Mít Cao Sản Trồng Xen Tiêu - Mô Hình Mới Hiệu Quả

Với quyết tâm tìm hướng đi mới, anh Đào Văn Suốt thôn Tân Hòa - xã Sông Phan là người đầu tiên thử nghiệm mô hình trồng mít cao sản hay còn gọi mít siêu sớm trồng xen tiêu cho hiệu quả cao ở xã Sông Phan - Hàm Tân (Bình Thuận).
Từ vùng đất Thanh Hóa, với số vốn trong tay 6 triệu đồng, anh Suốt đến xã Sông Phan lập nghiệp năm 2002. Thời gian đầu, anh phải làm thuê làm mướn mới đủ sống. Nhờ cần cù, chịu khó anh Suốt khai hoang thêm đất rẫy sản xuất. Từ đó, anh bắt tay vào trồng cây điều và một số loại cây ngắn ngày khác, tuy nhiên hiệu quả đem lại không cao. Năm 2010, sau khi tham gia lớp tập huấn về chuyển đổi cơ cấu cây trồng do Hội Cựu chiến binh huyện Hàm Tân tổ chức, về nhà anh tìm hiểu thêm qua sách, báo và biết được giống mít cao sản ở miền Tây vừa dễ trồng lại cho thu nhập cao nên mạnh dạn đầu tư mua 800 cây giống về trồng thử nghiệm. Theo đúng kỹ thuật xuống giống mít cao sản khoảng cách giữa các cây phải từ 6m - 7m. Tận dụng những khoảng đất trống giữa các cây, sau khi xuống cây mít anh nghiên cứu trồng xen cây tiêu. Với đặc tính của tiêu là loại cây ưa mát, anh Suốt trồng theo phương pháp mới dùng trụ sống là cây keo để trồng, nên vườn tiêu của anh tươi tốt hơn hẳn. Anh Suốt phân tích: “Để trồng được 1ha hồ tiêu với mật độ 2,5 x 2,5m, thì phải đầu tư khoảng 100 triệu đồng để mua trụ cây khô, đó là chưa tính đến phân bón, giống. Trong khi đó, nếu trồng bằng trụ cây sống thì chi phí ít, chỉ bằng 1/3. Keo là cây họ đậu nên không cạnh tranh chất dinh dưỡng với cây tiêu và có ưu điểm là lớn nhanh và có tuổi thọ cao. Ngoài ra, keo lá nhỏ, vừa có khả năng che mát, nhưng vẫn có tán xạ đủ ánh sáng cho tiêu quang hợp”.
Cây mít cao sản khi trồng xen tiêu vẫn phát triển tốt, so với các loại cây ăn trái khác mít là cây dễ trồng, chịu hạn rất tốt, ít công chăm sóc. Cây phát triển nhanh, trái sai, múi to, cơm dày, hạt nhỏ, thơm ngon và ngọt. Hiện nay, loại trái cây này được nhiều người rất ưa chuộng và các nhà máy sản xuất cũng chọn thu mua loại mít này để sấy khô. Đặc biệt, cây mít lớn tuổi sau khi lấy quả còn có thể thu được khối lượng gỗ lớn bán làm đồ mỹ nghệ. Đến nay, vườn mít nhà anh Suốt được 3 năm tuổi đã cho trái bói, sản lượng đạt khá. Vụ này, cây chuẩn bị cho thu hoạch rộ. Nhìn cây nào cũng tươi tốt, tán lá xum xuê như hứa hẹn một mùa sai quả. Tuy nhiên, Anh Suốt cũng lưu ý, tuy mít dễ trồng, nhưng phải thường xuyên chăm sóc, bón phân và theo dõi các loài sâu rầy đục trái, đục thân, nhất là bệnh nấm hại cây.
Giờ đây, màu xanh ngút ngàn trù phú của mô hình mít cao sản trồng xen tiêu như đem lại một luồng gió mới trong việc chuyển đổi cây trồng cho vùng đất chỉ chuyên cây mì và bắp như Sông Phan. Theo đánh giá của Hội Nông dân xã Sông Phan, mô hình mít trồng xen tiêu của gia đình anh Suốt bước đầu thích hợp, các loại cây hỗ trợ nhau phát triển tốt, cho năng suất cao. Một vài hộ ở đây bắt đầu trồng thử nghiệm.
Related news

Xã Tân Công Sính (huyện Tam Nông - Đồng Tháp) có kinh tế chủ yếu là nông nghiệp. Ngoài việc đồng áng, nhiều phụ nữ còn thời gian nhàn rỗi. Nhằm tạo thêm việc làm, năm 2012, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã tư vấn giới thiệu mô hình nuôi ong cho các chị phụ nữ trong xã.

Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp (GĐLH) đã giúp nông dân nâng cao chất lượng lúa gạo, tiết kiệm rất nhiều thời gian và chi phí trong khâu thu hoạch. Song, do máy gặt đập liên hợp phun rơm ra đồng ruộng trên diện rộng, khó thu gom sử dụng cho các mục đích sản xuất khác nên nguồn rơm này hầu như bị bà con nông dân bỏ phí hoặc đốt bỏ tại đồng gây ô nhiễm môi trường. Cách làm gây lãng phí này đang được ngành nông nghiệp TP Cần Thơ quan tâm tìm cách giải quyết.

Để chủ động ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu và khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của một huyện vùng ven biển, năm 2012, Đông Hải (Bạc Liêu) đã tập trung phát triển nhiều mô hình sản xuất trong nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là mô hình nuôi tôm quảng canh - quảng canh cải tiến kết hợp. Đồng thời, thực hiện phương châm nuôi trồng đa con gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Từ một hộ trồng thanh long ruột đỏ (TLRĐ), đến nay Hà Nội đã có hàng chục hộ trồng, với diện tích hơn 30ha, thu nhập đạt gần 200 triệu đồng/ha/năm. Cây TLRĐ đã và đang dần khẳng định thế đứng trên đất Thủ đô.

Tỉnh Thái Bình đang tập trung chỉ đạo dập dịch lợn tai xanh tại 2 xã Vũ Hòa (huyện Kiến Xương) và Vũ Vân (huyện Vũ Thư). Hiện tình hình dịch bệnh tai xanh trên địa bàn 2 xã này bước đầu được khống chế, số lợn bị ốm cơ bản đã được chữa trị kịp thời và đang dần hồi phục.