phẩm cao, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con nông dân.
Đồng thời, trồng chè an toàn giúp bảo vệ môi trường sinh thái, giảm ô nhiễm môi trường do ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật độc hại, bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất và tiêu dùng.
Công ty TNHH TM-SX-XNK Trí Việt, đối tác tham gia mô hình với vai trò là doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cũng là doanh nghiệp có kinh nghiệm trong trồng chè an toàn, chè organic tại huyện Bảo Lâm và phụ cận.
Công ty tham gia dự án, đồng hành hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật đồng thời bao tiêu sản phẩm chè đạt chuẩn với giá cao hơn giá thị trường.
Xây dựng được vùng nguyên liệu bền vững cũng là mục tiêu của công ty, đồng thời phù hợp với nhu cầu có đầu ra ổn định của bà con nông dân.
Đặc biệt, công ty sẽ đại diện đứng ra đăng ký chứng nhận VietGAP và cấp giấy chứng nhận VietGAP cho 10ha chè trên 15 hộ dân tham gia thuộc mô hình và bao tiêu sản phẩm chè.
Nếu liên kết thành công, công ty sẽ có một vùng nguyên liệu đạt chuẩn không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa mà còn phục vụ cho công tác xuất khẩu.
Cùng kinh nghiệm trồng chè lâu năm của cá nhân nông hộ, bà con sẽ được làm quen với việc ghi chép nhật ký đồng ruộng, thu gom xử lý rác thải, sử dụng thuốc và phân bón đúng danh mục, đúng quy định.
Rất nhiều kiến thức mới, quy định tiến bộ sẽ được chuyển giao cho bà con theo phương pháp trực quan sinh động ngay trên đồng ruộng.
Các hộ học hỏi được kiến thức, kinh nghiệm từ các kỹ sư, cán bộ kỹ thuật và có thể trở thành “chuyên gia”, tự mình vận hành được qui trình sản xuất chè thâm canh theo tiêu chuẩn VietGAP một cách bền vững, đồng bộ, ổn định và nâng cao chất lượng, năng suất, tăng hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích, nâng cao sức cạnh tranh của cây chè Lâm Đồng.
Thâm canh trên cây chè, nông dân vùng chè đang tự khẳng định sức phấn đấu của mình, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong và ngoài nước.
Related news
Với những ưu điểm vượt trội như: hàm lượng dinh dưỡng cao, giá bán cạnh tranh, phù hợp với khẩu vị nhiều người tiêu dùng... nên con cá tra Việt Nam được các nhà nhập khẩu quốc tế nhận định là "loại thực phẩm tuyệt vời".
Hiện, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có gần 240 cơ sở nuôi cá sấu với tổng đàn hơn 109 ngàn con, chủ yếu các hộ nuôi loại cá sấu Xiêm và phần lớn tập trung nuôi ở khu vực gần sông, hồ... Đằng sau sự phát triển “nóng” nuôi loại cá hung dữ này với mục đích làm thương phẩm, còn tồn tại nhiều vấn đề đáng lo ngại.
Theo tin từ Chi cục Thú y (Sở NN&PTNT), trước tình hình tôm nuôi tại Móng Cái (Quảng Ninh) có hiện tượng chết rải rác, ngày 20-5, chi cục đã phối hợp với Chi cục Nuôi trồng thủy sản, Phòng Kinh tế TP Móng Cái tiến hành thu 14 mẫu tại Hải Hòa và Vạn Ninh để xét nghiệm dịch bệnh.
Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang) đang phối hợp với Trung tâm Tư vấn thiết kế và Chuyển giao công nghệ thủy sản (Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I) lựa chọn, cung ứng 1,5 tấn cá bố mẹ đạt tiêu chuẩn nhân giống cho 12 cơ sở sản xuất cá giống ở các huyện: Lạng Giang, Việt Yên, Tân Yên, Hiệp Hòa và TP Bắc Giang.
Tại sao cây mắc ca tốt như thế mà diện tích trên thế giới chỉ 80.000 ha? GS. Hoàng Hòe cho biết, ông đã đi nhiều nơi và không có chỗ nào tốt, thuận lợi với cây mắc ca như ở Tây Nguyên Việt Nam.