Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Tàn Phá Rừng Miền Tây Nghệ An

Tàn Phá Rừng Miền Tây Nghệ An
Publish date: Monday. August 29th, 2011

Nạn phá rừng, vận chuyển gỗ lậu ở miền tây Nghệ An hiện đang vô cùng nhức nhối. Chính đội trưởng đội kiểm lâm cơ động số 1 Chi cục Kiểm lâm Nghệ An Lê Xuân Đình thừa nhận: “Mỗi năm có hơn ngàn khối gỗ trôi về xuôi”...

Liên tục các vụ vận chuyển gỗ lậu lớn trên quốc lộ 7 lẫn dưới sông Cả bị lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) - Công an Nghệ An bắt giữ. Mới đây, PC 49 kỳ công bắt vụ vận chuyển 30 khối gỗ trên sông Cả.

10 ngày phục kích

... Đêm thứ chín sau cơn bão số 3, các chiến sĩ trinh sát PC49 rời nơi mai phục để về lại nhà dân. Trước khi thay đồ đi ngủ, các trinh sát chụm đầu bàn bạc: “Mưa to đến mức ban ngày mà mặt sông mù mịt, nước thượng nguồn dâng cao nên nhiều khả năng ngày mai bè gỗ sẽ xuôi”. Đúng như dự đoán, mờ sáng 3-8 một bè gỗ lớn xuất hiện. Sau khi điện báo về chỉ huy, các trinh sát được lệnh “cứ buông cho nó trôi đến khi về hạ lưu Anh Sơn mới xử lý”.

Khi bè gỗ về đến địa phận thị trấn huyện Anh Sơn, lực lượng PC49 xuất hiện. Năm đối tượng trên bè gỗ hốt hoảng, không hiểu sao giữa trời dông gió thế này lại có công an ập lên quá bất ngờ.

Thượng úy Phạm Văn Huy, một trong những trinh sát có kinh nghiệm của PC49, kể lại cuộc vây bắt bè gỗ: “Chúng tôi không hiểu nổi vì sao sau Trạm kiểm lâm Khe Phèn còn có Trạm kiểm lâm Cây Chanh (huyện Anh Sơn) nhưng bè gỗ cứ mặc nhiên trôi về xuôi. Cứ kiểu này thì rừng đầu nguồn còn tiếp tục bị đốn hạ, lũ lụt tiếp tục xảy ra”.

Trên bè gỗ lậu, các đầu nậu Đậu Văn Nga, Nguyễn Đình Toàn, Đặng Đình Trung, Nguyễn Khắc Hồng, Trần Thị Thân khai: “Trước bè của bọn tôi đã có ba bè gỗ qua Khe Phèn. Đến bè bọn tôi có anh Thắng nhân viên của trạm Khe Phèn kiểm tra nhưng chỉ thấy toàn nứa nên cho qua”.

Kiểm lâm, bảo vệ rừng nói gì?

Gỗ lậu từ Khe Thơi ra đến sông Cả phải qua ba cửa, trong đó có Trạm kiểm lâm Pù Mát và Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn thuộc huyện Con Cuông. Chúng tôi ngược lên hai cửa gác này để tìm câu trả lời. Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Pù Mát Đặng Đình Xuân trả lời: “Nếu gỗ ra từ vùng lõi thì trách nhiệm mới thuộc về chúng tôi, còn vùng đệm mênh mông lắm, cách trạm kiểm lâm của Pù Mát khá xa”.

Trong khi đó, trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Con Cuông Phú Văn Lĩnh sửng sốt khi nghe chúng tôi hỏi về bè gỗ 30 khối bị PC49 bắt: “Thật sự là tôi không biết bè gỗ trôi qua như thế. Mặc dù không phải chức năng chính nhưng tôi sẽ cho kiểm tra. Khủng khiếp quá”. Tiếp đó, chúng tôi đến Trạm kiểm lâm Khe Phèn nhưng chỉ gặp một nhân viên đang nằm gác vì “cán bộ trạm đang đi họp”.

Trước đó, ngày 8-8, chúng tôi đến gặp Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Nghệ An Lê Cao Bính nhưng ông Bính từ chối làm việc vì “bận đi họp UBND tỉnh”. Chúng tôi đăng ký lịch làm việc, ông Bính từ chối vì “tôi không hẹn được do đi công tác xa”. Người thứ hai chúng tôi gặp là phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Nghệ An Nguyễn Thanh Hoàng.

Khi nghe chúng tôi trao đổi, ông Hoàng nói quyền phát ngôn là của chi cục trưởng. Nhưng rồi câu chuyện chúng tôi muốn nói cũng được nêu ra, khi tôi hỏi về vụ PC49 vừa bắt 30 khối gỗ ngày 3-8 thì ông Hoàng nói “không biết”. Tôi hỏi tiếp về nhận định mỗi năm có hơn 1.000 khối gỗ lậu chuyển về xuôi, ông Hoàng nói có lẽ các hạt báo cáo qua phòng pháp chế và hẹn kiểm tra sau.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An: kiên quyết làm cho ra

Sau khi nghe chúng tôi phản ảnh về những câu chuyện này, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Hồ Đức Phớc hỏi han kỹ lưỡng, ghi chép cẩn thận những số liệu “nóng”. Ông nói: “Nếu chính xác như báo phản ánh thì những cán bộ nào liên quan mắc sai phạm sẽ bị xử lý rất nghiêm. Tôi sẽ kiên quyết làm đến cùng để bảo vệ sự tồn tại của rừng đầu nguồn, trong đó có vườn quốc gia Pù Mát”.


Related news

Người đầu tiên mang cây măng cụt về Long Khánh Người đầu tiên mang cây măng cụt về Long Khánh

Nông dân Võ Thành Lập (ảnh), ngụ ấp Nông Doanh, xã Xuân Tân được xem là người đầu tiên trồng cây măng cụt trên vùng đất Long Khánh. Từ 20 cây măng cụt đầu tiên ông mang từ tỉnh Sông Bé cũ về trồng vào năm 1973, đến nay khu vườn rộng 2hécta của ông đã có trên 600 cây măng cụt lớn nhỏ khác nhau.

Thursday. July 2nd, 2015
Đầu tư máy móc nông nghiệp còn manh mún Đầu tư máy móc nông nghiệp còn manh mún

Trong giai đoạn hội nhập sâu rộng như hiện nay, đầu tư máy móc, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất là yêu cầu không thể thiếu để ngành nông nghiệp có thể cạnh tranh khi bước vào sân chơi chung. Nhà nước cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ, như: Nghị định 68 ưu đãi vốn cho doanh nghiệp, nông dân mua máy móc, thiết bị từ khâu sản xuất đến sơ chế, chế biến nông sản; Nghị định 210 ưu đãi cho dự án ứng dụng công nghệ cao…

Thursday. July 2nd, 2015
Giải cứu vải thiều khi thương lái Trung Quốc ngừng mua Giải cứu vải thiều khi thương lái Trung Quốc ngừng mua

Từ doanh nghiệp cho đến một số cá nhân đang tìm cách đẩy mạnh bán trong nước để giải phóng số vải đang chín rộ, sau khi thương lái đột ngột ngừng mua khiến giá rớt kỷ lục.

Friday. July 3rd, 2015
Friday. July 3rd, 2015
Tìm giải pháp ổn định đầu ra cho trái dâu Phong Điền Tìm giải pháp ổn định đầu ra cho trái dâu Phong Điền

Dâu hiện là một trong những loại cây ăn trái chiếm diện tích khá lớn tại huyện Phong Điền, TP Cần Thơ. Trong đó, dâu hạ châu là loại cây ăn trái đặc sản tại địa phương đã được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến. Để duy trì và phát triển bền vững diện tích trồng dâu trên địa bàn Phong Điền, các cấp, các ngành chức năng tại địa phương và thành phố đã và đang rất quan tâm giúp nông dân ổn định đầu ra sản phẩm.

Friday. July 3rd, 2015