Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thăm trang trại hữu cơ siêu sạch phải lội qua dung dịch khử trùng

Thăm trang trại hữu cơ siêu sạch phải lội qua dung dịch khử trùng
Publish date: Monday. September 14th, 2015

Chủ nhân của trang trại này chính là thượng tá Nguyễn Đại Thắng - nguyên Giám đốc Công ty Thăng Long (Bộ Tư lệnh Thủ đô), người được mệnh danh là đi đầu trong công nghệ sinh học EM và chăn nuôi hữu cơ.

Cởi áo lính, khoác áo mâu

Trang trại đặt biệt này tọa lạc ở thôn Phú Nghĩa, xã Minh Phú (Sóc Sơn, Hà Nội) trên mảnh đất 1,2ha, sát với khu dân cư. Ấy thế mà trong 5 năm tồn tại, không hề “cảm nhận” được mùi phân thải của trang trại. Hơn 5 năm trước, ông Thắng nghỉ hưu, nhưng đôi chân và cái đầu thì chưa hề muốn nghỉ.

Ông tự nhủ, mình còn khỏe, còn chất xám, thì cớ gì không làm một cái gì đó có ý nghĩa cho mình, gia đình và xã hội. Chất lính là thế, nghĩ là làm. Cái mà ông chọn là làm bạn với… lợn.

Thượng tá Nguyễn Đại Thắng cho biết, nuôi lợn bằng công nghệ EM, giúp lớn nhanh lớn, hạn chế bệnh tật, thịt chắc, thơm ngon.

Khổ nỗi, ở thời điểm đó ngành chăn nuôi đang rơi vào khủng hoảng, bởi dịch bệnh diễn ra liên miên, giá thức ăn leo thang, giá lợn, gà tụt dốc. Bởi vậy, ban đầu quyết định của ông bị gia đình, vợ con phản đối kịch liệt. Họ không phản đối sao được, khi ông cả gan bán đi ngôi nhà khang trang, mặt tiền ở một phố lớn Hà Nội, chấp nhận lùi vào ngõ sâu để có tiền thực hiện ước mơ của mình.

Người phản đối quyết liệt nhất là bà cụ thân sinh ra ông, hồi ấy tuần nào bà cũng bắt các cháu nối điện thoại từ quê lúa Quỳnh Phụ (Thái Bình) lên Hà Nội để mắng, can ngăn. Thậm chí cụ còn nặng lời: “Anh đúng là phú quý thụt lùi thật rồi. Ai đời thuở nào thượng tá, Giám đốc rồi giờ lại đi bám đít con lợn”.

Ông Thắng kể lại: “Hồi đó mình cũng liều thật. Nhưng tính mình là thế, đã quyết là làm và làm rất say mê. Tôi biết cụ lo, nên chỉ bảo mẹ yên tâm, biết đâu con nuôi lợn còn nổi tiếng, thành công hơn làm giám đốc ấy chứ”.

Cũng kể từ đó, trên giá sách của ông, ngoài những cuốn sách về nhà binh, còn xuất hiện thêm các cuốn sách cẩm nang, kỹ thuật chăn nuôi lợn, gà. Rồi thi thoảng nghe ở đâu có trang trại hay, cách nuôi lợn, gà mới là ông lên đường, không kể trong Nam hay ngoài Bắc.

Mỗi năm, ông cũng mày mò 2-3 lần sang Trung Quốc, Thái Lan để học hỏi, xem xứ người họ nuôi lợn như thế nào. Cũng vì thế, mà cái vẻ bên ngoài lịch lãm của vị thượng tá ngày nào dần biến mất và thay vào đó là dáng dấp của một nông dân thực thụ, lam lũ, cần cù, chịu khó…

Chế phẩm EM khắc tinh mùi hôi thối

Nếu không đến tận nơi, dù có là người giỏi tưởng tượng cũng khó có thể hình dung hết trang trại đặc biệt này như thế nào. Khi bước vào cổng cả xe và người đều phải lội qua vũng nước dung dịch khử trùng, sau đó mọi người được đưa vào phòng sát trùng, thay đồ mới có thể vào thăm quan trang trại.

Dẫn chúng tôi đi khắp các ô chuồng với hàng trăm con lợn to có, nhỏ có, rồi bên cạnh là hàng chục nghìn con gà Ai Cập, gà Tam Hoàng đang thi nhau gáy, ấy vậy mà tôi không hề ngửi thấy mùi hôi thối từ phân do chúng thải ra. Quan sát tối thấy nền chuồng không phải bằng xi măng, mà là đất, mùn cưa hay một thứ gì đó rất tơi xốp.

Nền chuồng được làm bằng đất, cát, mùn cưa và chế phẩm sinh học EM nên có khả năng xử mùi hôi thối, vừa kích thích tăng trưởng của lợn, gà.

Ông Thắng bảo, ngay từ đầu, ý tưởng của ông là hướng đến chăn nuôi sạch, hữu cơ để cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm tốt nhất. Bởi hiện nay, từ chăn nuôi, đến trồng trọt đều đang lạm dụng quá nhiều hóa chất, chất kích thích tăng trưởng… “Muốn có sản phẩm sạch, phải có môi trường sạch, con giống sạch, thức ăn sạch và giết mổ sạch. Với sản phẩm hữu cơ, thậm chí còn khắt khe hơn nữa” – ông Thắng chia sẻ.

Tôi đang băn khoăn, thì ông Thắng vẫn đang đi đôi giày Tây nhảy phắt vào chuồng lợn, rồi thọc cả bàn tay xuống lớp mùn ấy, bốc một nắm đưa lên ngửi rồi bảo: “Chú nhảy vào đi, yên tâm không sợ thối, bẩn đâu”. Phần tò mò, phần vì nể ông mời nhiệt tình quá, tôi lội vào chuồng theo ông.

Đúng là không bẩn, không có mùi thối thật. Mới ngửi qua còn có mùi thoang thoảng như cám rang. Ngó ngược, nhìn xuôi tôi chẳng thấy hầm biogas đâu, vậy hàng ngày hàng trăm con lợn, hàng chục nghìn con gà thải phân, nước tiêu “bốc hơi” đi đâu hết?

Biết tôi băn khoăn, ông Thắng cười bảo: “Tất cả là nhờ công nghệ EM đấy. Công thức này rất đơn giản với nguyên liệu chỉ là đất, cát, mùn cưa và chế phẩm sinh học EM trộn đều với nhau chờ cho lên men là có thể thả lợn, gà vào nuôi thoải mái không sợ mùi”.

Chỉ tay về phía các ô chuồng gà, ông Thắng giải thích: “Sau khi lên men, nền chuồng chính là nơi vi sinh vật phát triển, chúng sẽ tiêu hủy hết các chất thải của lợn, gà. Đây là loại sinh vật có khả năng tiêu diệt triệt để các vi khuẩn gây thối, nên chuồng trại không có mùi là vì thế”.

Trước đó, năm 1992 ý tưởng mở trang trại chăn nuôi sạch, theo hướng hữu cơ đã hé lên trong đầu ông, khi ông có chuyến thăm quan trang trại lợn ở Trung Quốc. Khi đó, ông đã giật mình khi biết một trang trại nuôi gần 1.000 con lợn, nhưng chỉ có 2 vợ chồng già.

Nể họ quá, ông Thắng tìm hiểu và được biết họ đang sử dụng công nghệ “nuôi lợn không tắm”. Thời gian sau, ông được người bạn thân tặng cuốn sách với tựa đề “Hãy cứu vớt trái đất”, của Giáo sư Higateruo, người Nhật Bản.

Nghe lời tựa ông không mấy hứng thú, bởi nghe “bác học” quá. Nhưng khi đọc qua vài trang thì một lần nữa ông giật mình, bởi ở đó cho ông rất nhiều bài học về chế phẩm EM, mà theo ông nó phải là vị “cứu tinh” của ngành chăn nuôi, của trái đất mới phải.

Trong cuốn sách nói rằng, nhờ sinh vật ông có thể biến phân lợn, gà, trâu, bò, cừu… thành phân bón. Thậm chí chuồng lợn, gà, nhà tiêu, cống rãnh không còn ruồi nhặng, mùi xú uế… Thích thú, ông tiếp tục sang Trung Quốc với hy vọng tìm manh mối về công nghệ này, nhưng ông đã thất bại, bởi họ không tiết lộ công nghệ.

Nhưng ông đã kịp bốc “trộm” được ít đất bỏ vào túi ni lông đem về. Về nước, ông tìm đến Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam xin gặp một số giáo sư, tiến sĩ, trong đó có tiến sĩ Phạm Khắc Quảng, một chuyên gia hàng đầu về chế phẩm EM.

Sau vài lần gặp, ông Quảng cũng chỉ cho ông một ít chế phẩm, tài liệu, rồi bảo về tự làm. Sau nhiều năm, nhiều lần thí nghiệm, cuối cùng ông cũng đã “chế” ra công thức tốt nhất từ chế phẩm EM. Lúc đầu, ông thử ủ thức ăn cho lợn, trâu, bò rồi khử mùi ở các chuồng trại, ao, cống rãnh đều rất tốt. Khi công trình của ông được công bố, chính tiến sĩ Quảng đã phải thốt lên: “Tôi phục ông quá. Ông xứng đáng là tiến sĩ “chân đất”.

Đưa sản phẩm hữu cơ đến người tiêu dùng

Ông Thắng bảo, ngay từ đầu, ý tưởng của ông là hướng đến chăn nuôi sạch, hữu cơ để cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm tốt nhất. Bởi hiện nay, từ chăn nuôi, đến trồng trọt đều đang lạm dụng quá nhiều hóa chất, chất kích thích tăng trưởng… “Muốn có sản phẩm sạch, phải có môi trường sạch, con giống sạch, thức ăn sạch và giết mổ sạch. Với sản phẩm hữu cơ, thậm chí còn khắt khe hơn nữa” – ông Thắng chia sẻ.

Gà sạch, hữu cơ, phải có môi trường sạch, con giống sạch, thức ăn sạch và giết mổ sạch.

Bên cạnh đó, trước khi nuôi lợn, gà, ông còn tuyển chọn con giống rất kỹ lưỡng. nguồn thức ăn cũng được ông sử dụng chủ yếu từ tự nhiên như rau cỏ tự nhiên hoặc gia đình trồng chứ không sử dụng chất kích thích, phân bón hóa học, thức ăn công nghiệp. Ngay cả thuốc tiêm cho lợn, gà ông cũng chỉ sử dụng thuốc sinh học.

Ông Thắng cho hay: “Với nền chuồng dày 50 – 60cm, mật độ 2m2/con có thể sử dụng được 4 – 5 năm. Tương đương 8 con lợn, sau nửa năm sẽ đủ phân bón cho khoảng 1ha ngô, khoai. Ưu điểm của loại phân này là có hàm lượng dinh dưỡng cao, giúp đất tơi xốp, cây cối, rau màu xanh tốt, là nguồn thức ăn rất tốt cho lợn, gà, cũng nhờ mô hình khép kín này mà sản phẩm của trang trại tôi luôn được nhiều người đón nhận”.

Nói đơn giản, công thức của ông là: Lợn, gà ăn rau cỏ tự nhiên, rồi thải phân ra và ông lại lấy phân đó để trồng rau cỏ, rồi lại lấy rau cỏ cho lợn ăn… cứ như thế thành một vòng tuần hoàn khép kín “không mất đi đâu tý nào”.

Không chỉ vậy, lợn, gà ở trang trại ông Thắng còn được thoải mái đi lại, dúi, bới tìm thức ăn trong đất, nên thịt rất săn chắc, thơm ngon. Chứ không phải thứ lợn “ăn no rồi lại nằm khèo”, hay gà công nghiệp chỉ biết ăn và đẻ thịt bở như đậu phụ.

Về giá cả, ông Thắng cho biết, giá gà và lợn của ông có cao hơn so với lợn, gà nuôi công nghiệp vài giá, đổi lại chất lượng lợn đảm bảo an toàn thực phẩm tuyệt đối. Hiện hàng tuần ông Thắng thịt từ 4 – 6 con lợn và hàng trăm con gà để bán cho khách dưới nhiều hình thức.

Bán trực tiếp cho khách thăm quan, du lịch các tour tham quan quanh Sóc Sơn. Bán buôn cho các đại lý, nhà hàng, khách sợn lợn ở Hà Nội. Ông Thắng cho biết thêm, ông đang có dự định thành lập trang web để bán hàng online.


Related news

Hào hứng vụ đông Hào hứng vụ đông

Vụ này toàn huyện Gia Lộc (Hải Dương) gieo trồng 3.400 ha cây rau màu các loại gồm bắp cải, su hào, cải dưa, cà tím, mướp đắng, ngô nếp, dưa chuột, cải các loại…

Saturday. October 24th, 2015
Thử nghiệm thành công nuôi tôm thẻ bằng thảo dược Thử nghiệm thành công nuôi tôm thẻ bằng thảo dược

Sau 90 ngày thả nuôi kết quả ban đầu cho thấy mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thí nghiệm đạt tỷ lệ sống từ 70-80%, bình quân tôm nuôi từ 50-60 con/kg.

Saturday. October 24th, 2015
Trồng xen dưới tán cao su: Làm chơi ăn thật Trồng xen dưới tán cao su: Làm chơi ăn thật

Sau cơn bão số 3 (năm 2010), xã Tân Phú (huyện Tân Kỳ, Nghệ An) có 200 ha cao su phải trồng lại.

Saturday. October 24th, 2015
1,8 tỷ đồng lai tạo nuôi dưỡng bò lai 1,8 tỷ đồng lai tạo nuôi dưỡng bò lai

Tỉnh Trà Vinh sẽ phát triển đàn bò lai hướng thịt. Theo đó đề tài "Nghiên cứu xây dựng mô hình lai tạo và nuôi dưỡng bò lai hướng thịt tại huyện Trà Cú" với kinh phí hơn 1,8 tỷ đồng vừa được phê duyệt.

Saturday. October 24th, 2015
Mô hình nuôi cá mú đạt hiệu quả Mô hình nuôi cá mú đạt hiệu quả

Trong nhiều năm trở lại đây, do nguồn nước bị ô nhiễm làm cho tôm bị thiệt hại nặng, nên nhiều nông dân tại khu vực chợ Bến, An Thạnh (xã An Ngãi, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) đã chuyển sang nuôi cá mú.

Saturday. October 24th, 2015