Thanh Long Nghịch Vụ Rớt Một Nửa Giá
Giá thanh long nghịch vụ tại Bình Thuận hiện được thương lái thu mua ở mức từ 8.000-12.000đ/kg, giảm hơn nửa so với thời điểm này năm ngoái.
Trong khi đó chi phí chong đèn để điều khiển ra hoa trái vụ tăng cao, khiến nhà vườn không có lãi mấy.
Nông dân Nguyễn Văn Hưng, thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc, một người trồng thanh long có thâm niên cho biết, chưa năm nào giá thanh long nghịch vụ lại rớt giá thê thảm như hiện nay, chỉ dao động ở mức từ 8.000-12.000đ/kg (tùy loại), giảm hơn nửa so với thời điểm năm ngoái.
Trong khi đó chi phí đầu tư cho đợt chong đèn hiện nay như phân, thuốc BVTV, công, điện chong đèn, đều tăng cao nên khi thu hoạch, trừ chi phí nông dân không có lãi mấy. Ông Hưng còn cho biết, như gia đình ông có 400 trụ thanh long.
Thời điểm năm ngoái với diện tích trên, ông chong đèn thu hoạch được gần 4 tấn trái, bán với giá 22.000đ/kg, sau tri trừ tất cả chi phí gia đình ông lãi hàng chục triệu đồng. Còn năm nay cũng chong đèn chừng ấy diện tích, thu hoạch hơn 4 tấn, nhưng chỉ bán được giá từ 9.000đ/kg, sau khi trừ chi phí gia đình ông chỉ huề vốn.
Cùng cảnh ngộ với gia đình ông Hưng, gia đình ông Nguyễn Văn Trưởng, xã Hàm Phú cũng vừa mới thu hoạch được 5 tấn trái thanh long, bán với giá trung bình 10.000đ/kg, sau khi trừ chi phí ông không có lãi.
Gặp chúng tôi ông Trường than vãn: “Giá thanh long nghịch vụ năm nay thương lái thu mua không ổn định, lúc chỉ thu mua với giá 7.000-8.000đ/kg, lúc nhích lên 15.000-16.000đ/kg, nhưng sau đó vài hôm lại giảm chỉ còn 8.000-12.000đ/kg cho đến nay. Trồng thanh long chúng tôi chỉ đợi bán những đợt nghịch vụ mà giá này thì đắng cả miệng”.
Hiện các DN thu mua thanh long giải thích với người dân nguyên nhân rớt giá là do bên Trung Quốc vào mùa đông, nhu cầu cần những loại trái cây mát cũng hạn chế, vì vậy hàng bị ứ đọng nhiều.
Theo ông Nguyễn Cao Trí, một nhà vườn, để trồng thanh long nghịch vụ có lãi thì giá thu mua phải từ 14.000đ/kg trở lên, còn dưới 10.0000đ/kg thì cầm chắc thua lỗ.
Bởi nếu tính chi phí chong điện thắp sáng gần 20 đêm cho thanh long ra hoa, nông dân cũng mất khá nhiều tiền rồi, chưa kể tiền phân thuốc, mua rơm đắp gốc…
Mặt khác, việc thanh long thời điểm này rớt giá cũng khiến nhiều nhà vườn chọn phương án bán búp thanh long để thu lại tiền vốn chong đèn. Vì theo họ nếu để trái, công chăm sóc phải kéo dài thêm gần 2 tháng nữa, sẽ có nhiều chi phí phát sinh.
Chị Phan Thị Thi, một người mua búp thanh long cho cơ sở thu mua búp thanh long Hoa Bá Vương, xã Hàm Trí cho biết, khoảng 2 tháng nay cơ sở này mua rất nhiều búp thanh long của nông dân, nhiều hơn cả chính mùa. Hiện 9 máy sấy búp thanh long phải hoạt động hết công suất mới đủ thu mua hết nguồn búp mà bà con bán liên tục cho cơ sở. Mặc dù giá búp hiện nay cơ sở vẫn thu mua ở mức 3.500đ/kg, nhưng với giá trên bà con phần nào cũng thu lại chi phí tiền điện.
Ông Phạm Hữu Thủ, Trưởng phòng Nông nghiệp, Sở NN-PTNT Bình Thuận cho biết, thời điểm này bà con đang bước vào đợt 2 vụ chong đèn để điều khiển thanh long ra hoa trái vụ. Hiện nay nguồn điện đã ổn định, nên diện tích chong đèn và sản lượng thu hoạch tương đương với thời điểm chính vụ, từ 35-40 ngàn tấn/tháng. Tuy nhiên giá thanh long hiện nay có sự biến động hàng ngày, lúc thấp, lúc cao cũng phần nào ảnh hướng đến thu nhập của người dân.
Related news
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), trước đây Trung Quốc(TQ) luôn dẫn đầu về hàng rau quả nhập khẩu vào Việt Nam (VN) nhưng sáutháng đầu năm nay vị trí này đã đổi chủ.
Lượng muối tồn đọng ở Khánh Hòa lên tới 40.000 tấn muối do giá muối giảm mạnh chỉ còn 400-600 đồng/kg, giảm 50% so với năm ngoái.
Tay không ngừng rút từng chiếc vỏ trai (vỏ con trai) hứng nhựa vét sơn vào chiếc chậu hay thùng nhỏ, bác Mai Thanh Trọng ở thôn Me Thượng, xã Vô Điếm (Bắc Quang) tâm sự: “Gia đình chỉ có mấy sào ruộng và rừng tạp, đời sống khó khăn, lại sống trong địa bàn xã vùng sâu, giao thông cách trở. Nhân có lần đi thăm con gái lấy chồng ở Phú Thọ, nhận thấy cây sơn có thể trồng ở quê mình, nên tôi đã mua giống về trồng thử. Đến nay sau 2 năm trồng đã thấy được hiệu quả, nhựa sơn bán cũng cho thu nhập khá”.
Từ một hộ nghèo, vươn lên thoát nghèo. Từ nguồn vốn vay Ngân hàng, tạo đột phá trong phát triển kinh tế vườn, trở thành cách làm hiệu quả được chính quyền sở tại ghi nhận và có chủ trương nhân rộng. Đó là câu chuyện của nông dân Đỗ Văn Hiển, điển hình làm kinh tế giỏi của thôn Vĩnh Ban, xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang).
Kích thước trái nhãn Phú Tây ở Sóc Trăng vào khoảng 4cm, cơm dày, hạt nhỏ và có mùi thơm đặc biệt.