Thành tỷ phú Đông Dương nhờ hạt bơ sáp vứt đi
Thu hơn 2 tỷ đồng nhờ cây bơ sáp
Huỳnh Trần Quốc Phi (37 tuổi, ở ấp Phú Ninh, xã Phú Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) kể rằng, năm 2007, anh rất bất ngờ khi trong vườn nhà xuất hiện một cây bơ duy nhất, trái sai oằn cành.
Trái nào trái nấy đều xanh mướt, căng to, da bóng láng.
Cây bơ này, trong một dịp rất tình cờ, gia đình anh mua trái về ăn rồi quăng hột ra vườn.
Ai ngờ, cây bơ sáp lại bén duyên vùng sông nước.
Bắt đầu từ đây, anh quyết định nhân giống bằng cách ghép cành.
Từ cây bơ mẹ, năm đầu tiên anh ghép chừng 100 cây bơ con.
Trong số này, một nửa anh cho bà con trong xóm mỗi người một vài cây đem về trồng thử, còn một nửa anh đem trồng xen trong vườn sầu riêng.
Anh Huỳnh Trần Quốc Phi bên vườn bơ sai trái.
Hai năm sau, cây bơ phát triển tốt và cho trái không khác gì giống bơ mẹ.
Nghe tin anh Phi trồng được giống bơ sáp ngon, nhiều thương lái lùng đến tận nơi.
Họ đặt mua toàn bộ trái trong vườn.
Thời điểm đó, anh Phi bán 30.000-40.000 đồng/kg, cao gấp đôi giá bơ ngoài thị trường.
Riêng năng suất cây đầu dòng cho trái khoảng 400-500 kg/cây.
Theo đánh giá, đây là loại bơ có chất lượng ngon, độ béo cao, cơm dùng được 80% trong trái, hạt nhỏ,...
''Trước đây, bơ chỉ trồng được một số vùng như Tây Nguyên, Đông Nam bộ chứ ĐBSCL chưa thấy ai trồng bao giờ.
Lúc phát hiện cây bơ sau vườn, tôi lấy làm lạ nên ghép cây trồng thử, ai ngờ cây bơ sáp cũng thích hợp với thổ nhưỡng và khí hậu nóng ẩm ở đây.
Từ đó cây bơ sáp gắn bó với tôi”, anh Phi nói.
Đến năm 2014, anh Phi rất vui khi được Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre - sau nhiều lần thẩm định - đã cấp cho anh chứng nhận cây đầu dòng giống bơ sáp da xanh HP.
Khi đã thành công, anh Phi không chú tâm phát triển cây bơ cho trái nữa mà chủ yếu chuyển sang làm bơ giống.
Từ 100 cây bơ sáp trong vườn, anh dành để lấy mắt, ghép thành cây con.
Hai năm trở lại đây, giống bơ này được nhiều người biết đến nên cây giống của anh bán rất đắt.
Mỗi năm, anh xuất bán hàng trăm ngàn cây bơ giống, chủ yếu là giống bơ sáp da xanh HP .
Giống bơ sáp da xanh HP được đánh giá cao về chất lượng
Anh Phi cho biết, cây bơ giống của anh có mặt khắp miền Tây Nam bộ, thậm chí cả Đông Nam Bộ và Tây Nguyên - thủ phủ của cây bơ.
“Ở ngoài đó họ mua bơ giống của tôi vì họ không sản xuất được cây giống.
Mặt khác, đây là giống bơ chất lượng cao nên người ta rất ưa chuộng và đặt hàng nhiều.
Có khi cung không đủ cầu”, anh hóm hỉnh giải thích.
Cũng từ việc bán cây bơ giống, hàng năm anh Phi có nguồn thu nhập “khủng” hơn 2 tỷ đồng.
Sang Campuchia lập trang trại lớn
Nhận thấy cây bơ có tiềm năng kinh tế lớn, được thị trường ưa chuộng, mới đây anh Phi đã thuê 330 ha đất bên Campuchia để trồng bơ sáp.
Theo kế hoạch, anh sẽ đầu tư làm hai giai đoạn.
Giai đoạn 1 triển khai từ tháng 7/2015, đến cuối mùa mưa năm nay sẽ hoàn thành trồng 130 ha, còn 200 ha ở giai đoạn 2 sẽ trồng vào năm 2016.
Tổng vốn đầu tư vào đây là hơn 10 tỷ đồng.
Nói về dự án táo bạo này, anh Phi bộc bạch: ''Nhận thấy vùng đất đó có khả năng phát triển được cây bơ nên tôi đã mạnh dạn đầu tư.
Nếu có hiệu quả tốt, trong tương lai tôi dự kiến sẽ phát triển một Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm cây ăn trái toàn phần ở Campuchia để quảng bá về giống bơ sáp và nhiều giống cây trồng khác”.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay anh đang gặp phải là khoản chi phí lớn để đầu tư hệ thống nước tưới hoàn chỉnh.
Nhiều năm qua, cũng có nhiều nông dân Việt Nam sang Campuchia thuê đất trồng lúa, mía, sắn mì, cao su,...
Và anh Phi được xem là nông dân đầu tiên phát triển giống bơ sáp ở vùng đất mới đầy tiềm năng này.
Related news
Vụ đông xuân, huyện Duy Xuyên gieo sạ 3.850ha lúa. Do thời tiết ban ngày nắng ấm, lạnh về đêm, sáng sớm có sương mù nên có hàng trăm héc ta lúa ở các xã Duy Hòa, Duy Vinh, Duy Phước, Duy Sơn, Duy Trinh, Duy Tân, Duy Phú và thị trấn Nam Phước bị các loại sâu bệnh phát sinh gây hại, nhất là bệnh đạo ôn gây hại nặng trên 20ha và chuột gây hại trên 13,5ha ở khu vực ven đồi núi.
Ngày 4.3, Trung tâm Ứng dụng và thông tin khoa học công nghệ (Sở Khoa học - công nghệ) phối hợp với UBND huyện Đại Lộc tổ chức lớp tập huấn hướng dẫn quy trình, kỹ thuật sản xuất phân hữu cơ vi sinh chức năng cho 30 nông dân thôn Bàu Tròn (xã Đại An, Đại Lộc).
Ngư dân Nguyễn Vĩnh Phát (thôn Hà Quang, xã Tam Tiến, Núi Thành), chủ tàu cá QNa-00461 có công suất 90CV, cho biết: “Sau tết, vào ngày mùng 5, chúng tôi khởi hành ra khơi đánh bắt hải sản bằng nghề chụp mực. Chuyến biển khởi hành đầu năm thường cho sản lượng lớn do đây là mùa sinh sôi của cá, mực.
Mấy ngày nay, nhiều nông dân ở Bàu Tròn (xã Đại An, Đại Lộc) tập trung ra đồng để cải tạo đất, chăm bón và phòng trừ dịch bệnh cho cây màu và chuẩn bị cho vụ mùa mới. Bà Nguyễn Thị Lài ra đồng từ sớm để bón phân cho mấy sào ớt và bắp vừa mới gieo trồng trong vụ đông xuân để kịp thời thu hoạch vào cuối tháng 2 âm lịch sắp tới.
Nhằm hạn chế những thiệt hại do chuột gây ra, đảm bảo an toàn cho cây lúa đông xuân phát triển trong giai đoạn từ nay đến cuối vụ, Trạm Bảo vệ thực vật huyện Núi Thành hướng dẫn nông dân áp dụng đồng bộ các biện pháp diệt chuột bằng các loại bẫy, ưu tiên dùng những loại bẫy bả sinh học để đảm bảo an toàn cho con người và môi trường.