Sản Lượng Tôm Nuôi Ở Bình Định Tăng Khá
Theo báo cáo của Phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước (Bình Định), vụ 1.2014 toàn huyện thả nuôi tôm trên diện tích hơn 962/972 ha, trong đó có 90 ha nuôi thâm canh, bán thâm canh thả giống tôm thẻ chân trắng (TTCT), diện tích còn lại nuôi theo phương thức quảng canh cải tiến, nuôi tôm ghép với các đối tượng thủy sản khác.
Vụ 1.2014, người nuôi tôm ở các xã ven đầm Thị Nại như: Phước Sơn, Phước Thuận, Phước Hòa và Phước Thắng - huyện Tuy Phước thả tôm giống từ tháng 3 trở đi đúng theo lịch thời vụ.
Mặc dù gặp thời tiết bất lợi, nắng nóng kéo dài, dịch bệnh tôm xuất hiện rải rác ở đầu vụ, nhưng nhờ sự chỉ đạo kịp thời của ngành chức năng, sự tập trung phòng trừ quyết liệt của người nuôi tôm, đã khống chế dịch bệnh tôm có hiệu quả.
Đồng thời, nhờ nuôi tôm thân thiện với môi trường kết hợp ứng dụng các tiến bộ KHKT mới vào sản xuất, nên đạt năng suất khá.
Đến nay, người nuôi tôm ở Tuy Phước đã thu hoạch xong vụ 1, năng suất bình quân ước trên 690 kg/ha, tăng 3,95% so cùng kỳ năm ngoái, sản lượng tôm 664 tấn, tăng 3,19%; sản lượng cá trên 159 tấn, thủy sản khác 198 tấn, đều tăng từ 1 đến 3%. Trên diện tích nuôi TTCT thâm canh, năng suất từ 7 - 13 tấn/ha, nhiều hộ thu lãi khá.
Theo ông Nguyễn Hữu Hiền, cán bộ chuyên trách thủy sản thuộc Phòng NN-PTNT huyện, trong vụ 1.2014, năng suất, sản lượng tôm và thủy sản nuôi đều tăng, riêng năng suất TTCT đạt khá.
Ngoài bất lợi là thời tiết nắng nóng kéo dài, vụ nuôi tôm năm nay tương đối thuận lợi, nhờ lũ lớn cuối năm 2013 đã rửa trôi bùn bã hữu cơ của vụ nuôi tôm trước, hạn chế ô nhiễm môi trường vùng nuôi.
Hạ tầng nuôi tôm được Nhà nước xây dựng, đã đưa vào sử dụng các tuyến kênh bê tông cấp nước ngọt cho vùng nuôi tôm xã Phước Sơn, Phước Hòa.
Công tác khuyến ngư được tăng cường bằng việc chuyển giao KHKT đến từng hộ nuôi tôm, thông qua các mô hình nuôi tôm thân thiện với môi trường, được người nuôi tôm áp dụng rộng rãi.
Tuy nhiên, ở vụ 1.2014, một số hộ nuôi tôm còn chủ quan, chưa chú trọng đến khâu chăm sóc, phòng bệnh cho tôm, không khai báo khi tôm nuôi có dấu hiệu bị bệnh, dẫn đến có trên 10 ha bị bệnh môi trường và vi rút đốm trắng. Mặt khác, hiện tượng ngọt hóa vùng nuôi thủy sản nước lợ phía Bắc đầm Thị Nại ở 2 xã Phước Thắng và Phước Hòa gây không ít khó khăn cho việc nuôi tôm.
6 tháng đầu năm nay, nước ở vùng nuôi tôm 2 địa phương nói trên có độ mặn thấp do nguồn nước ngọt từ 2 đập dâng lớn (đập Văn Mối, xã Cát Chánh- huyện Phù Cát và đập dâng Nha Phu, xã Phước Hòa - huyện Tuy Phước) liên tục đổ xuống, trực tiếp ảnh hưởng đến vùng nuôi.
Hiện nay, người nuôi tôm ở Tuy Phước đã thả tôm giống vụ 2 trên diện tích nuôi thâm canh và bán thâm canh, số diện tích còn lại nuôi quảng canh cải tiến theo phương thức đánh tỉa, thả bù, phấn đấu thu hoạch xong toàn bộ diện tích nuôi trồng thủy sản trước cuối tháng 9 để tránh thiệt hại do mưa lũ.
Related news
Cuối tháng 3 đáng lẽ là thời điểm những đồng dưa hấu vào vụ thu hoạch nhộn nhịp kèm theo nụ cười rạng rỡ của người nông dân. Tuy nhiên, tháng 3 năm nay lại mang về cho người trồng dưa ở bãi giữa sông Trà nỗi lo thất bát vì dưa bị bệnh và ế ẩm.
Trồng thử nghiệm thành công giống cà chua nặng tới 1kg, bà Phạm Thị Thu Cúc ở Lạc Dương (Lâm Đồng) lại đang gặp khó về tiêu thụ do sản phẩm còn lạ lẫm với người tiêu dùng.
Khi nhiều nơi đang loay hoay để giữ rừng, tìm nguồn sống cho người trồng rừng thì anh Lê Mai Hiền ở thôn Tân Phong, xã Tân Nguyên (Yên Bình, Yên Bái) lại giàu có từ sản xuất, kinh doanh sản phẩm của rừng và giúp đỡ nhiều nông dân khác.
Nhằm giúp nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho bà con nông dân trồng dừa, tỉnh Bến Tre đã triển khai thí điểm mô hình “Cánh đồng mẫu dừa” (CĐMD) trên địa bàn huyện Giồng Trôm. Bước đầu, mô hình này đang mang lại hiệu quả khả quan.
Với nghị lực phi thường, anh Đặng Anh Tuấn (sinh năm 1957), trú ở xã Xuân Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) đã một mình chinh phục những quả đồi hoang lập trang trại. Giấc mơ được sánh vai với những tỷ phú nông dân trên thế giới của anh đã trở thành hiện thực…