Bình Định Ương Tôm Hùm Bông Giống Trong Lồng

Nhằm chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật mới cho người nuôi trồng thủy sản phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả và tăng thu nhập, mới đây, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư (KNKN) tỉnh Bình Định đã thực hiện thành công mô hình “ương tôm hùm bông giống trong lồng” tại xã đảo Nhơn Châu, TP Quy Nhơn.
Mô hình được Trung tâm KNKN phối hợp với Trạm KN TP Quy Nhơn thực hiện tại thôn Đông, xã đảo Nhơn Châu; quy mô 4 lồng nuôi với kích thước 6 m2/lồng, có 7 hộ trực tiếp tham gia mô hình; thời gian thực hiện 4 tháng (từ tháng 3 đến hết tháng 7.2014). Mô hình được thực hiện trên vùng nước có độ mặn ổn định 35‰, ít bị ảnh hưởng do thủy triều, độ sâu tối thiểu 6 m khi thủy triều xuống.
Sau khi được tập huấn kỹ thuật ương tôm hùm giống, các hộ tham gia mô hình đã thả giống với mật độ 35 con/m2, tương đương 210 con/lồng 6 m2. Thức ăn để nuôi ương tôm hùm giống chủ yếu là hàu, ghẹ, cá các loại... đảm bảo tươi sống, đủ dinh dưỡng cho quá trình sinh trưởng của tôm; lượng thức ăn sử dụng vừa phải, phù hợp với kích cỡ phát triển của tôm giống trong từng giai đoạn sinh trưởng.
Trong quá trình nuôi, bà con thực hiện vệ sinh lồng nuôi; phòng, trị bệnh cho tôm giống theo hướng dẫn của cán bộ khuyến ngư. Kết quả, với trọng lượng tôm giống thả nuôi ban đầu 0,2 - 0,3g/con (tôm trắng), sau gần 4 tháng ương nuôi, tôm sinh trưởng và phát triển khá tốt, tỉ lệ tôm sống đạt 96,7%; tôm giống phát triển khá đồng đều, không mắc dịch bệnh, trọng lượng đạt bình quân 65 - 70g/con (yêu cầu đề ra là 50g/con). Được biết, với giá tôm giống thời điểm hiện tại là 450 ngàn đồng/con (50g/con), sau khi trừ chi phí người nuôi lãi 17,9 triệu đồng/lồng.
Theo ông Nguyễn Văn Nhật- ngư dân tham gia mô hình: Nhờ thực hiện ương tôm trong lồng theo đúng quy trình được cán bộ khuyến ngư hướng dẫn, nhất là các khâu chăm sóc, cho tôm ăn, theo dõi vệ sinh lồng và phòng trị bệnh cho tôm giống kịp thời, nên tôm phát triển tốt. Mô hình đạt hiệu quả cao, bà con ngư dân chúng tôi sẽ học tập làm theo.
Ông Phan Tuấn, Trưởng Trạm KN TP Quy Nhơn, cho biết: Việc thực hiện thành công mô hình này cho thấy hướng đi này phù hợp trong việc hỗ trợ bà con ngư dân tại xã đảo Nhơn Châu chuyển đổi từ nghề cũ là đánh bắt, khai thác thủy sản gần bờ kém hiệu quả chuyển sang nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả kinh tế cao hơn; qua đó giúp bà con phát triển sản xuất, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Mới đây tại Hội thảo tổng kết mô hình, bà con ngư dân tham dự rất phấn khởi trước kết quả đạt được từ mô hình và mong muốn học tập làm theo.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm KNKN biểu dương các hộ ngư dân tự nguyện tham gia mô hình đã có nhiều cố gắng để mô hình đạt kết quả tốt, và khẳng định trong thời gian tới Trung tâm sẽ tiếp tục hỗ trợ bà con ngư dân xã đảo Nhơn Châu về mặt kỹ thuật, giúp bà con tiếp tục phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình ương tôm hùm bông giống.
Trung tâm sẽ tiếp tục nghiên cứu, lựa chọn các mô hình phù hợp để chuyển giao, giúp bà con ngư dân xã đảo Nhơn Châu phát triển sản xuất một cách hiệu quả và bền vững.
Với hiệu quả của mô hình ương tôm hùm bông giống, trong thời gia tới Trung tâm KNKN sẽ có kế hoạch nhân rộng mô hình ra các địa phương ven biển có điều kiện phát triền nghề ương nuôi tôm hùm, qua đó nâng cao hiệu quả nghề nuôi tôm hùm ở tỉnh ta một cách bền vững.
Related news

Với sự hỗ trợ tích cực của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Quảng Bình đang đi những bước cuối cùng chuyển toàn bộ khu nuôi tôm công nghiệp 120ha của Công ty Sông Gianh cho người dân xã Phú Trạch sản xuất trong tháng 9, chấm dứt việc bỏ hoang gần 10 năm nay.

Với quy mô kinh tế gia đình, nông dân nhiều địa phương ở An Giang đã tổ chức nuôi trồng và chế biến thủy sản theo hướng dẫn kỹ thuật, đầu tư đồng vốn trong điều kiện có được, tận dụng ngày công lao động… tạo ra nguồn thu nhập đáng kể, vừa giúp ích việc làm cho số đông hộ nghèo ở xóm, ấp, vừa có khả năng nhân rộng trên địa bàn dân cư và phát triển mạnh ở nông thôn.

Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang phát triển ngành thủy sản theo hướng hội nhập bền vững với chỉ tiêu đến năm 2020 diện tích nuôi trồng đạt 1 triệu ha mặt nước, sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 2,5 triệu tấn, trong đó có 450.000 tấn tôm.

Nuôi tôm trên cát là một trong những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao đối với các doanh nghiệp (DN) và hộ nuôi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì mô hình này cũng tiêu tốn một lượng điện năng rất lớn do các DN, hộ nuôi sử dụng các thiết bị lạc hậu, không có tính năng tiết kiệm năng lượng (TKNL).

Từ đầu tháng 7.2013 đến nay, người nuôi tôm hùm thương phẩm ở xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn, Bình Định) phấn khởi vì giá sản phẩm liên tục tăng. Do dịch bệnh tôm, giá con giống và thức ăn tăng nên mức lãi không được như mong muốn, nhưng người nuôi tôm vẫn an tâm sản xuất.