Trở Thành Triệu Phú Từ 2 Cây Bưởi Da Xanh

Quê ở Bến Tre - vùng đất có nhiều loại trái cây nổi tiếng, đến vùng đất mới xã Thuận Phú (Đồng Phú - Bình Phước) lập nghiệp, bốn anh em nhà ông Võ Xuân Sơn đem theo hành trang quý giá là 2 cây bưởi da xanh. Để rồi hôm nay, anh em ông Sơn trở thành triệu phú từ 2 cây bưởi da xanh ấy.
Ông Sơn cho biết: “Cách đây 7-8 năm, về quê ở Bến Tre, trở lại Thuận Phú tôi mang theo 2 cây bưởi giống trồng thử. Thấy phát triển tốt, cho nhiều trái nên tôi bắt đầu nhân giống. Đến nay vườn bưởi nhà tôi đã có 100 gốc”.
Theo chân ông Sơn, chúng tôi ra vườn bưởi rợp bóng mát bởi những tán lá xanh non mượt mà, xòe rộng, sai trái căng tròn... mới thấy hết tâm huyết và công sức của gia đình ông bỏ ra từ khi trồng đến lúc thu hoạch. Ông Sơn chia sẻ: “Để có bưởi đẹp, bán được giá như hiện nay, mỗi chùm chỉ nên để lại 1 trái, nhiều cỡ lớn nhỏ khác nhau. Như vậy cây mới đủ chất dinh dưỡng để nuôi trái to, bóng, đẹp, chất lượng”.
Vườn bưởi nhà ông Sơn cũng như hơn 400 gốc bưởi của 3 người em trai, đều sạch sẽ, thoáng mát và ngay hàng thẳng lối, cây nào cũng cho trái to, đều, mỗi gốc cách nhau 3m. Khi mới trồng, cách 2-3 ngày tưới nước 1 lần. Khi cây trưởng thành cho trái, mỗi tuần tưới 1 lần. Hàng năm đều bồi đất để giúp mát gốc và bổ sung chất dinh dưỡng cho cây.
Bưởi da xanh là một trong những loại trái cây được thị trường ưa chuộng, bởi chất lượng, dinh dưỡng, vị ngọt thanh, trái to, màu sắc đẹp. Ông Sơn cho biết thương lái đến tận vườn mua bưởi chuyển đi các tỉnh Gia Lai, Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh... 100 gốc bưởi da xanh, với giá bán trung bình bưởi loại 1 từ 30 đến 40 ngàn đồng/kg, bưởi loại 2 từ 20 đến 25 ngàn đồng/kg... sau khi trừ chi phí mỗi năm gia đình ông Sơn lãi gần 200 triệu đồng.
Ông Võ Văn Nghĩa, em trai ông Sơn cho biết: “Để có vườn bưởi da xanh 200 gốc như hiện nay, tôi phải tự học trên sách báo và xuống Bến Tre tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc. Đất ở đây rất tốt nên trái bưởi to, nhiều nước và ngọt hơn so với trồng ở những nơi khác trên địa bàn tỉnh”.
Ông Nghĩa cho biết thêm: “Muốn trồng bưởi đạt hiệu quả cao, ngoài chọn giống và có thổ nhưỡng phù hợp còn phải có kỹ thuật chăm sóc tốt. Kỹ thuật chăm sóc bưởi da xanh rất đơn giản, không tốn nhiều thời gian, nhưng phải đúng quy trình. Trung bình cách 2,5 tháng bón phân một lần, bình quân mỗi gốc bón 300g hỗn hợp phân urê, lân và kali. Đến khi cây có trái non bón ít phân kali, ưu tiên cho phân lân và urê. Đến lúc trái lớn tăng phân kali giúp cho trái đẹp, vỏ mỏng, da bóng và tăng độ ngọt. Ngoài ra, mỗi năm một lần, bón thêm 10-15kg phân chuồng vào đầu mùa mưa để đất tơi xốp, bổ sung thêm chất dinh dưỡng. So với các loại cây khác, bưởi da xanh ít bị bệnh, chủ yếu là do sâu vẽ bùa ăn hại lá non, nên ngoài bón phân thì kết hợp phun thuốc trừ sâu. Đến khi cây có bông phải phun thuốc dưỡng bông, dưỡng trái”.
Nhiều năm trước, người dân trong vùng không ai nghĩ có thể trồng được bưởi da xanh ở đây. Và hôm nay, nhiều hộ dân ở xã Thuận Phú đã học theo mô hình của anh em nhà ông Sơn, chọn bưởi da xanh để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở ra hướng đi mới cho những người trồng cây ăn trái.
Bưởi da xanh có điểm đặc biệt là dù chín hay xanh đều giữ sắc vỏ xanh. Tép bưởi đều, dễ tróc, có màu hồng, hương vị ngọt, thơm ngon.
Thời gian qua, trong khi giá cả nhiều loại trái cây lên xuống thất thường nhưng giá bưởi da xanh luôn ổn định và cho hiệu quả kinh tế cao.
Related news

Nhằm đảm bảo việc sản xuất, kinh doanh cây trồng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Trong đó, mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân vi phạm là 50 triệu đồng, đối với tổ chức mức phạt được tăng gấp đôi (100 triệu đồng).

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát khẳng định rằng so với các loại cây trồng khác, mía đường vẫn là ngành được bảo hộ cao nhất; phải gấp rút thực hiện giải pháp nâng cao khả năng cạnh tranh ngành mía đường.

Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là nội dung quan trọng, cốt lõi trong tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế và xây dựng NTM của tỉnh nhằm xây dựng, phát triển nền nông nghiệp hàng hóa hiệu quả và bền vững với năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao, góp phần quan trọng nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho dân cư nông thôn.

Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của xã Hải Lộc (Hải Hậu) có những chuyển biến tích cực, trong đó đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Hiện nay, tại Hải Lộc đã hình thành được nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.

Chăn nuôi càng phát triển thì việc phòng chống ô nhiễm môi trường càng trở nên cần thiết và cấp bách. Nếu như người dân đô thị phải đối mặt với tình trạng tiếng ồn, rác thải sinh hoạt, khói bụi... thì người dân ở một số vùng nông thôn lại phải sống chung với tình trạng ô nhiễm môi trường do thuốc trừ sâu, rác thải nông nghiệp và đặc biệt là chất thải từ chăn nuôi.