Xuất Khẩu Cao Su Thiếu Quy Chuẩn Chất Lượng
Hiện Việt Nam chưa có quy chuẩn quốc gia cho ngành cao su nên chưa có cơ sở pháp lý cho việc kiểm soát chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra của các nhà máy chế biến mủ cao su.
Cùng với việc nguồn cung cao su thiên nhiên vượt cầu, việc thiếu quy chuản về chất lượng cao su xuất khẩu và sự tăng trưởng kinh tế chậm lại ở một số thị trường tiêu thụ chính như Trung Quốc, Ấn Độ đã tác động xấu tới cao su xuất khẩu Việt Nam.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 2 tháng đầu năm, tổng khối lượng cao su xuất khẩu ước đạt 104.000 tấn với giá trị kim ngạch đạt 215 triệu USD, giảm 25,4% về khối lượng và giảm 43,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013.
Trong khi đó, khối lượng cao su nhập khẩu trong 2 tháng ước đạt 43.000 tấn, trị giá 92 triệu USD, giảm 12,2% về lượng và giảm 24,6% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, ngành cao su xuất siêu 123 triệu USD trong 2 tháng đầu năm 2014.
Thực tế cho thấy, giá cao su xuất khẩu bình quân tháng 1/2014 đạt 2.069 USD/tấn, giảm 23,9% so với cùng kỳ năm 2013. Mặc dù Trung Quốc, Malaysia và Ấn Độ vẫn duy trì là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong tháng 1/2014 nhưng lại có xu hướng giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2013.
Cụ thể, Trung Quốc giảm 49,3% về khối lượng và giảm 61,3% về giá trị; Malaysia giảm 37,85% về khối lượng và giảm 53,39% về giá trị; Ấn Độ giảm 23,64% về khối lượng và giảm 41,34% về giá trị.
Đáng lưu ý, cũng trong tháng 1/2014, một số thị trường xuất khẩu cao su của Việt Nam có mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước như Pakistan tăng 162,5% về lượng và tăng 100,51% về trị giá; Thụy Điển tăng 29,7% về lượng và tăng 1,84% về trị giá; Phần Lan tăng 100% về lượng và tăng 45,43% về trị giá; Cộng hòa Séc tăng 202,5% về lượng và tăng 116,63% về trị giá.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, hiện Việt Nam chưa có quy chuẩn quốc gia cho ngành cao su nên chưa có cơ sở pháp lý cho việc kiểm soát chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra của các nhà máy chế biến mủ cao su.
Điều này dẫn đến chất lượng của cao su xuất khẩu của Việt Nam không ổn định, uy tín, thương hiệu của cao su Việt Nam thấp hơn với các nước trong khu vực, kéo theo giá cao su xuất khẩu của Việt Nam thường thấp hơn so với sản phẩm cùng loại của Thái Lan, Malaysia, Indonesia (từ 100 - 200 USD/tấn).
Bên cạnh đó, Việt Nam còn thiếu cơ chế bắt buộc kiểm tra chất lượng và có giấy chứng nhận chất lượng cho tất cả lô hàng cao su xuất khẩu, nên không tạo động lực cho doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đảm bảo chất lượng.
Trong khi các nước Thái Lan, Malaysia, Indonesia có quy định bắt buộc tất cả lô hàng cao su xuất khẩu phải có giấy chứng nhận chất lượng. Do vậy, các nhà nhập khẩu cao su có xu hướng ưu tiên mua từ Thái Lan, Indonesia. Trong giai đoạn cạnh tranh gay gắt như hiện nay, đây là một bất lợi lớn đối với cao su xuất khẩu Việt Nam.
Related news
Bệnh phân trắng, chậm lớn, tôm lớn không đồng đều… là những bệnh liên quan đến bệnh đường ruột của tôm nuôi mà hộ nuôi tôm đặc biệt quan tâm, bởi tỉ lệ tôm bệnh có liên quan đến đường ruột chiếm trên 60% diện tích nuôi.
“Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sản xuất và quy trình sử dụng chế phẩm xử lý môi trường, nuôi trồng thủy sản Neo-polymic phù hợp tại Quảng Trị” là đề tài hợp tác với các ngành và địa phương do Viện hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam quản lý
Ngày 11-9, ông Đỗ Hữu Việt, Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang cho biết, từ đầu năm đến nay, do được mùa cá cơm nên công ty đã thu mua được gần 2.500 tấn cá. Đặc biệt, từ nửa cuối tháng 7 đến nay, công ty đã thu mua được hơn 1.500 tấn.
Sau gần 12 năm làm các sản phẩm shushi (từ mực, cá hồi) xuất sang Nhật, Công ty cổ phần Phát triển Thủy sản Huế (CT CPPT TSH) đã được Nhật Bản cấp giấy chứng nhận miễn kiểm khi làm thủ tục thông quan.
Nhắc đến anh Phùng Văn Hãn, thôn Phú Ninh, xã Thanh Vân (Tam Dương, Vĩnh Phúc) không ai là không biết đến anh, một trong những thanh niên tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế của địa phương với mức thu nhập trên 150 triệu đồng mỗi năm.