Thiếu Liên Kết, DN Và Nông Dân Nuôi Cá Tra Đều Bẻ Kèo
Mặc dù đã có hợp đồng mua bán thế nhưng, việc soạn thảo và ký kết giữa hộ nuôi cá tra và doanh nghiệp dường như vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.
Nội dung hợp đồng liên kết lỏng lẻo, thiếu những quy định chế tài cụ thể khiến việc thực hiện mang tính nửa vời. Thực tế cho thấy, đã có người nuôi cá phải lao đao, vỡ nợ vì tình trạng doanh nghiệp chiếm dụng vốn bằng hình thức trả chậm, còn doanh nghiệp thì không mua được cá khi giá tăng.
Tại ĐBSCL, mỗi năm có hàng ngàn hợp đồng tiêu thụ cá tra giữa hộ nuôi và doanh nghiệp lại được kí kết. Thế nhưng cứ đến thời điểm giá cá tra biến động thì hợp đồng lại trở nên vô tác dụng (hay còn gọi là bẻ kèo).
Trong hầu hết các hợp đồng tiêu thụ cá tra hiện nay, nông dân chịu thiệt thòi bởi các điều khoản thường mang lại lợi thế cho doanh nghiệp thu mua. Chẳng hạn bên mua có thể từ chối nhận hàng, có quyền đánh giá, hủy hợp đồng, không nhận nguyên liệu, còn bên bán gần như hoàn toàn lệ thuộc.
Thời gian thanh toán thường kéo dài từ 30-45 ngày thậm chí lâu hơn, khiến nông dân bị chiếm dụng vốn. Mỗi ao cá khoảng 300 tấn, vốn nuôi khoảng 7-8 tỷ đồng nhưng khi bán, doanh nghiệp trả chậm trong 3 tháng, phí trả lãi suất ngân hàng khoảng 1,7%/tháng, người nuôi lỗ 400 triệu đồng.
Ngoài ra, các hợp đồng bao tiêu đều do bên mua soạn thảo, nông dân không có khả năng thực hiện nên hợp đồng thường rất lỏng lẻo, mang tính đối phó. Hệ quả tình trạng phá vỡ hợp đồng bao tiêu giữa nông dân và doanh nghiệp ngày càng nhiều và phần thiệt hầu hết thuộc về nông dân.
Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến giá cá tra bị thả nổi theo hướng ngày càng sụt giảm. Cụ thể, giá cá năm 2011 ở mức 29.000 đồng/kg, đến năm 2013 còn 22.500 đồng/kg, trong khi chi phí đầu tư lại ở mức cao.
Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam cho rằng: “Tôi kiến nghị nông dân nên hình thành những nhóm 8-9 người để đàm phán ký hợp đồng không nên ký hợp đồng đơn lẻ. Ký hợp đồng không phải với một doanh nghiệp mà với nhiều doanh nghiệp. Nếu có trục trặc với người nông dân, chúng tôi cũng tư vấn để tham gia quá trình xét xử bằng cơ chế trọng tài”.
Cá tra hiện nay vẫn là mặt hàng xuất khẩu độc quyền của Việt Nam với kim ngạch khoảng 1,8 tỷ USD/năm, nhưng giá trị xuất khẩu lại liên tục sụt giảm và số hộ nông dân thua lỗ đã lên đến gần 50%. Đây thực sự là một nghịch lý. Và nghịch lý này đã kéo dài nhiều năm, do mối liên kết giữa người nuôi và doanh nghiệp vẫn còn lỏng lẻo.
Vấn đề đặt ra không chỉ đơn thuần là hợp đồng tiêu thụ, mà xa hơn là các mô hình liên kết, để chuỗi sản xuất - tiêu thụ - chế biến - xuất khẩu cá tra thực sự mang về giá trị hợp lý cho con cá tra Việt Nam.
Related news
Lĩnh vực kinh doanh chính của HTX là: Kinh doanh dịch vụ vật tư nông nghiệp, chế biến nông, lâm sản; với số vốn hoạt động ban đầu của HTX là 786 triệu đồng.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa chủ trì Hội nghị họp bàn về dự thảo Nghị định một số chính sách phát triển thủy sản tại Đà Nẵng. Tham dự hội nghị có 9 tỉnh, thành phố ven biển cùng đại diện các bộ, ngành Trung ương. Đặc biệt, tại hội nghị lần này có sự tham gia của các ngư dân nên đã có nhiều ý kiến, đề xuất sát với thực tế.
Thuốc bảo vệ thực vật giả đang tiềm ẩn mối nguy hại lớn mà người nông hiện chưa biết kêu ai, kiện ai trong khi những vườn tiêu của họ lẫn đang chết dần mỗi ngày.
Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2014, Thái Lan đã xuất khẩu khoảng 3,82 triệu tấn, tăng 52% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu từ Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái (TREA).
Lần đầu tiên ngư dân Bình Định bắt đầu tiếp cận với năm bộ câu cá ngừ đại dương của Nhật Bản và được huấn luyện đánh bắt theo cách Nhật.