Cùng Nông Dân Làm Giàu
Năng động, sáng tạo sản xuất ra những sản phẩm tốt phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu - đó là điểm dễ nhận thấy của nhiều ND trong phong trào ND thi đua SXKD giỏi TP.Hà Nội, giai đoạn 2009-2011.
Thành công này có đóng góp không nhỏ của các cấp Hội Nông dân ở thành phố.
Nhạy bén với thị trường
Nhiều người biết ông Lê Đức Giáp, xã Cao Viên (Thanh Oai) là người nhạy bén với thị trường. Năm 2001, ông Giáp mạnh dạn chuyển đổi 5 sào đất lúa sang trồng 700 cây cam Canh. Chỉ hơn 1 năm, ông thu hoạch 3 tấn quả, trừ chi phí lãi trên 60 triệu đồng. Khi thị trường xuất hiện nhu cầu, ông bắt tay ngay vào làm cam Canh, bưởi Diễn cảnh. Năm 2008, ông mày mò ghép nhiều loại quả trên 1 cây. Việc ghép “ngũ quả” trên 1 cây đã giúp cây cảnh có múi của ông tăng giá trị cũng như doanh thu.
Trên địa bàn thủ đô, chủ trương dồn điền đổi thửa, chuyển đổi sản xuất nhằm tăng giá trị thu nhập đã xuất hiện ngày càng nhiều các gia trại, trang trại. Điển hình là trang trại của gia đình anh Tạ Văn Thắng, thôn Đống Long, xã Hoà Lâm (Ứng Hoà). Với 4 mẫu chuyển đổi từ ruộng trũng sang làm trang trại nuôi cá, nuôi vịt ấp trứng, năm 2011 doanh thu của gia đình anh hơn 3 tỷ đồng. “Dồn điền đổi thửa làm trang trại đa canh đã tạo động lực cho ND huy động công sức, tiền vốn để đầu tư phát triển sản xuất”- anh Thắng lý giải.
Bà Dương Thị Hằng- Phó Chủ tịch Hội ND TP. Hà Nội cho biết, thủ đô là thị trường tiêu thụ hàng hoá lớn; có nhiều trung tâm khoa học kỹ thuật; tập trung nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng; các nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn ngày càng được tăng cường. Những lợi thế đó đã và đang thúc đẩy phong trào ND thi đua SXKD giỏi phát triển theo hướng tăng cả về lượng và chất, các hộ ND có thu nhập cao ngày càng nhiều. Điển hình như ông Nguyễn Gia Sự, ở xã Thuần Mỹ (Ba Vì), với diện tích trang trại hơn 1,1ha nuôi cá, ba ba, gà thịt đạt doanh thu hơn 3 tỷ đồng/năm...
Hỗ trợ ND làm giàu
Bên cạnh sản phẩm của các làng nghề truyền thống, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư sản xuất những mặt hàng mới, sản phẩm mới. Nghề làm chỉ, dây giày, nhãn mác các loại của hộ ông Triệu Khắc Thuỷ, xã Tân Triều (Thanh Trì) là một ví dụ. Với nghề này, năm 2011, doanh thu của gia đình ông đạt hơn nửa tỷ đồng. Cơ sở của ông còn tạo việc làm thường xuyên cho 40-50 lao động.
Phong trào ND SXKD giỏi đã xuất hiện nhiều hộ nghèo vượt khó. Như gia đình chị Đào Thị Thiện, xã Quang Tiến, khởi đầu nghề trồng nấm năm 2006 với 10 triệu đồng, trong đó 8 triệu đồng vay Ngân hàng CSXH qua Tổ Tiết kiệm và Vay vốn của Hội ND. Đến nay chị đã có 400m2 nhà xưởng, sản xuất hàng chục tấn nấm các loại/năm...
Theo ông Trịnh Thế Khiết- Chủ tịch Hội ND Hà Nội, giai đoạn 2009-2011, phong trào ND SXKD giỏi tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ thiết thực từ cấp uỷ, chính quyền và Hội ND các cấp. Đó là thành phố liên tục trích ngân sách bổ sung tăng trưởng Quỹ HTND. Hiện, Quỹ HTND thành phố có hơn 277 tỷ đồng. Hoạt động phối hợp giữa Hội ND và các ngành, đơn vị, doanh nghiệp cũng được đẩy mạnh nhằm hỗ trợ ND, như khuyến nông, khuyến công; cung ứng vật tư phân bón; hỗ trợ vay vốn; dạy nghề, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật...
Related news
Những ngày qua đã có tin đồn thất thiệt Trung Quốc đóng cửa biên giới, khiến giá khoai lang và một vài mặt hàng nông sản khác có lúc rớt giá. Theo ghi nhận của chúng tôi, mặt hàng trái cây như thanh long, xoài, dưa hấu và một số trái cây khác cho thấy chưa bị ảnh hưởng nhiều.
Do môi trường và thời tiết thay đổi, chuyển mưa chính vụ, buổi sáng trời nắng nóng, buổi chiều mưa rải rác nên vùng nuôi tôm trong tỉnh Sóc Trăng bị thiệt hại hơn 12.951 ha.
Ngày 4.6, trao đổi với phóng viên NTNN, lão nông Nguyễn Văn Ơn buồn bã cho biết: “Mấy ngày nay giá dâu bòn bon chỉ còn 1.000 đồng/kg, trong khi những năm trước, khi vào chính vụ, thương lái vẫn vào tận vườn hái mua với giá 6.000 - 7.000 đồng/kg. Năm nay, dâu bon rớt giá thảm hại mà thương lái không buồn mua”.
Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến ngư Quốc gia, từ năm 2012 đến nay, Trung tâm Thủy sản đã thực hiện các mô hình nuôi cá rô phi đơn tính theo quy trình VietGAP tại các huyện Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Bình, T.X Sông Công và T.P Thái Nguyên (Thái Nguyên) đạt hiệu quả, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp cho người dân địa phương.
Sóc Trăng có trên 18 ngàn ha nuôi thủy sản nước ngọt. Ưu thế của các mô hình nuôi thủy sản nước ngọt là có thể kết hợp với các mô hình khác, như mô hình lúa – cá, vườn– ao –chuồng hoặc đơn giản chỉ là nuôi nhiều loại cá trong cùng một diện tích, giúp nông dân thu nhập từ nhiều nguồn. Trong đó cá tai tượng được nhiều nông dân chọn nuôi vì cho thu nhập rất cao.