Sơ-ri Gò Công khẳng định vị thế
Trải qua nhiều thăng trầm
Cây sơ-ri có mặt trên vùng đất Gò Công từ rất lâu và trở thành cây xóa đói, giảm nghèo của người dân vùng ven biển.
Do thích hợp đất mặn nên hương vị của trái sơ-ri ở đây không nơi nào có được. Trong chương trình phát triển kinh tế vườn, Tiền Giang xác định, sơ-ri là loại trái ngon đặc sản, tập trung đầu tư phát triển.
Năm 2003, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Cây ăn quả miền nam và UBND các huyện, thị xã trong vùng sản xuất sơ-ri xây dựng và ban hành tiêu chuẩn cơ sở quả tươi sơ-ri Gò Công. Để hỗ trợ cây sơ-ri phát triển, giai đoạn 2007 - 2011, tỉnh đầu tư kinh phí cho chương trình hỗ trợ phát triển toàn diện vùng trồng sơ-ri Gò Công.
Trong đó, xác định rõ vùng trồng, tuyển chọn được giống sơ-ri thích nghi, các giải pháp kỹ thuật để xử lý ra hoa và tăng đậu trái, quy trình phòng, chống sâu bệnh trên diện rộng; các kỹ thuật bảo đảm sơ-ri cho ăn tươi và chế biến, hỗ trợ nông dân trồng theo tiêu chuẩn VietGAP...
Tuy vậy, vấn đề đầu ra và giá cả luôn khiến người nông dân đứng ngồi không yên mỗi khi mùa vụ bắt đầu. Thực trạng "được giá thì trồng, rớt giá lại chặt" thường xuyên diễn ra đối với nông dân trong những năm trước đây. Nếu như năm 2000, diện tích trồng sơ-ri Gò Công có khoảng 800 ha thì đến năm 2007 diện tích cây sơ-ri chỉ còn 270 ha.
Đầu năm 2012, Trung tâm Nghiên cứu canh tác cây sơ-ri cũng tổ chức khảo sát chi tiết hiện trạng canh tác sơ-ri tại Gò Công và diện tích chỉ còn 276 ha. Trong đó, diện tích trồng sơ-ri chua truyền thống gần 133 ha, giống sơ-ri ngọt 103 ha và giống sơ-ri chua mới (sơ-ri Bra-xin) khoảng 40 ha.
Sau khi có doanh nghiệp của Nhật Bản đầu tư và bao tiêu thì diện tích mới tăng lên khoảng 500 ha.
Một thời gian dài, Công ty TNHH T.P ở huyện Gò Công Đông "độc quyền" tiêu thụ sơ-ri cho nông dân dưới hình thức sơ chế trái tươi và chế biến dưới dạng purée để xuất khẩu sang Nhật Bản, Xin-ga-po, Hồng Công (Trung Quốc). Tuy nhiên, sản lượng tiêu thụ hằng năm chỉ bằng một phần tư tổng sản lượng sơ-ri toàn vùng.
Ngoài ra, trước đây, việc sản xuất sơ-ri ở Gò Công quy mô nhỏ lẻ, tự phát, bình quân khoảng 1.500 m2/hộ, ít hộ có diện tích canh tác hơn 5.000 m2. Trong khi đó, việc tiêu thụ sơ-ri chưa ổn định, giá cả biến động lớn, bấp bênh nên nông dân có thu nhập thấp. Trong quá trình tổ chức thu mua, tiêu thụ sản phẩm, giữa doanh nghiệp và nông dân vẫn còn nhiều điểm chưa đồng thuận, chưa bảo đảm hài hòa lợi ích của mỗi bên nên dẫn tới chưa bền vững.
Mở hướng xuất khẩu
Trước thực trạng đầu ra trái sơ-ri khó khăn và giá cả rất bấp bênh, việc Công ty TNHH một thành viên Nichirei Suco Việt Nam đưa vào hoạt động nhà máy chế biến sơ-ri vào tháng 9-2014 ngay trên vùng nguyên liệu sơ-ri Gò Công, đã mở ra cơ hội mới cho loại trái cây đặc sản của vùng đất nhiễm mặn này.
Ông Ngô Tấn Kiệt ở ấp Gò Me B, xã Bình Ân, huyện Gò Công Đông, trồng 0,3 ha sơ-ri cho biết: "Từ khi có Nhà máy Nichirei Suco Việt Nam thu mua trái sơ-ri, chúng tôi bắt đầu áp dụng kỹ thuật canh tác mới. Nếu hộ dân nào bán sơ-ri cho nhà máy sẽ được cán bộ kỹ thuật của công ty hướng dẫn về cách chăm sóc, bón phân, phun thuốc...
Đến khi thu hoạch, toàn bộ sản phẩm được công ty thu mua với giá cao hơn thị trường. Sự độc quyền của một doanh nghiệp chuyên thu mua sơ-ri sẽ không còn nữa. Giờ đây, có một công ty thu mua sơ-ri mới thành lập sẽ tạo nên tính cạnh tranh và giá cả cũng có lợi hơn cho nông dân".
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông Huỳnh Thị Tỏ, Công ty Nichirei Suco Việt Nam đang thu mua qua đại lý, với giá hơn 4.000 đồng/kg từ các nhà vườn, cán bộ kỹ thuật trực tiếp xuống vườn sơ-ri hướng dẫn người trồng về kỹ thuật, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bảo đảm an toàn, hiệu quả. Nhà máy sơ chế sơ-ri Nichirei Suco Việt Nam xây dựng trên diện tích 5.200 m2 , được trang bị hệ thống thu và sàng lọc, hệ thống đông lạnh, có thể đưa sản phẩm trái sơ-ri đặc sản của Gò Công ra thị trường thế giới.
Nhà máy có sức chứa khoảng 100 tấn sơ-ri lạnh, với công suất rửa và đông lạnh khoảng ba tấn/ngày, công suất chứa thành phẩm lên đến 30 tấn. Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Nichirei Suco Việt Nam Ô-bu-chi Kây-di cho biết, việc xây dựng nhà máy mới lần này nằm trong chiến lược phát triển thị trường tiêu thụ sơ-ri trên thế giới của Tập đoàn Nichirei (Nhật Bản) nói chung cũng như của Công ty Nichirei Suco Việt Nam nói riêng.
Công ty có tiêu chuẩn quản lý chất lượng riêng, chỉ thu mua những trái sơ-ri an toàn về chất lượng và truy nguyên được nguồn gốc. Sơ-ri Việt Nam bán ra thế giới phải là loại sơ-ri được sản xuất, quản lý cũng như ghi chép hồ sơ canh tác một cách đầy đủ dựa theo tiêu chuẩn VietGAP, HACCP...
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Khang cho biết: Bra-xin và Việt Nam có diện tích trồng sơ-ri lớn nhất thế giới. Riêng tỉnh Tiền Giang có vùng chuyên canh sơ-ri trên đất nhiễm mặn ven biển Gò Công, với diện tích khoảng 300 ha, phục vụ tiêu dùng và chế biến xuất khẩu.
Tuy nhiên, thời gian qua, cây sơ-ri vẫn chưa phát huy hiệu quả, chưa được khai thác tốt tiềm năng theo hướng bền vững, chưa làm cho nông dân trồng sơ-ri cảm thấy an tâm. Mục tiêu của tỉnh đến năm 2015 sẽ mở rộng diện tích trồng sơ-ri lên hơn 500 ha, sản lượng đạt hơn 10.000 tấn/năm. Việc tổ chức xây dựng nhà máy chế biến trái sơ-ri của Công ty Nichirei Suco Việt Nam là hoạt động thiết thực nhằm đẩy mạnh sản xuất cây sơ-ri, tạo nên thị trường tiêu thụ trái sơ-ri ổn định, góp phần giúp nông dân trồng sơ-ri tăng thu nhập, vươn lên làm giàu.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang, toàn tỉnh hiện có khoảng 500 ha trồng sơ-ri được phân bố ở các xã: Bình Ân, Bình Nghị, Tân Đông, Kiểng Phước (huyện Gò Công Đông); xã Long Hưng, Long Thuận và Long Hòa (thị xã Gò Công) và một số ít được trồng ở huyện Gò Công Tây.
Giống sơ-ri được người dân trồng chủ yếu là sơ-ri chua (giống sơ-ri Bra-xin) để đáp ứng nhu cầu chế biến xuất khẩu và ăn tươi, năng suất bình quân đạt 25 tấn/ha/năm.
Related news
Tính đến cuối năm 2014, diện tích chuối của riêng xã Tân Long đã lên đến trên 700 ha trên tổng số khoảng 2.200 ha của toàn huyện. Đây là cây dễ trồng, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, điều kiện canh tác ở địa phương, lại ít sâu bệnh, bán được giá nên nông dân Tân Long tích cực mở rộng diện tích chuối. Những năm qua chuối Hướng Hóa đã trở thành mặt hàng xuất khẩu có giá trị, mang về một nguồn thu không nhỏ cho người dân.
Ngành Nông nghiệp huyện Châu Thành (An Giang) phối hợp các ngành chức năng triển khai thực hiện 7 nhà trồng nấm ứng dụng công nghệ cao (quy mô từ 24-30 m2/nhà). Trong đó, thị trấn An Châu 3 nhà và xã An Hòa 4 nhà, trồng các loại: Nấm rơm, nấm bào ngư, nấm mèo...
Ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, nằm hai bên bờ sông Măng Thít, cách TP Vĩnh Long 32 km, cách TP Cần Thơ 28 km - từ lâu nổi tiếng thương hiệu cam sành ngọt lịm.
Tuy nhiên, do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chưa có quy hoạch vùng nguyên liệu ổn định; các đơn vị đăng ký thương hiệu còn ít. Phần lớn sản phẩm sản xuất ra chưa đáp ứng được tiêu chí về đăng ký bảo hộ thương hiệu; chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm; bao bì, nhãn mác đơn điệu, thiếu tính thẩm mỹ, chưa tạo được thiện cảm với người tiêu dùng; hoạt động quảng bá sản phẩm mới thực hiện trong phạm vi hẹp chứ chưa sâu rộng, đồng bộ… nên số lượng hàng hóa nông sản tiêu thụ tại thị trường lớn chưa nhiều, giá bán bấp bênh.
Giá khóm tại Tân Phước (Tiền Giang) hiện đang rớt giá mạnh khiến nhiều nông dân lo lắng. Qua khảo sát tại các điểm thu mua, giá khóm hiện chỉ trên dưới 1.000 đồng/kg nhưng lượng mua vào rất ít.